Trên khuôn mặt có một vùng "tử thần", tác động sai cách có thể gây nhiễm khuẩn, viêm màng não nhưng 99% chị em đang mắc phải sai lầm
Tam giác tử thần là vùng kéo dài từ đầu mũi đến các góc của miệng, tức là bao gồm cả sống mũi đến các góc miệng.
Trên khuôn mặt có một vùng mệnh danh là "tử thần"
Khuôn mặt là "tấm gương" phơi bày nhan sắc và tính cách của một người, nhưng hẳn nhiều người chưa biết rằng mỗi khu vực trên mặt đều có chứa các kinh mạch, kết nối với nhiều bộ phận trong cơ thể, nếu chúng ta tác động sai cách có thể gây nên các biến chứng nguy hiểm.
Theo các chuyên gia, trên khuôn mặt của chúng ta có một vùng mang tên "tam giác tử thần". Đó là vùng kéo dài từ đầu mũi đến các góc của miệng, tức là bao gồm cả sống mũi đến các góc miệng, tạo thành hình tam giác. Nếu nhiễm trùng xuất hiện ở khu vực này có thể gây ra các cục máu đông chứa vi khuẩn ở tĩnh mạch, gây chèn ép lên não, thậm chí gây tử vong.
Thế nhưng, rất nhiều chị em vẫn thản nhiên nặn mụn ở khu vực này mà không biết chúng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn, gây bệnh rất lớn.
Vùng tam giác tử thần trên mặt không nên nặn mụn.
Mới đây bác sĩ Hạnh Nguyên (Bác sĩ nội trú phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Học viện Quân Y) đã đưa ra khuyến cáo: "Đừng tự ý nặn mụn ở vị trí này nhé: Đây được coi là tam giác tử thần trên khuôn mặt, có thể gây ra sẹo, nhiễm khuẩn hay thậm chí là viêm màng não. Đây là vùng chứa dày đặc các mạng mạch và dây thần kinh, thậm chí có nhánh nối với động mạch màng não. Do vậy hãy hết sức thận trọng nhé".
Thực tế, trước đây đã có không ít trường hợp phải nhập viện vì tự ý nặn mụn. Cuối năm 2016, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM đã tiếp nhận một bệnh nhân 32 tuổi bị nhiễm trùng huyết, viêm tắc xoang hang vì nặn mụn ở mũi.
Tháng 12/2020, một người đàn ông tên Chen Nan (Thường Châu, Trung Quốc) đã bị viêm sưng vùng môi miệng, dẫn đến viêm phổi kép và xẹp phổi do tự ý nặn mụn ở vùng "tam giác tử thần" này.
Nặn mụn thế nào là đúng cách?
Mụn là một trong những vấn đề da liễu rất dễ gặp ở cả nam và nữ. Mụn không chỉ gây đau đớn mà còn có thể gây viêm, ảnh hưởng xấu đến làn da, khiến chúng ta mất tự tin khi giao tiếp. Nặn mụn tưởng chừng chỉ là một hành động đơn giản nhưng trong thực tế, đã có biết bao người lâm vào tình trạng nguy kịch khi thực hiện sai cách.
Theo BS CKI Nguyễn Phương Thảo (Phòng khám da liễu Pensilia), trên khuôn mặt có những bộ phận tuyệt đối không nên nặn mụn đó là: Vị trí quanh mắt, sống mũi, chóp mũi và hai bên mép, đây đều là những vị trí "tử thần" không được nặn.
Ngoài ra, mọi người cũng không nên nặn mụn khi mụn còn non, nặn mụn khi tay chưa rửa sạch vì rất dễ gây nhiễm trùng huyết. Các vị trí mụn trên mặt có thể đi vào thần kinh trung ương, dễ gây sốc nhiễm trùng huyết, có thể gây tử vong.
Nếu thấy mụn mọc lớn ở những vị trí nguy hiểm thì nên đến gặp bác sĩ để chỉ định thuốc kháng sinh phù hợp và chích rạch dẫn lưu đúng thời điểm. Ngoài ra, việc đến các cơ sở y tế khám bệnh cũng sẽ giúp người bệnh có thể kịp thời phát hiện thêm các bệnh tiềm ẩn nào đó có thể khiến tình trạng nhiễm trùng trầm trọng hơn như tiểu đường, bệnh lý miễn dịch...
Việc nặn mụn ở nhà sẽ an toàn nếu thực hiện theo một số lưu ý:
- Lựa chọn thời điểm buổi tối, trước khi đi ngủ để nặn mụn vì lúc này da có thời gian để nghỉ ngơi và hồi phục.
- Làm sạch da bằng cách tẩy trang, rửa mặt.
- Đối với dụng cụ nặn mụn, bạn nên hơ nóng qua lửa rồi bôi một lớp cồn sau khi dụng cụ nguội để sát trùng hoặc sử dụng nước tẩy rửa trước khi dùng.
- Dùng dụng cụ bấm mụn tạo một khoảng trống nhỏ ngay vị trí mụn bạn cần lấy nhân, để nhân mụn ở sâu bên trong có thể thoát ra một cách dễ dàng.
- Dùng ngón tay/cây nặn mụn để nặn.
- Vệ sinh da sạch sau khi nặn mụn.
- Bôi thuốc trị mụn quanh vùng vừa nặn.