Trí tuệ nhân tạo "xâm lấn", nhiều người đổ xô cho con học robot, thầy giáo nói: Đây mới là ngành học có thể "đấu lại" máy móc

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Thời đại 4.0 đang đặt ra cơ hội cho thế hệ trẻ, cũng như không ít thách thức với người làm cha mẹ.

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển và ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ giáo dục, y tế, công nghệ thông tin cho đến nghệ thuật. Nó dần trở thành công cụ phục vụ đắc lực cho cuộc sống con người, sự phát triển kinh tế, xã hội tại nhiều quốc gia. Nhưng sự “bành trướng” của AI cũng khiến nhiều người lo ngại nguy cơ thất nghiệp hàng loạt trên thế giới, vì công việc ngày càng được tự động hóa, nhu cầu lao động người thật giảm đi.

Thời đại 4.0 đang đặt ra cơ hội cho thế hệ trẻ, cũng như không ít thách thức với người làm cha mẹ. Câu hỏi: Nên cho con học gì để có thể tồn tại trong thời đại máy móc khiến nhiều cha mẹ trăn trở. Không ít cha mẹ lo lắng con mình sẽ thất nghiệp nếu không bắt kịp công nghệ.

Theo thầy Đỗ Cao Sang, Thạc sĩ chuyên ngành Quản lý giáo dục thì thời đại AI có nghĩa là sự sản xuất tự động hóa (automatization) sẽ chiếm dần đi một số phần công việc thiên về chính xác và logic như trong ngành Kế toán, Ngân hàng, Cơ khí, Sản xuất dây chuyền…

Trí tuệ nhân tạo "xâm lấn", nhiều người đổ xô cho con học robot, thầy giáo nói: Đây mới là ngành học có thể "đấu lại" máy móc - Ảnh 1.

Thầy Đỗ Cao Sang

Nói "một số phần công việc" vì không phải lĩnh vực nào robot và AI cũng có thể thay thế được con người. Ví dụ như trong lĩnh vực lãnh đạo, quản lý nhân sự, robot chỉ là công trợ phụ trợ tương đối. Còn lãnh đạo quản lý có tính truyền cảm hứng và am hiểu tâm lý, đây là điều robot không thể làm nổi. Tương tự, khi nói đến Văn học, Nghệ thuật, Văn hóa, Thẩm mỹ... những lĩnh vực liên quan quá nhiều đến cảm xúc cũng vậy. Suy ra, ngành phiên dịch cũng không bao giờ bị mất việc hẳn, đặc biệt như dịch tiểu thuyết, thơ ca, sách truyền cảm hứng. Sẽ không có máy dịch nào làm tốt được như con người.

Hãy đem sở trường ra để cạnh tranh

Thầy Sang cho rằng, trước ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo, nhiều phụ huynh chi tiền triệu cho con đi học robot. Con cái nếu yêu thích và giỏi về máy móc; hoặc nếu con có đam mê và bạn muốn con phát triển một số kỹ năng mềm qua việc tham gia các hoạt động này thì đều là việc nên khuyến khích. Nhưng nếu con không thích và không có tố chất phù hợp thì tại sao phải ép con đâm đầu vào mấy “cỗ máy vô hồn” ấy từ bé tí?

"Bạn không thể học robot để đấu lại được với trí thông minh nhân tạo. Một máy tính cho phép trong một giây, một phần mềm cờ vua có thể tính được hai tỷ nước đi. Con người dù thông minh cỡ nào cũng đấu không lại máy. Đó là tuyên bố của kiện tướng cờ vua thế giới năm 1995, sau khi ông ta đấu thử với một cỗ máy tính đời cổ lỗ sĩ (tính đến thời điểm này).

Nếu để điều khiển robot thì một người bình thường cũng có thể dùng iphone nhoay nhoáy sau vài lời chỉ dẫn. Nghĩa là robot không cần mất nhiều thời gian để sử dụng. Cho con đi học để sản xuất robot ư? Đây là công việc không hề dành cho đám đông! Sản xuất ra robot là công việc của những nhà chuyên môn.

Đừng đem sở đoản của mình (thông minh logic) để đấu với máy móc. Hãy đem sở trường (trí thông minh cảm xúc – emotional intelligence) mà cạnh tranh" , thầy Sang nói.

Vậy cha mẹ cần làm gì?

Dù AI phát triển đến đâu, thì ở một số lĩnh vực chuyên môn đặc biệt, sẽ luôn cần con người thật.

Trí tuệ nhân tạo mang lại những tiến bộ và cơ hội đáng kể, tuy nhiên cũng khó có thể thay thế được những công việc đòi hỏi kỹ năng của con người như khả năng sáng tạo, sự khéo léo về thể chất và trí tuệ, cảm xúc lẫn tư duy, lòng trắc ẩn, sự tin tưởng và đồng cảm. Trên hết yếu tố con người vẫn vô giá. Ít nhất về ngắn hạn, AI và khoa học robot khó có khả năng loại bỏ hoàn toàn một số ngành nghề.

Theo thầy giáo này, bố mẹ có thể định hướng cho con học các lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, xã hội nhân văn, chăm sóc sức khỏe con người... Đó là lợi thế duy nhất của chúng ta khi đối diện với thời đại của máy móc, ít ra là trong tương lai gần.

Phụ huynh cần định hướng chọn ngành cho con, nhưng hãy để con tự quyết định nghề nghiệp trong tương lai của mình trên cơ sở là năng lực, hứng thú, sự yêu thích của con kết hợp với phân tích nhu cầu của thị trường thay vì chỉ chạy theo xu hướng hay ngành “hot”.

Nên tạo cơ hội để hình thành cho con những hình dung, ý niệm về các ngành nghề khác nhau và trải nghiệm dần. Trên hết, hãy chuẩn bị cho trẻ những kỹ năng giúp trẻ trang bị "sự khác biệt" giữa bản thân và robot, AI: Đó là tầm quan trọng của sự hợp tác; tính kiên nhẫn; Tư duy phản biện và giải quyết vấn đề; Trí tuệ cảm xúc và sự đồng cảm...

Chia sẻ