Tranh vẽ ở làng chài bích họa Quảng Nam bị chê xấu, họa sĩ nói gì?
Những ngày qua, câu chuyện về bức tranh ở làng bích họa Tam Thanh gây tranh cãi. Người dân cho rằng đa số những tác phẩm được các họa sĩ vẽ đều rất đẹp, tuy nhiên một số bức tranh thì họ không hiểu họa sĩ đang muốn vẽ gì, truyền thông điệp gì.
Tranh ở làng bích hoạ Tam Thanh gây tranh cãi. Video: Hoài Văn.
Người dân bức xúc vì bức tranh người đàn ông có ngực, phụ nữ đánh bắt cá
Ông Võ Ngọc Dương (70 tuổi, ở thôn Hòa Thượng, xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) cho biết bức tranh trên tường nhà ông được họa sĩ vẽ xong cách đây ít ngày, nhưng ông thấy không đẹp và không phù hợp với đời sống văn hóa của người dân làng chài.
“Nhìn vào bức tranh thì thấy người đánh cá là phụ nữ chứ không phải là đàn ông, trong khi lại để ngực trần. Ở đây phụ nữ không đi đánh bắt cá, hình ảnh như vậy có phần phản cảm, không phù hợp. Trước khi họa sĩ đến vẽ , chính quyền nói sẽ đưa bản vẽ cho chúng tôi xem và chọn vẽ bức nào nhưng sau đó không thực hiện như vậy”, ông Dương nói.
Bức tranh đối diện nhà ông cũng khiến nhiều người dân bàn tán. “Ai nhìn vào cũng không hiểu nội dung bức tranh là gì, họa sĩ muốn vẽ cái gì. Nhìn vào thấy con bò nằm ngang vậy, nó đẹp ở đâu?”, một người dân chia sẻ.
“Chúng tôi rất hoan nghênh và trân quý tấm lòng của các họa sĩ về làng, họ dang nắng nhiều ngày trời để vẽ những bức tranh đẹp. Tuy nhiên một số bức khó hiểu, nhìn vào nó buồn quá. Chúng tôi chỉ sợ du khách đến đây cũng có suy nghĩ như vậy thì mất khách. Hơn nữa người dân có hiểu thì khi khách đến cũng mới giới thiệu, truyền tải lại được ý nghĩa, nội dung tranh tường nhà mình”, ông Trần Chính Hùng (57 tuổi, làng Hòa Thượng, xã Tam Thanh), nói.
Chị Phan Thị Đoan Trang cùng chồng Manus Campbell từ Hội An vào tham quan làng bích họa Tam Thanh. Chị chia sẻ hầu hết bức tranh ở đây đều đẹp, tuy nhiên bức tranh trừu tượng “làm khó” du khách. “Màu sắc sống động, tuy nhiên tôi xem mãi vẫn chưa hiểu nội dung thông điệp của bức tranh là gì”, chị nói và chia sẻ rằng những bức tranh trừu tượng như vậy sