Trào lưu bố mẹ cày thật lực để nghỉ hưu sớm: "Đốt sức" vài năm để được bình yên nhìn con lớn lên, liệu có đáng?

Mai Lam,
Chia sẻ

Mỗi cha mẹ đều có một quan điểm và cách sống riêng. Có những người hướng đến cuộc sống giàu có về vật chất cho con và đánh đổi bằng thời gian, sức khỏe của chính mình; cũng có những người sẵn sàng thay đổi để hướng đến cuộc sống tự do bên con cái.

Cú sốc của những cha mẹ nghiện kiếm tiền

Vốn là những người coi trọng sự nghiệp và có chí tiến thủ cao, vợ chồng Kiều Oanh - Minh Dũng (33 tuổi, Hà Nội) từng xem thành công trong công việc là lẽ sống. Kết hôn cách đây 4 năm, họ dành ít nhất 12 tiếng mỗi ngày để làm việc. Từ thứ 2 đến thứ 6 thì làm công việc chính, đêm và cuối tuần có khi lại nhận việc làm thêm. Những bữa tối nếu có ăn cùng nhau thì đôi ba câu chuyện cũng xung quanh chủ đề giải quyết các đầu việc khó nhằn.

3 năm trước họ đã có con gái, em bé từ nhỏ đã được nuôi lớn và chăm sóc bởi người giúp việc. Tối cũng ngủ cùng người giúp việc để cha mẹ còn làm việc và có khoảng thời gian riêng tư bên nhau. 2 vợ chồng "bù đắp" cho con bằng những chuyến du lịch xa xỉ, trường mẫu giáo quốc tế và quần áo hàng hiệu.

Trào lưu bố mẹ cày thật lực để nghỉ hưu sớm: "Đốt sức" vài năm để được bình yên nhìn con lớn - Ảnh 1.

Đứa trẻ ở độ tuổi nào cũng cần sự quan tâm tỉ mỉ của cha mẹ mới có thể lớn lên bình yên và hạnh phúc.

Mọi chuyện sẽ cứ thế diễn ra nếu không có một ngày, group cư dân của vợ chồng họ đăng tải 1 đoạn clip, trong đó có cảnh người đàn bà trung tuổi đang lôi kéo xềnh xệch 1 đứa trẻ từ dưới sân chơi lên nhà. Đứa bé dường như vẫn muốn tiếp tục chơi nên khóc lóc với tay về phía cầu trượt, người đàn bà vừa kéo vừa giật, miệng phun ra những lời tục tĩu… Oanh và Dũng bàng hoàng nhận ra đứa trẻ đang bị chửi mắng kéo giật trong clip đó chính là con mình. Thời điểm đó họ vẫn đang miệt mài làm việc tại công ty, theo lịch thì 3 tiếng sau vào lúc 9 giờ tối mới trở về nhà.

Ngay lập tức, người giúp việc vốn ngày ngày ngọt ngào kể công lập tức bị cho nghỉ. Tối đó, đứa bé lần đầu tiên được ngủ cùng cha mẹ. Thi thoảng vẫn nấc lên và giật thót mình trong cơn mơ.

Sự việc đó đã giáng vào tâm lý 2 vợ chồng 1 đòn không hề nhẹ. Họ ngồi lại với nhau và suy xét lại mục tiêu của mình trong cuộc sống. Cố gắng kiếm tiền để làm gì khi mỗi ngày trở về nhà với thể xác kiệt quệ, con nhỏ bị bỏ bê. Đứa trẻ ở độ tuổi nào cũng cần sự quan tâm tỉ mỉ của cha mẹ mới có thể lớn lên bình yên và hạnh phúc. 

Không chỉ có thế, hơn 10 năm quần quật đi làm, sức khỏe của cả 2 đã ảnh hưởng, cổ vai đau nhừ, lưng bắt đầu có dấu hiệu thoái hóa. Nếu cứ tiếp tục, mười/ hai mươi năm nữa, chỗ tiền kiếm được có đủ lo cho sức khỏe tệ hại và cứu vãn được mối quan hệ cha mẹ - con cái lạnh nhạt?

