Trẻ liên tục nhập viện vì viêm mũi họng, tai giữa, bác sĩ khuyến cáo

NGUYỄN NGOAN/VTC News,
Chia sẻ

Nhiều bố mẹ thắc mắc tại sao con mình hay bị bệnh viêm mũi họng, tai giữa tái đi tái lại nhiều lần.

Suốt 1 tháng nay, chị Nguyễn Mai Anh (30 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đau đầu vì con gái 3 tuổi liên tục trong tình trạng viêm mũi họng.

Chị Anh cho biết, khoảng 1 tháng trước, con chị có biểu hiện ho, chảy mũi sau đó 2 ngày thì psốt 39, 40 độ. Chị đưa con đi khám với chẩn đoán bị viêm A, viêm mũi họng, chỉ định uống kháng sinh 5 ngày.

Sau khi dùng thuốc 3 ngày thì con cắt sốt, bớt ho và không còn chảy mũi. Sợ con dùng nhiều kháng sinh không tốt cho cơ thể nên đến ngày thứ 4, khi biểu hiện bệnh của con thuyên giảm chị dừng thuốc, chỉ cho dùng siro ho thảo dược kết hợp nước muối pha loãng rửa mũi.

Tuy nhiên, hai tuần sau con chị lại tái sốt với biểu hiện tương tự lần đầu, thậm chí lần này mũi con còn đặc hơn, khó thở kèm bỏ ăn.

Cũng chật vật vì con tái đi tái lại bệnh về tai, mũi, họng, chị Đặng Thuỳ Dung (35 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, có tháng chị đưa con đi bác sĩ hai, ba lần vì bệnh viêm tai giữa.

Chị Dung cho hay con chị bị viêm tai giữa lần đầu lúc gần 1 tuổi, còn số lần bị sốt vì viêm mũi họng, viêm phổi không đếm xuể.

“Trận này chưa qua được mấy ngày thì trận ốm khác lại tìm tới” , người mẹ cho biết không hiểu nguyên nhân do đâu mà con liên tục tái đi tái lại bệnh, trong khi chị luôn giữ ấm, vệ sinh tai cho con và bổ sung tăng đề kháng theo đợt.

Trẻ liên tục nhập viện vì viêm mũi họng, tai giữa, bác sĩ khuyến cáo - Ảnh 1.

Trẻ liên tục nhập viện vì mũi họng, tai giữa, chuyên gia giải đáp nguyên nhân.

Ths.BS Nguyễn Hy Quang, khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện E Hà Nội cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến trẻ nhỏ liên tục tái đi tái lại bệnh viêm mũi họng, tai giữa.

Thứ nhất có thể trẻ không thực sự khỏi các đợt viêm mũi họng trước đó. Theo bác sĩ Quang, thông thường nếu điều trị triệt để viêm mũi họng trẻ không nhanh bị đợt mới, khoảng cách tối thiểu giữa các đợt thường từ 3 tuần trở lên.

Nếu các dấu hiệu mũi họng (chảy mũi, ho...) chỉ khỏi được 5 ngày đến 2 tuần thì cần nghĩ tới khả năng trẻ chưa được điều trị dứt điểm.

“Nhiều cha mẹ thường tự ý cho con dừng kháng sinh khi chưa đủ ngày chỉ định và không tái khám lại cho trẻ sau khi hết thuốc cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị tái đi tái lại bệnh” , bác sĩ Quang nói và phân tích trẻ có thể bớt triệu chứng nhưng bên trong cơ thể chưa hết bệnh, nếu tiếp xúc với môi trường bất lợi (gió lạnh, bạn bè bị ốm) sẽ tái phát trở lại, thậm chí bệnh nặng hơn lúc ban đầu.

Thứ hai, một số trẻ có sức đề kháng yếu nên hay nhiễm bệnh liên tục trong thời gian ngắn. Hệ miễn dịch của trẻ chưa được hoàn thiện, bởi vậy cùng 1 tác nhân virus ở trẻ lớn, người lớn không gây triệu chứng, hoặc chỉ bị nhẹ thoáng qua, trong khi ở trẻ nhỏ có thể gây các triệu chứng rầm rộ.

Thường từ sau 3 - 3,5 tuổi, hệ miễn dịch trẻ hoàn thiện hơn, trẻ sẽ ít bị viêm mũi họng hơn, ít bị các đợt nặng hơn, đáp ứng điều trị cũng tốt hơn nếu được khám điều trị kịp thời.

Và khi trẻ bị viêm mũi họng, thời gian bị càng lâu, dịch mũi càng nhiều thì trẻ càng có nguy cơ dễ bị viêm tai giữa.

Bác sĩ khuyến cáo, để phòng tránh việc trẻ liên tục tái phát bệnh mũi họng, cha mẹ, giáo viên có thể phòng cho trẻ bằng các giải pháp:

- Tăng thông khí, làm thông thoáng học, dù bật điều hòa cũng nên thỉnh thoảng mở các cửa sổ, cửa chính...

- Khuyến kích trẻ dùng khăn riêng, cốc riêng, nên dùng khăn giấy lau 1 lần.

- Khi đi học, việc giặt chung các khăn của trẻ và hấp sấy thông thường có thể không đảm bảo diệt hết các vi khuẩn, ngoài ra có nguy cơ lẫn lộn khăn, cốc giữa các trẻ.

- Các trẻ đang bị sốt nên nghỉ ngơi ở nhà, giúp trẻ nghỉ ngơi, được chăm sóc, vừa giảm nguy cơ lây cho các bạn trong lớp. Khi đang sốt là giai đoạn nguy cơ lây nhiễm cao nhất.

- Vào mùa hè, điều hòa cần lưu ý để nhiệt độ hợp lý, chỉ cần đủ làm mát (thường chỉ cần mức 28 - 29°C), do trẻ thường nô nghịch, vã mồ hôi nên dễ bị nhiễm lạnh.

- Thói quen rửa tay sau khi chơi, trước khi ăn uống rất cần thiết để ngăn ngừa lây nhiễm virus, vi khuẩn từ trên bề mặt các đồ vật, đồ chơi, tay nắm cửa.

Chia sẻ