Trào lưu thuê con cái làm việc nhà ở Trung Quốc
Ở Trung Quốc, những người trẻ tuổi không tham gia thị trường lao động đang được chính cha mẹ mình thuê để làm việc nhà và có mặt bất cứ khi nào cần thiết.
Chỉ 6 tháng trước, Jia Zhang, một bà mẹ hai con vẫn đang điều hành công việc kinh doanh nhỏ của riêng mình ở tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc. Tuy nhiên, công việc đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dư âm của đại dịch, tạo ra lợi nhuận quá ít ỏi so với những nỗ lực của cô bỏ ra.
“Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, tôi đã quyết định dừng lại” , Zhang cho biết.
Hiện tại, Zhang đã có một công việc mới: làm việc toàn thời gian cho bố mẹ của mình, hay nói cách khác là “làm con của bố mẹ”. Đổi lại, họ trả cho cô 8.000 nhân dân tệ (1.115 USD) mỗi tháng, tương đương với mức thu nhập trung bình ở Trung Quốc.
“Công việc của tôi là dành thời gian cho bố mẹ, chẳng hạn như đưa họ đi siêu thị và làm một số việc nhà. Ngoài ra, nếu bố mẹ tôi muốn đi chơi, tôi sẽ lên kế hoạch trước, đưa họ đến nhiều cửa hàng khác nhau” , Zhang nói.
Trong những tháng gần đây, các hashtag #FullTimeDaughter và #FullTimeSon (Tạm dịch: Con gái toàn thời gian/ Con trai toàn thời gian) đã trở thành xu hướng trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc, thu hút hàng triệu lượt xem. Các chủ đề này đề cập đến những “đứa trẻ trưởng thành”, do thất nghiệp nên được cha mẹ thuê chủ yếu để làm việc nhà và có mặt bất cứ khi nào cần thiết.
Thanh niên thất nghiệp đã trở thành một thách thức nghiêm trọng đối với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đặc biệt là sau ba năm bị những hạn chế Covid đè nặng lên sự tăng trưởng. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp ở những người từ 16 đến 24 tuổi ở nước này đạt mức kỷ lục 21,3% trong tháng 6/2023.
Những con số tương tự cũng được báo cáo ở các nước như Italia và Thụy Điển. Ở Tây Ban Nha và Hy Lạp, con số này thậm chí còn cao hơn. Còn tại Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên là 7,5% trong tháng 6/2023, theo Cục Dự trữ Liên bang.
Nhiều đứa con toàn thời gian, bao gồm cả Zhang, đã đăng tải những trải nghiệm làm công việc này của mình lên mạng. Hơn 4.000 người tập trung trên Douban, một trang web cho phép mọi người thành lập cộng đồng giống như các hội nhóm trên Facebook, để thảo luận về việc trở thành đứa con toàn thời gian của cha mẹ mình.
“Tôi thích nấu ăn, tôi nấu bữa trưa và bữa tối từ thứ Hai đến thứ Sáu cho gia đình mình. Cha mẹ tôi cho tôi tiền mà không can thiệp vào cuộc sống của tôi. Mỗi ngày tôi đều cảm thấy vô cùng hạnh phúc ”, một phụ nữ 37 tuổi viết trong nhóm.
Tuy nhiên, nhiều “đứa con toàn thời gian” lại không chủ động lựa chọn “công việc” này mà vô tình rơi vào hoàn cảnh đó khi họ không thể tìm được việc làm phù hợp hoặc chưa muốn đi làm để theo đuổi bằng cấp cao hơn.
Cici Gong, 24 tuổi, tự gọi đùa mình là “con gái toàn thời gian” sau ba năm sống tại nhà của bố mẹ cô ở thành phố Đại Liên phía đông bắc Trung Quốc mà không đóng các chi phí sinh hoạt. Cici cho biết cha mẹ cô là người trang trải các chi phí sinh hoạt cho cô nhưng không trả lương cho cô.
Cô gái 24 tuổi nói rằng cô đã nhiều năm liên tục trượt kỳ thi tuyển sinh sau đại học đầy cạnh tranh ở Trung Quốc, với số lượng kỷ lục 4,7 triệu người tham dự trong năm nay: “Tôi đã bị suy sụp tinh thần khủng khiếp khi thất bại trong kỳ thi đầu tiên cũng như thất bại trong một mối quan hệ. Thời gian tôi ở nhà phục vụ bố mẹ như một vùng đệm tinh thần cho tôi”.
Liệu đây có phải một nghề?
Khi ngày càng nhiều người lựa chọn trở thành con cái toàn thời gian, một cuộc tranh luận đã nổ ra về việc liệu đây có thực sự là một nghề hay không.
Lu Xi, trợ lý giáo sư tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nói với NBC News : “So với những năm trước, những người trẻ hiện đang thất nghiệp và ở nhà ôn thi không tự tin rằng họ sẽ thành công trong quá trình luyện thi và tìm được việc làm”.
“Về mặt tâm lý, thuật ngữ 'làm con cái toàn thời gian' cho phép họ có thể phủ nhận rằng mình đang thất nghiệp và bớt cảm thấy tự ti hơn” , ông Lu Xi nói thêm.
