Treo túi lá ngải cứu ở đầu giường có tác dụng gì?
Nhiều người thường treo túi lá ngải cứu ở đầu giường, thỉnh thoảng thay ngải cứu mới; bạn có biết cách làm này có tác dụng gì?
Ngải cứu (tên khoa học là Artemisia vulgaris) thuộc họ Cúc. Cây có hình dáng nhỏ, lá màu xanh đậm và mùi thơm đặc trưng.
Ngải cứu được dùng rất nhiều trong những bài thuốc dân gian và bài thuốc Đông y chữa các bệnh thông thường, đặc biệt là tác dụng tốt về cầm máu, điều hòa kinh nguyệt, chữa đau đầu, tiêu chảy, chướng bụng... Ngoài ra, ngải cứu còn có những ứng dụng tuyệt vời trong việc tạo mùi hương dễ chịu, thanh sạch, đuổi muỗi và côn trùng.
Nhiều gia đình thường xuyên treo túi lá ngải cứu ở đầu giường để tận dụng lợi ích của nó, vậy tác dụng cụ thể ra sao?
Đây là một mẹo vặt đem lại khá nhiều công dụng, bao gồm:
Một trong những tác dụng nổi bật của việc treo túi lá ngải cứu ở đầu giường là giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ. Ngải cứu có tính ấm và khả năng thư giãn thần kinh, giúp cơ thể cảm thấy thoải mái hơn, dễ dàng chìm vào giấc ngủ sâu.
Tinh dầu từ lá ngải cứu tỏa ra mùi hương sảng khoái, khiến cả căn phòng trở nên thanh sạch, thơm dịu, từ đó giúp tinh thần trở nên thư giãn, giảm căng thẳng và lo âu, dễ đi vào giấc ngủ, đặc biệt là đối với những người khó ngủ hoặc ngủ không sâu.
Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng lá ngải cứu phơi khô để làm lõi gối. Dùng gối ngải cứu cũng là một trong những cách giúp bạn ngủ ngon hơn.
Việc ngửi mùi hương từ lá ngải cứu khi nằm ngủ cũng giúp giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi sau một ngày dài làm việc. Mùi hương tự nhiên này có tác dụng làm dịu tâm trạng, thư giãn đầu óc và nâng cao tinh thần. Khi nhịp sống ngày càng căng thẳng, đây là cách thư giãn tự nhiên mà hiệu quả.
Theo dân gian, việc treo túi lá ngải cứu ở đầu giường còn có tác dụng phòng ngừa các bệnh cảm cúm và các bệnh đường hô hấp. Mùi hương của ngải cứu có khả năng kháng khuẩn và khử mùi, giúp không gian sống trở nên thoáng đãng và sạch sẽ hơn. Điều này rất hữu ích, đặc biệt trong những mùa lạnh, khi con người dễ dàng bị cảm lạnh hoặc mắc các bệnh hô hấp.
Một tác dụng khác ít người biết đến khi treo túi lá ngải cứu ở đầu giường là xua đuổi côn trùng, đặc biệt là muỗi. Lá ngải cứu chứa các chất có mùi mạnh, có thể đuổi muỗi và các loại côn trùng khác ra khỏi không gian sống, giúp bạn có giấc ngủ ngon và tránh các bệnh do muỗi gây ra, như sốt xuất huyết, Zika, hoặc viêm não Nhật Bản.
Cách làm túi lá ngải cứu treo đầu giường
Để làm túi ngải cứu để treo đầu giường, bạn có thể thực hiện theo các bước dưới đây:
- Chuẩn bị lá ngải cứu tươi hoặc khô: Nếu có thể, bạn nên chọn lá ngải cứu tươi để đảm bảo chất lượng và nhiều tinh dầu hơn. Tuy nhiên, ngải cứu khô cũng có thể sử dụng được và thời gian bảo quản lâu hơn.
- Làm sạch lá ngải cứu: Rửa sạch lá ngải cứu để loại bỏ bụi bẩn và tạp chất, sau đó để ráo nước hoặc phơi khô.
- Tạo túi đựng lá ngải cứu: Bạn có thể sử dụng một túi vải mỏng hoặc vải sợi để đựng lá ngải cứu. Không nên dùng túi quá chặt để không khí có thể lưu thông qua lại.
- Treo túi lá ngải ngứu ở đầu giường: Sau khi chuẩn bị xong, bạn chỉ cần treo túi lá ngải cứu ở đầu giường, nơi không khí có thể lưu thông tốt để phát huy tác dụng.
Lưu ý khi sử dụng ngải cứu
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tư vấn của BSCKI Dương Ngọc Vân cho biết, tuy ngải cứu tác dụng tốt với sức khoẻ nhưng nếu sử dụng hàng ngày hay làm thuốc thì cần thận trọng. Việc lạm dụng hay sử dụng không đúng cách có thể gây bất lợi cho sức khỏe.
- Người mang thai hoặc từng sảy thai, sinh non, không nên ăn.
- Phụ nữ cho con bú cũng không nên sử dụng ngải cứu hàng ngày.
- Không dùng ngải cứu làm thuốc kết hợp với các loại thuốc chữa trầm cảm, tiểu đường, chống đông máu, ung thư, kháng khuẩn vì có thể gây tương tác và giảm hoặc phản tác dụng.
- Cần hết sức thận trọng khi dùng ngải cứu cho những người có cơ địa mẫn cảm với thảo dược.
- Không dùng ngải cứu dài ngày, quá 4 tuần.