Trào lưu bố mẹ cày thật lực để nghỉ hưu sớm: "Đốt sức" vài năm để được bình yên nhìn con lớn - Ảnh 2.

Sau nhiều đêm bàn bạc, 2 vợ chồng quyết định vạch ra 1 kế hoạch kĩ lưỡng cho việc nghỉ hưu sớm. Cụ thể, Oanh sẽ đảm nhận một công việc nhẹ nhàng hơn tại công ty, chấp nhận lương giảm xuống 30% để có thời gian chăm lo cho con. Việc nhà tìm người giúp việc theo giờ. Mỗi ngày 2 vợ chồng ăn cơm cùng con, chơi với con, chờ con ngủ mới tiếp tục làm việc.

Song song với đó, họ cân đối lại chi tiêu, bỏ hết các khoản xa xỉ và hướng tới lối sống tối giản. Mục tiêu của họ là tiết kiệm ít nhất 50% thu nhập, 10% thu nhập cho các khoản đầu tư rủi ro cao. 40% còn lại cho các chi phí cần có trong gia đình. 2 vợ chồng xác định, sẽ vẫn cố gắng cày cuốc thật lực thêm 3-5 năm nữa. Đến khi có đủ số tiền tiết kiệm và xây dựng xong các khoản thu nhập thụ động, họ sẽ nghỉ hưu sớm và dành phần lớn thời gian đồng hành cùng con cái, tận hưởng cuộc sống gia đình.

Nghỉ hưu sớm không có nghĩa là ngừng kiếm tiền

Có câu chuyện tương tự như vợ chồng Kiều Oanh – Minh Dũng nhưng nhà anh chị Bích Diệp - Trung Quân đã kết thúc giai đoạn làm việc fulltime và đạt được tự do tài chính ngay thời điểm dịch bệnh bùng phát. Họ năm nay gần 40 tuổi và đã có 20 năm đi làm, có 2 người con.

5 năm trước, khi con đầu vào lớp 1, anh chị Bích Diệp - Trung Quân đã cảm thấy thiếu thốn thời gian dành cho con. Họ vui mừng xen lẫn lo lắng khi con cái mỗi ngày được tiếp xúc với văn hóa- công nghệ, ngôn ngữ sớm và có dấu hiệu dậy thì cũng sớm hơn hẳn thời của cha mẹ. Vốn là "dân" thiết kế và IT, hai vợ chồng bắt đầu kế hoạch "nghỉ hưu non" ngay thời điểm đó.

Trào lưu bố mẹ cày thật lực để nghỉ hưu sớm: "Đốt sức" vài năm để được bình yên nhìn con lớn - Ảnh 3.

"Thử nghĩ mà xem, nếu đợi đến 55-60 tuổi mới được nghỉ hưu. Lúc đó sức khỏe suy giảm, con cái cũng ngoài 30, còn thời gian nào chất lượng cho nhau nữa?".

Họ dành nhiều thời gian trau dồi tiếng Anh, tìm tòi các nền tảng làm việc freelancer (thuê ngoài) cả trong nước và nước ngoài, nhận việc với đủ các mức thù lao để tăng kinh nghiệm, mối quan hệ. Có những đêm 2 vợ chồng chong đèn thức đến 2,3 giờ sáng để làm việc. Sáng 6 giờ lại dậy lo cho con chuẩn bị đi học và 8 giờ sáng đến công ty. Mục tiêu cuối cùng là có số tiền tiết kiệm đủ vững và có tên tuổi trong giới freelancer. Vừa tập trung gây dựng con đường mới, vừa cố gắng không bỏ bê con cái, những năm đó với họ thật sự đã nỗ lực hết mình.

Ngay khi lượng việc nhận hàng tháng hòm hòm, 2 vợ chồng nghỉ việc, chuyển gia đình từ thành phố lớn về quê tỉnh lẻ để sinh sống: "Tỉnh lẻ giờ giáo dục phát triển không thua gì Hà Nội hay TP.HCM, nhưng mức sống lại dễ chịu hơn và nhịp sống cũng chậm rãi hơn. Chúng tôi nghĩ điều này thật sự tốt cho các con của mình".

Trào lưu bố mẹ cày thật lực để nghỉ hưu sớm: "Đốt sức" vài năm để được bình yên nhìn con lớn - Ảnh 4.

Căn chung cư ở Hà Nội, 2 vợ chồng cho thuê như 1 khoản thu nhập thụ động. Số tiền thuê nhà trang trải được chi phí sinh hoạt hàng tháng. Công việc freelancer bị ảnh hưởng ít nhiều do dịch bệnh, nhưng họ vẫn chưa phải đụng đến số tiền tiết kiệm phòng ngừa rủi ro: "Nhận việc quốc tế nên dù thù lao giảm nhưng việc cũng vẫn còn, phần tiền này nhà mình tiếp tục cho vào quỹ tiết kiệm. Điều hạnh phúc nhất của vợ chồng mình bây giờ là được làm chủ cuộc sống, làm chủ thời gian. Thử nghĩ mà xem, nếu đợi đến 55-60 tuổi mới được nghỉ hưu. Lúc đó sức khỏe suy giảm, con cái cũng ngoài 30, còn thời gian nào chất lượng cho nhau nữa?".

Kiếm bao nhiêu tiền thì có thể nghĩ đến chuyện về hưu sớm cùng con lớn lên?

Để biết chính xác bạn cần tiết kiệm bao nhiêu tiền nhằm nghỉ hưu sớm, người ta thường dùng quy tắc 4%. Công thức này xuất phát từ cuốn sách xuất bản năm 1994 của tác giả William Bengen khi nghiên cứu về chứng khoán.

Trào lưu bố mẹ cày thật lực để nghỉ hưu sớm: "Đốt sức" vài năm để được bình yên nhìn con lớn - Ảnh 5.

Những cố gắng và kế hoạch của các bậc làm cha mẹ - mục tiêu lớn nhất vẫn là được nhìn thấy con hạnh phúc và bình yên lớn lên.

Từ quy tắc 4% này, chúng ta sẽ nhân số tiền cần tiêu hàng năm với con số 25, tương đương 100%/4%. Ví dụ một gia đình tiêu tối thiếu hết 100 triệu/năm thì số tiền họ cần để đạt tự do tài chính là: 100 triệu*25= 2,5 tỷ đồng.

Xin được nhắc là con số này phụ thuộc vào số tiền chi tiêu hàng năm của bạn. Nếu bạn quyết định sống tối thiểu thì con số này sẽ thấp, nhưng nếu định sống thoải mái và chi tiêu cho nhiều thứ như du lịch, tụ tập ăn uống, quần áo xa xỉ… thì con số này sẽ lớn hơn khá nhiều.

Các bước thực hiện như sau:

- Bước đầu tiên luôn là thanh toán hết toàn bộ nợ nần,không vay nợ dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả mua hàng trả góp.

- Tiếp đó, bạn sẽ phải tính số tiền cần để đạt tự do tài chính theo quy tắc 4%. Xin lưu ý là bạn cần xác định xem mình muốn sống tiết kiệm hay thoải mái để tính chính xác.

- Bước thứ 3 là giảm chi tiêu và tăng thu nhập. Việc tiết kiệm 50-70% là điều khá khó khăn nếu không sống tiết kiệm và cố kiếm thêm thu nhập trang trải chi phí.

- Bước thứ 4, số tiền tiết kiệm được phải mang đi đầu tư. Các kênh đầu tư khá đa dạng, từ vàng, chứng khoán, bất động sản cho đến góp vốn kinh doanh.

Cuối cùng, nghỉ hưu sớm không phải là chẳng làm gì cả. Hãy xây dựng mục tiêu, kế hoạch cho khoảng thời gian tự do tài chính của mình: Đây là lúc bạn dành nhiều thời gian cho chăm sóc dạy dỗ con cái, quan tâm đến người thân, làm những việc mình thật sự thích và kiếm được tiền ít nhiều từ nó.

Khó khăn là có nhưng đừng nản lòng, bạn nhất định sẽ làm được nếu đủ quyết tâm. Bởi xét cho cùng, những cố gắng và kế hoạch của các bậc làm cha mẹ - mục tiêu lớn nhất vẫn là được nhìn thấy con hạnh phúc và bình yên lớn lên.

Chia sẻ