Ông Lu cũng cho biết một số tổ chức truyền thông nhà nước Trung Quốc đang cố gắng “hợp lý hóa” và “tôn vinh” những đứa con toàn thời gian như một biểu hiện của “lòng hiếu thảo” đối với cha mẹ. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh bất kể tên gọi nào cũng không thể thay đổi được một điều rằng “bản chất cơ bản của họ vẫn là thất nghiệp”.
Quyết định không tự nguyện
Cả Zhang và Gong đều không coi việc trở thành con cái toàn thời gian là lựa chọn đầu tiên của họ. Cuộc sống của họ đều bị ảnh hưởng rất nhiều bởi sự cạnh tranh gắt gao của xã hội Trung Quốc và nền kinh tế phục hồi chậm chạp hơn sau đại dịch so với dự kiến.
Zhang nói: “Nếu công việc kinh doanh của tôi thành công, có lẽ tôi đã không trở thành một cô con gái toàn thời gian. Đây là một quyết định không có chủ ý, nhưng nó là một lựa chọn”.
Cả hai cho biết họ đã nhận được những bình luận không thiện chí từ những người quen và những người bình luận trực tuyến, những người chỉ trích họ là những người trẻ tuổi chỉ phụ thuộc vào cha mẹ để kiếm sống. Gong cho biết họ hàng của cô thậm chí còn trực tiếp chỉ trích cô vì tội “lười biếng và bòn rút” tiền của cha mẹ.
“Thoạt nghe có vẻ nhiều người nghĩ tôi đang không 'tử tế' đối với những người ngoài cuộc, đặc biệt là với những người thích dán nhãn tiêu cực cho người khác, nhưng tôi nghĩ chúng ta nên cho phép những khoảnh khắc như vậy tồn tại. Đó là những thăng trầm trong cuộc sống mà ta cần trải qua” , Gong nói.
Victor Gong, cha của Cici Gong, cho biết ban đầu ông cũng không ủng hộ quyết định này. Tuy nhiên, ông đã sớm thay đổi quyết định sau khi nói chuyện với con gái cũng như vợ mình.
“Bạn có thể thấy rất nhiều tin tức về việc sinh viên tốt nghiệp đại học sau khi vượt qua các kỳ thi có thể kiếm việc làm ở khắp mọi nơi như thế nào. Vậy nên nếu họ muốn gọi con tôi là ăn bám cha mẹ cũng được, nhưng nên nhớ không có gì là vĩnh viễn. Chúng tôi biết đây chỉ là một giai đoạn trong cuộc đời con bé, nhưng chúng tôi muốn hỗ trợ hết sức khi con gái chúng tôi cần” , bố của Cici Gong nói.
Ông Victor Gong nói thêm: “Cici là con gái duy nhất của chúng tôi và chúng tôi rất vui khi có con bé ở bên, dù chỉ trong một thời gian”.
Thử thách kéo dài
Mao Xuxin, nhà kinh tế chính tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia ở Anh, cho biết đây là một dấu hiệu “đáng lo ngại” đối với những người trẻ tuổi nếu họ chọn trở thành những đứa con toàn thời gian vì “rất khó để họ thoát ra khỏi đó và trở lại với xã hội”.
Ông Mao cho biết trong những năm gần đây, những người trẻ tuổi ở Trung Quốc đã bắt đầu tìm kiếm những công việc ít đòi hỏi hơn, ngắn hạn hơn. Sau đó là sự nổi lên của phong trào “nằm yên và mặc kệ” – lối sống chỉ nằm một chỗ thay vì làm việc và lao động nâng cao năng suất xã hội. Và cho tới nay, nhiều người đã thực hiện bước tiếp theo bằng cách nhờ cha mẹ giúp đỡ.
Ông Lu Xi, giáo sư từ Đại học Quốc gia Singapore, cho biết làn sóng thất nghiệp ở Trung Quốc “có thể chỉ mới bắt đầu”: “Trong trường hợp không tạo thêm việc làm, hiện tượng ‘con cái toàn thời gian' sẽ trở nên trầm trọng hơn, tạo ra một vòng luẩn quẩn. Thu nhập khả dụng trung bình của các hộ gia đình sẽ giảm, dẫn đến giảm tiêu dùng chung của xã hội, từ đó hạn chế khả năng tạo việc làm mới của xã hội, làm trầm trọng thêm tình trạng thất nghiệp”.
Một số người con toàn thời gian coi đây là một lựa chọn ngắn hạn hơn là một con đường sự nghiệp, bao gồm cả Gong, người gần đây đã nhận được lời đề nghị trở thành giáo viên tiếng Anh toàn thời gian.
Còn Zhang cho biết cô có thể sẽ tiếp tục làm con gái thời gian của bố mẹ trong một thời gian nữa vì cả cô và cha mẹ đều hài lòng với những gì đang diễn ra. Tuy nhiên, Zhang bác bỏ ý kiến cho rằng mình đang ăn bám bố mẹ, nói rằng cô thực sự đã làm việc cho cha mẹ và đóng góp cho gia đình.
“Từ khi tôi trở thành con gái toàn thời gian, mọi người, kể cả bố mẹ tôi, đều trở nên vui vẻ hơn trước rất nhiều. Trước đây tôi đã không có đủ thời gian để đi cùng bố mẹ, nhưng giờ tôi đã có thể. Tôi trân trọng từng khoảnh khắc với họ. Đó là một phước lành cho tất cả chúng tôi” , Zhang nói.
(Nguồn: NBC)