Trẻ nhà nghèo càng dễ mắc phải "3 bữa cơm bất hiếu" này: Cha mẹ vô tình tạo ra những đứa con vô ơn

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Bạn càng không nỡ để con chịu khổ một chút, thì tương lai bạn có thể sẽ phải chịu khổ nhiều hơn.

Bạn đã bao giờ thấy những đứa trẻ như thế này chưa?

Lúc nhỏ, cha mẹ nhịn ăn nhịn mặc, cố gắng tiết kiệm từng đồng để lo cho chúng. Khi đi học, dù gia đình khó khăn đến đâu cũng cố cho chúng học trường tốt nhất. Nhưng khi chúng thành đạt, đủ lông đủ cánh, quay lại không buồn nói một lời "cảm ơn". Thậm chí còn chê nhà nghèo, chê cha mẹ không có học, chê ăn mặc không sang, ra ngoài xấu hổ.

Có những "kẻ bạc tình" không phải tự nhiên mà có, mà là do gia đình nghèo nuôi nấng từng chút một mà thành.

Trẻ nhà nghèo càng dễ "ăn" phải 3 bữa cơm này, cha mẹ vô tình nuôi dưỡng những đứa con bất hiếu mà không hay biết.

Trẻ nhà nghèo càng dễ mắc phải

Ảnh minh hoạ

Bữa thứ nhất: "Cơm hy sinh" - Người lớn chịu khổ, con cái hưởng lạc

"Thế hệ chúng tôi chịu khổ chút cũng không sao, miễn là con cái có tương lai". Nhiều gia đình nghèo, đặc biệt ở nông thôn hay thành phố khó khăn, đều nghĩ như vậy. Cái gì cũng có thể tiết kiệm, duy chỉ không thể thiệt thòi con cái.

Có một bà cụ, ngày ngày nhặt rác bán kiếm tiền, quanh năm sớm hôm, quần áo rách rưới, đế giày mòn cũng không nỡ thay. Nhưng đứa cháu bà từ khi học tiểu học, năm nào cũng được đi giày thể thao mới nhất, cặp sách đắt tiền nhất, đồ bổ dưỡng đắt đỏ nhất.

Bà vui mừng: "Tôi chịu khổ chút không sao, miễn là cháu có tương lai". Nhưng sau này, đứa cháu đó vào đại học, lên thành phố, tiếp xúc với nhiều người. Dần dà, nó bắt đầu chê bà cụ quê mùa, không có học, căn nhà cũ nát nhìn cũng chán. Cuối cùng, nó dọn ra ở riêng, Tết cũng không về.

Bà cụ đau lòng: "Tôi tần tảo nuôi nó ăn học, không mong nó báo đáp, chỉ cần nó nhớ đến tôi chút thôi". Nhưng bà không ngờ, sự "hy sinh" của bà trong mắt đứa cháu lại trở thành "Bà phải đối xử tốt với tôi là lẽ đương nhiên".

Bạn thấy đấy, những đứa trẻ được nuôi dưỡng bằng những miếng ăn cha mẹ ông bà dành dụm, không những không biết ơn, mà còn coi đó là điều hiển nhiên. Người lớn một mực chịu khổ, dành hết mọi thứ cho con, nhưng lại quên dạy con rằng những điều tốt đẹp đó không dễ có, cần phải trân trọng và biết ơn.

Kết quả là khi lớn lên, đứa trẻ đó thường trở thành "kẻ bất hiếu".

Bữa thứ hai: "Cơm nuông chiều" - Áo đến tay, cơm đến miệng

Trong nhiều gia đình, đứa trẻ được coi như "vua con". Từ nhỏ không phải động tay vào việc gì, cơm chín bưng đến tận miệng, quần áo bẩn có người giặt, không phải quét nhà, không phải rửa bát.

Người ngoài hỏi: "Sao không để cháu phụ giúp chút việc?". Cha mẹ đáp: "Nó bận học, đừng làm nó mệt". Hoặc: "Nó còn bé, làm không tốt, thà tôi làm luôn cho nhanh."

Kết quả là đứa trẻ lớn lên thành "công tử bột" hay "tiểu thư đài các", không những không biết ơn mà tính khí còn rất xấu, hễ không vừa ý là cáu kỉnh.

Một bà mẹ ngoài 40 tuổi, vừa dọn dẹp nhà cửa xong, giặt xong quần áo, lại phải chạy theo đút cơm cho cậu con trai 7-8 tuổi. Cậu bé mải chơi game, quay lại quát: "Mẹ ơi, món này mặn quá, lần sau đừng làm thế nữa". Người mẹ vẫn cười xòa: "Ừ ừ, lần sau mẹ làm theo ý con".

Đứa trẻ đó không phải không hiểu chuyện, mà là từ nhỏ đã được nuông chiều quá mức. Khi một đứa trẻ được đặt lên quá cao, chúng sẽ không bao giờ biết cúi đầu nhìn xuống con đường mình đi, càng không nhớ ai đã cho mình những thứ tốt đẹp đó.

Đặc biệt là trẻ nhà nghèo, không có tài nguyên, không có quan hệ, không có chỗ dựa, thứ duy nhất chúng có thể dựa vào là chính mình. Nhưng cha mẹ lại không dạy chúng cách sống tự lập, không cho chúng nếm trải khó khăn, chỉ sợ chúng mệt, sợ chúng buồn.

Cuối cùng, chúng chỉ học được "Tôi xứng đáng được nhận" mà không học được "Tôi cần phải làm gì".

Một đứa trẻ được nuông chiều sẽ không biết thương bạn. Bởi vì từ nhỏ đến lớn, bạn chưa bao giờ dạy chúng cách thương bạn.

Bữa thứ ba: "Cơm mềm lòng" - Không dám dạy dỗ, sợ con tổn thương

"Không đánh, không mắng, trẻ con bây giờ tâm lý yếu lắm, lỡ có vấn đề gì thì khổ". Đây là câu nói cửa miệng của nhiều phụ huynh, đặc biệt là các bà, các mẹ. Hễ con khóc là xót ruột; hễ con không vui là lập tức dỗ dành.

Một cậu bé 7-8 tuổi trong siêu thị cầm kẹo không trả tiền định bỏ đi. Nhân viên giữ lại, cậu bé liền chửi: "Sao ông dám giữ tôi? Mẹ tôi bảo tôi muốn gì cũng được mua mà".

Lúc sau bà mẹ chạy đến, không những không dạy con, mà còn trách: "Cháu còn bé, có một cái kẹo thôi mà, có gì to tát đâu mà dọa nạt?". Người lớn nghĩ rằng đó là yêu thương, nhưng thực ra là đang nuông chiều thái quá.

Lúc nhỏ không dạy dỗ, lớn lên chúng có nghe lời bạn không? Bạn nói một câu, chúng cãi mười câu; bạn có việc cần, chúng chê bạn phiền. Đến khi bạn già yếu, liệu chúng có chê bạn "làm phiền" không? Thực ra, bạn hiểu rõ hơn ai hết.

Những gia đình không nỡ dạy dỗ, không dám đặt ra quy tắc, cuối cùng thường sẽ tạo ra những đứa trẻ vô kỷ luật, vô tâm và vô trách nhiệm.

Tình yêu thực sự phải có giới hạn, không phải là sự nuông chiều vô điều kiện

Nhiều người luôn nghĩ rằng, chỉ cần chăm sóc con chu đáo, bao bọc chúng kỹ lưỡng, chúng sẽ biết ơn và báo đáp sau này. Nhưng thực tế thường trớ trêu hơn thế.

Những "bữa cơm ngon" bạn cho con ăn, nếu không chứa đựng sự biết ơn, trách nhiệm và kỷ luật, thì càng ăn nhiều, chúng càng dễ trở thành kiểu người bạn sợ nhất.

Đôi khi, những đứa trẻ biết khổ cực từ nhỏ lại hiểu chuyện hơn, biết thương cha mẹ hơn, trân trọng cuộc sống khó khăn hơn. Lòng hiếu thảo được nuôi dưỡng từ nhỏ, không phải đợi đến khi chúng "tự nhiên hiểu ra".

Bạn càng không nỡ để con chịu khổ một chút, thì tương lai bạn có thể sẽ phải chịu khổ nhiều hơn.

Chia sẻ