Trẻ em ở cấp tiểu học chỉ cần làm tốt 5 ĐIỀU NÀY, học dở đến đâu cũng có thể BỨT PHÁ để dẫn đầu: Điều thứ 5 thường bị phụ huynh bỏ qua
Người mẹ khẳng định rằng chỉ cần làm tốt 5 điều này, điểm số của đứa trẻ sẽ dần dần đi lên.
Trên mạng xã hội chia sẻ câu chuyện, một trường tiểu học ở Trung Quốc tổ chức buổi chia sẻ giáo dục gia đình trực tuyến. Trong đó, có một trường hợp được bà mẹ nọ chia sẻ để lại ấn tượng sâu sắc. Con nhà cô từng đội sổ về thành tích học tập, đi họp phụ huynh lúc nào cũng được nhắc nhở.
Sau đó, người mẹ này đã cùng con thay đổi thói quen học tập. Cô khẳng định rằng chỉ cần làm tốt 5 điều này, điểm số của đứa trẻ sẽ dần dần đi lên. Trên thực tế, không chỉ ở cấp tiểu học mà khi lên THCS, con gái của cô vẫn luôn dẫn đầu về thành tích.
Đây là 5 điều người mẹ này yêu cầu con làm:
1 - Đọc to
Đừng đánh giá thấp hiệu quả của việc đọc to, hãy khuyên con đọc 20 phút mỗi ngày trong một tháng để xem kết quả. Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học tiến hành bằng cách cho 75 học sinh đọc 160 từ thành tiếng và ghi âm lại. 2 tuần sau, họ được yêu cầu học 80 từ trong số này theo nhiều cách khác nhau, trong đó bao gồm: Nghe các đoạn ghi âm của chính họ, nghe đoạn ghi âm của người khác, đọc không thành tiếng và đọc to thành tiếng.
Kết quả thu được từ bài kiểm tra sau đó cho thấy phương pháp học tốt nhất là đọc to các từ thành tiếng, kế đến là nghe bản ghi âm giọng của chính ta, nghe bản ghi âm của người khác và cách học cho kết quả kém nhất là đọc trong đầu.
2 - Chiến thắng tính trì hoãn
Trẻ em có thói quen trì hoãn, thức dậy vào buổi sáng muốn ngủ thêm một thời gian. Khi đến giờ làm bài tập, trẻ sẽ cố gắng lần lữa cho đến lúc đi ngủ. Hoặc lúc bố mẹ giao việc lau nhà, lẽ ra việc này chỉ mất 15 phút, nhưng do có thói quen trì hoãn, trẻ không làm ngay mà đi làm các việc khác như: Xem phim, chơi game, ngủ,… và đợi đến lúc bạn gần về mới lau.
Để loại bỏ thói quen trì hoãn phụ huynh cần giúp con lên kế hoạch phân bố thời gian cho từng công việc phù hợp. Nếu tối nay con muốn đi ăn sinh nhật bạn, hãy san sẻ bớt thời gian nghỉ ngơi để hoàn thành bài tập về nhà đột xuất và làm công việc nhà nhanh hơn.
Cha mẹ cũng hạn chế việc giúp đỡ trẻ quá nhiều, mà thay vào đó để trẻ tự làm để ngăn cản thói quen trì hoãn và tâm lý ỉ lại. Điều này còn giúp trẻ mạnh mẽ và tự lập hơn.
3 - Luyện chữ viết
Rất nhiều đứa nhỏ chịu thiệt vì chữ quá xấu. Nhiều khi bài làm đúng nhưng chữ viết "giun dế" khiến người chấm bài không đọc được hoặc mất cảm tình. Chữ viết không cần quá đẹp nhưng vẫn phải rõ ràng, sạch sẽ.
Khi còn nhỏ, nhâ khi bài tập về nhà của trẻ không quá nhiều, yêu cầu trẻ viết chậm hơn một chút, từ từ đứa trẻ viết thành thạo, theo kịp tốc độ tự nhiên.
