Trẻ bị thiếu sắt thường có những dấu hiệu đặc trưng, BS Nhi khoa khuyên làm điều này gấp
Nếu bạn để con thiếu sắt kéo dài, trẻ sẽ liên tục trong trạng thái lờ đờ, vật vã, khó ngủ, quấy khóc, kém tập trung...
Những dấu hiệu đặc trưng ở trẻ bị thiếu sắt được BS Nhi khoa chỉ rõ
Theo ThS.DS Trương Minh Đạt (Chuyên gia hàng đầu về Tiêu hóa, Hô hấp và Sữa cho trẻ em, hiện công tác tại Viện Nghiên cứu Y dược), trẻ bị thiếu sắt thường có những dấu hiệu đặc trưng như chậm biết lẫy, chậm biết bò, chậm biết đi, chân tay mềm nhão, da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt, móng bẹp, xước, tóc hay gãy rụng.
Nếu bạn để con thiếu sắt như vậy kéo dài, trẻ sẽ liên tục trong trạng thái lờ đờ, vật vã, khó ngủ, quấy khóc, kém tập trung... Tình trạng này càng để lâu càng ảnh hưởng mạnh đến sự tăng trưởng và phát triển của não bộ. Đến lúc này, bạn mới cho con đi khám, đi xét nghiệm máu và điều trị thì rất phức tạp, mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc...
Chung quan điểm, BS Đoàn Hải Đăng (có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa) cho biết, biểu hiện rõ ràng nhất ở trẻ thiếu sắt là da xanh tái hoặc trắng bợt. Một số bé không có biểu hiện rõ ràng như thế nhưng ở nhiều trẻ, những vùng da đặc trưng sẽ nhạt màu hơn bình thường. Ví dụ như lòng bàn tay, đầu móng tay.
"Bình thường, bạn lấy tay ấn vào móng mới thấy màu trắng nhưng với em bé thiếu sắt, không cần ấn cũng sẽ thấy trắng bợt", BS Đăng nói.
Một vị trí khác để mẹ xem con có thiếu sắt hay không là kết mạc. Kết mạc bình thường sẽ hơi hồng. Còn với em bé thiếu máu do thiếu sắt sẽ có màu trắng bợt. "Ngoài ra, bé sẽ có biểu hiện lười vận động, hay cáu gắt, hay quên", chuyên gia cho hay.
Theo các chuyên gia, nếu bé có nhiều dấu hiệu thiếu sắt rõ rệt, cha mẹ nên cho con đi xét nghiệm để xác định có cần điều trị hay không. Tuy nhiên, tốt nhất là trước khi trẻ có biểu hiện thiếu sắt, cha mẹ nên bổ sung sắt dự phòng cho con mỗi năm một đợt. Điều này giúp giảm nguy cơ thiếu máu, thiếu sắt quá nhiều cũng như ngăn chặn khả năng phải điều trị tốn kém, mất công sức.
10 thực phẩm giàu sắt hàng đầu nên bổ sung hàng ngày trong chế độ ăn của trẻ
Ngoài việc bổ sung sắt đường uống, giới chuyên gia khuyên, những đối tượng bị thiếu máu do thiếu sắt nên ăn nhiều thực phẩm giàu sắt. Danh sách thực phẩm giàu sắt dưới đây cần dùng đều đặn trong chế độ ăn uống hàng ngày:
1. Trai
Theo Healthline, 100g thịt trai cung cấp 37% lượng sắt cho cơ thể nam giới và 16,6% cho nữ giới mỗi ngày.
Loại động vật có vỏ này cũng rất giàu các chất dinh dưỡng khác, làm tăng mức cholesterol HDL (tốt) trong máu của bạn.
2. Cải bó xôi
100g cải bó xôi cung cấp 2,71mg sắt. Cùng hàm lượng vitamin và khoáng chất quan trọng khác, cải bó xôi cũng rất giàu chất chống oxy hóa cần thiết cho cơ thể.
3. Gan động vật cùng nhiều cơ quan nội tạng
Nội tạng động vật như gan, tim, thận, não... cực giàu sắt. 100g gan bò cung cấp 6,5mg sắt cho cơ thể.
Chúng cũng giàu protein, vitamin B, selen rất cần cho quá trình tạo máu.
4. Các loại đậu
Một số loại đậu phổ biến nhất là đậu đen, đậu xanh, đậu lăng, đậu gà, đậu Hà Lan và đậu nành. 1 chén đậu lăng khoảng 198g cung cấp 6,6mg sắt, 86g đậu đen nấu chín cung cấp 1,8g chất này.
Các loại đậu cũng là một nguồn cung cấp folate, magie và kali dồi dào, rất cần cho cơ thể.
Để tối đa hóa sự hấp thụ sắt, hãy ăn đậu với thực phẩm giàu vitamin C như cà chua, rau xanh hoặc trái cây họ cam quýt.
5. Thịt đỏ
100g thịt bò xay chứa 2,7mg sắt. Chúng cũng rất giàu protein, kẽm, selen và một số vitamin B.
6. Hạt bí ngô
28g hạt bí ngô chứa 2,5mg sắt. Ngoài ra, chúng còn là một nguồn cung cấp vitamin K, kẽm và mangan. Chúng cũng là một trong những nguồn cung cấp magie tốt nhất mà nhiều người đang thiếu hụt.
7. Hạt quinoa
1 cốc hạt quinoa nấu chín tương đương 185g cung cấp 2,8mg sắt. Quinoa không chứa gluten, làm cho nó trở thành một lựa chọn tốt cho những người mắc bệnh celiac hoặc các dạng không dung nạp gluten khác.
Loại hạt này cũng có protein cao hơn nhiều loại ngũ cốc khác, đồng thời giàu folate, magie, đồng, mangan...
8. Bông cải xanh
156g bông cải xanh nấu chín chứa 1mg sắt. Chúng cũng rất giàu vitamin C giúp cơ thể hấp thụ sắt tốt hơn.
Ngoài ra, bông cải xanh giàu folate, chất xơ và vitamin K, đồng thời chứa indole, sulforaphane và glucosinolate, giúp phòng chống ung thư.
9. Đậu phụ
126g đậu phụ cung cấp 3,4mg sắt. Đậu phụ cũng là một nguồn thiamine tốt và chứa các khoáng chất như canxi, magie, selen.
10. Một số loại cá
Cá ngừ, cá thu, cá mòi được xếp vào danh sách những loại cá giàu sắt nhất mà bạn nên thêm vào danh sách ăn uống của mình.
85g cá ngừ đóng hộp cung cấp 1,4mg sắt. Đồng thời chúng còn chứa nhiều niacin, selen và vitamin B12, axit omega-3...