Trẻ nhập viện vì nằm điều hòa không đúng cách
Không những mắc các bệnh về hô hấp mà trẻ nhỏ còn có thể sốt và dẫn đến các bệnh tiêu chảy khác do sử dụng điều hòa quá lâu hoặc quá lạnh.
Theo bác sĩ Vũ Quý Hợp, Trường phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi Trung Ương thì trong thời gian nắng nóng kéo dài vừa qua, số trẻ vào khám và điều trị ở khoa Hô hấp rất đông. Khoa Hô hấp có 50 giường bệnh nhưng những ngày này, lúc nào cũng quá tải lên tới hơn 100 cháu phải nhập viện điều trị.
Bác sĩ Hợp cũng cho biết nguyên nhân là do thời tiết quá nắng nóng, trẻ thường nằm quạt thốc trực tiếp vào người khi ngủ; nhiều cha mẹ quá lạm dụng điều hòa nhiệt độ đã để nhiệt độ chênh hơn nhiều so với ngoài trời, điều này không tốt cho trẻ nhỏ. Vì khi trẻ ngủ say, thân nhiệt giảm nên rất dễ bị viêm họng, sốt dẫn đến tiêu chảy.
Chị Đặng Thị Phương Thảo (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Mấy hôm trời nóng quá tôi toàn để nhiệt độ điều hòa là 25 độ C mà sáng ra cả nhà đều bị đau họng!”.
Vì vậy, để sử dụng điều hòa nhiệt độ hiệu quả và an toàn bạn cần lưu ý:
Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột
Tuyệt đối không cho trẻ bước vào phòng máy lạnh ngay khi mới ở ngòai trời nắng về hay vừa vận động mạnh, đổ nhiều mồ hôi. Khi đang ở nhiệt độ cao bước vào phòng lạnh, cơ thể trẻ sẽ thay đổi thân nhiệt nhanh chóng, dễ gây triệu chứng ớn lạnh, nổi da gà… Nếu cơ thể không điều hòa được nhiệt độ sẽ dẫn đến sốt cao, ho.
Vì vậy trong trường hợp này bạn nên cho trẻ ngồi nghỉ ở nhiệt độ bình thường khoảng mười lăm đến ba mươi phút hoặc sử dụng quạt thông thường để điều chỉnh thân nhiệt về trạng thái cân bằng. Chú ý, nếu cơ thể nhiều mồ hôi, bạn nên lấy khăn khô lau sạch.
Để nhiệt độ phù hợp
Vào những ngày nắng nóng, chúng ta thường điều chỉnh máy điều hòa dưới 20 độ C để thoả mãn cơn nóng. Không khí nóng lạnh thất thường làm cơ thể không kịp thích ứng nên dễ bị cúm trong ngày nóng.Với máy lạnh, khoảng cách nhiệt độ ngoài trời và trong nhà chênh nhau từ 8 đến 10 độ là phù hợp với sự thích ứng của cơ thể người.
Nên để nhiệt độ từ 22 tới 26 độ C.
Thông thường, nhiệt độ thích hợp nhất phải thấp hơn ngoài trời khoảng 8 đến 10 độ C. Ví dụ: Nếu thời tiết bên ngoài là 34 độ C, nhiệt độ bạn nên điều chỉnh máy điều hòa là từ 22 đến 26 độ C.
Không nên để trẻ ngồi trước máy điều hòa quá lâu
Ngồi trong phòng có máy điều hòa cả ngày là điều hoàn toàn không nên. Khi bước ra ngoài, bạn sẽ cảm thấy cực kì khó chịu, chưa kể gây ra hiện tượng khô da, luôn thấy khát nước. Những trẻ nhỏ ở trong phòng điều hòa quá 4 giờ liên tục thường làm da trẻ khô, họng khô.
Nên để trẻ tham gia các hoạt động thể chất để tăng cường sức khỏe.
Thời gian tối đa để bạn để trẻ ngồi trong máy điều hòa không nên quá 2 tiếng mỗi lần. Tức là khoảng 2 tiếng bạn nên cho trẻ ra ngoài nhiệt độ bình thường khoảng mười đến mười lăm phút. Mỗi khi ra ngoài bạn nên mở rộng cửa, đứng lại khoảng hai ba phút để thích ứng với môi trường xung quanh.
Hạn chế trẻ đi ra đi vào khi sử dụng điều hòa
Trẻ vốn hiếu động, nên ít khi chịu ngồi yên một chỗ, nhất là khi bị nhốt trong phòng. Do đó đã sử dụng điều hòa cũng nên hạn chế để trẻ đi ra, đi vào giữa hai nơi có nhiệt độ chênh lệch nhiều lần. Ngoài ra nếu sử dụng điều hòa cho trẻ cũng nên sử dụng thêm máy tạo độ ẩm. Nhưng cũng chỉ sử dụng làm ẩm nhẹ, nếu không lại tạo ra độ ẩm lớn dễ làm trẻ viêm đường hô hấp hơn. Bên cạnh đó, cần xịt, nhỏ nước muối sinh lý thường xuyên làm sạch đường hô hấp trên của trẻ.
Chú ý sử dụng điều hòa khi ngủ
Tránh để luồng gió điều hòa thổi thẳng vào nơi nằm ngủ của trẻ. Điều chỉnh nhiệt độ trong khi ngủ cho phù hợp với từng giai đoạn. Điều này giúp bạn không phải tỉnh dậy khi đang ngủ để tăng, giảm nhiệt độ của máy.
Da của trẻ em rất nhạy cảm, vì vậy ngồi trong phòng điều hòa lâu sẽ dẫn tới mất nước, khô da. Để hạn chế tình trạng này bạn nên thường xuyên uống nước hoặc để một chậu nước dưới máy điều hòa. Ngoài ra thỉnh thoảng bạn cũng nên lau sàn nhà bằng giẻ ướt.
N.C.K tổng hợp