4 - Đọc nhiều
Đọc nhiều sách có thể tăng cường khả năng đọc hiểu của trẻ. Rất nhiều trường học ở các quốc gia khích lệ trẻ em hình thành và nuôi dưỡng thói quen đọc sách, trong đó sách văn học luôn được ưu tiên.
Nhà giáo dục Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky đã có rất nhiều cuộc nghiên cứu về việc đọc sách của thanh thiếu niên, ông nói: "Kinh nghiệm ba mươi năm khiến tôi tin rằng, sự phát triển về mặt trí tuệ của học sinh được quyết định bởi khả năng đọc sách tốt".
Từ góc độ tâm lý học ông phân tích rằng, "Thiếu khả năng đọc sách sẽ gây trở ngại và ức chế sự hình thành của những liên kết rất nhỏ trong não, khiến chúng không thể bảo đảm một cách thuận lợi mối liên hệ giữa các tế bào thần kinh. Người nào không giỏi đọc sách, người ấy sẽ không giỏi suy nghĩ".
Ông đã chỉ ra cái hại của việc ít đọc sách, "Tại sao có những học sinh thời thiếu nhi thông minh, lanh lợi, khả năng lý giải tốt, chăm chỉ ham học hỏi, nhưng đến thời thiếu niên trí tuệ lại sa sút, thái độ đối với tri thức lạnh nhạt, đầu óc không linh hoạt? Đó là do chúng không biết đọc sách!", trong khi "Một số học sinh dành thời gian không nhiều cho việc làm bài tập ở nhà, nhưng thành tích học tập của chúng lại không kém.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này không hoàn toàn nằm ở chỗ những học sinh này có tài năng hơn người. Đó thường là do chúng có khả năng đọc khá tốt. Và khả năng đọc khá tốt đã thúc đẩy tài năng, trí tuệ phát triển" .
"Phàm là những học sinh ngoài sách giáo khoa không đọc sách gì khác, những kiến thức mà chúng nắm bắt được trên lớp rất hời hợt, đồng thời dồn toàn bộ công sức cho việc làm bài tập ở nhà. Do gánh nặng bài tập ở nhà quá nặng, chúng không có thời gian đọc sách báo khoa học, điều này đã tạo nên một vòng tuần hoàn xấu".
5 - Nuôi dưỡng sự tập trung của trẻ
Điều này là quan trọng nhất. Chúng ta thường nghe các bà mẹ có con nhỏ than phiền: Một khi ngồi vào bàn học nếu không than đói, khát thì cũng đi vệ sinh. Chúng viện đủ lý do để làm việc này việc khác. Nguyên nhân bởi trẻ ở lứa tuổi này rất khó tập trung.
Cha mẹ có thể giúp con tạo danh sách mục tiêu và tuân thủ nghiêm túc; Tạo môi trường học tập nghiêm túc; Cha mẹ nên yêu cầu trẻ dọn dẹp nhà cửa, phòng riêng hoặc đồ chơi sau khi chơi, tránh để tình trạng bừa bộn qua ngày. Điều này cũng bao gồm hạn chế sử dụng TV, điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy chơi game...
Ghép hình là một trong những trò chơi rèn luyện trí tuệ tốt nhất dành cho trẻ. Không chỉ vậy, trò chơi còn yêu cầu trẻ tập trung cao độ để hoàn thành công việc, hình thành khả năng tập trung và kiên nhẫn. Khi mua đồ chơi ghép hình cho con, cha mẹ nên chọn thể loại phù hợp với độ tuổi. Nếu đồ chơi quá khó, trẻ sẽ nhanh nản chí và bỏ cuộc.
Mỗi ngày dành 10 phút để rèn luyện sự tập trung của trẻ, kiên trì trong một tháng, bạn sẽ thấy sự tập trung của trẻ tăng lên, đến lớp học lắng nghe nghiêm túc hơn, làm bài tập về nhà cũng tập trung hơn, sau đó, thành tích của đứa trẻ tự nhiên được cải thiện.