Trẻ em ngày xưa bị đánh đòn, la mắng vẫn ít gặp vấn đề tâm lý, tại sao?
Trẻ em ngày nay thường được cưng chiều, ít dùng đòn roi nhưng tỷ lệ trẻ có vấn đề về tâm lý ngày càng nhiều? Có phải chúng quá dễ bị tổn thương không?
Tại sao những đứa trẻ ngày xưa bị đánh mắng mà vẫn phát triển bình thường, còn ươm mầm được nhiều tài năng xuất chúng? Trong khi hiện nay, trẻ thường được cưng chiều, ít dùng đòn roi nhưng tỷ lệ có vấn đề về tâm lý ngày càng nhiều? Vấn đề nằm ở đâu?
Theo các chuyên gia giáo dục, có bốn lý do, và lý do cuối cùng là quan trọng nhất.
Trước hết, môi trường đã thay đổi. Trong quá khứ, những bậc cha mẹ thời trước đều lớn lên trong thời đại mà mọi thứ đều thiếu thốn. Nuôi con thời điểm đó không phải là ăn ngon mặc đẹp, đáp ứng thừa mứa mọi nhu cầu mà chỉ là "ăn no, mặc ấm". Vì vậy, bạn không nghĩ quá nhiều về những thứ khác.
Và khi bố mẹ tôi còn trẻ, những người hàng xóm rất thân thiết. Có rất nhiều bạn bè thường chơi với nhau. Với bạn bè, tôi đã sớm quên đi việc bị đánh. Trẻ con thời đó được chơi nhiều hơn, đơn giản bởi vì ít có những hoạt động học tập và bài tập về nhà. Thời gian biểu của trẻ không bị kín lịch vì những hoạt động đó.
Qian Zhiliang, tiến sĩ Giáo dục của Trung Quốc cho hay: "Ngủ đủ giấc để phát triển cơ thể; có rất nhiều hoạt động rực rỡ sắc màu, tự do chạy nhảy, tập thể dục tự do, quan sát vạn vật trong thiên nhiên, chơi trò chơi với bạn bè"... Kiểu sống này sẽ khiến trẻ hào hứng mỗi ngày, cảm nhận được niềm vui của cuộc sống và khơi dậy sức sống bên trong của trẻ".
Nhưng nhiều khi bây giờ trẻ thậm chí không biết những người hàng xóm của mình. Ngoài bài tập về nhà, trẻ em đến các lớp học năng khiếu sau giờ học. Cuộc sống của chúng được đi kèm với điện thoại di động, TV và máy tính. Thế hệ trẻ con này có thể nói là đặc biệt cô đơn, sau khi về nhà, trong thế giới của mình chỉ có chuyện xảy ra giữa bản thân và bố mẹ.
Điểm thứ hai, cách tiếp nhận thông tin đã thay đổi. Cha mẹ sinh vào những năm 1970, 1980 và thậm chí những người sinh vào những năm 1990 có các kênh tiếp nhận thông tin rất khan hiếm và đơn lẻ. Nếu bạn nhìn vào trẻ em ngày nay, chúng được tiếp xúc với thông tin nhiều hơn hàng nghìn lần mỗi ngày so với cha mẹ mình khi còn nhỏ. Càng nhiều thông tin, trẻ càng biết nhiều. Chẳng hạn, với các báo cáo rằng đánh và mắng trẻ là sai, trẻ sẽ so sánh cha mẹ của mình với những người được báo chí đưa tin, trẻ sẽ thấy tự ti, thua thiệt hoặc không còn "cam chịu" mà phản kháng nếu bị cha mẹ đối xử không hợp lý.
Thứ ba, cách học của đứa trẻ đã thay đổi. Trình độ học vấn trung bình của thế hệ cha mẹ mới đã tăng lên một khoảng lớn. Trước đây, một số phụ huynh không dám hy vọng con có thể vào được trường đại học nổi tiếng. Vì vậy, các bậc cha mẹ trước đây về cơ bản để cho con tự học và không đặt ra bất kỳ mục tiêu học tập nào cho con em mình.
Nhưng liệu một số bậc cha mẹ có trình độ học vấn cao hiện nay có thể chấp nhận việc con cái của họ không thể vào đại học? Bạn không thể chịu được việc con bạn phải đi học ở một trường dạy nghề hay một trường cao đẳng. Vì vậy, lời nói và việc làm của các bậc cha mẹ ngày nay gắn liền trực tiếp với điểm số, điều này mang lại nhiều áp lực học tập cho trẻ một cách vô thức.
Điểm thứ tư và quan trọng nhất. Thực ra không phải chuyện trẻ con ngày xưa bị đánh, bị mắng là không có vấn đề gì. Đó là do trước đây chưa có phụ huynh nào để ý và phát hiện ra những vấn đề tâm lý của con em mình. Trước đây, những đứa trẻ bị đánh, mắng cũng có vấn đề về tâm lý. Chỉ là những đứa trẻ có vấn đề về tâm lý này giờ đã lớn và trở thành những ông bố bà mẹ có vấn đề. Một người cha hay mẹ đã từng lớn lên trong một gia đình bị bạo hành, bị chỉ trích trong suốt tuổi thơ, thì bên trong luôn chứa đựng tích luỹ những ức chế dồn nén. Sau đó, họ đem những dồn nén này "phóng chiếu" lại cho chính con cái của mình.
Cuối cùng, tổng kết lại, các bậc cha mẹ ở độ tuổi sinh sau những năm 70, 80, 90 đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất trong việc giáo dục con cái, đó là xóa bỏ phương pháp giáo dục đánh đập, la mắng mà bạn đã từng trải qua. Hãy làm lành trái tim của bạn trước khi muốn mang tình yêu thương đến cho những người khác trong gia đình.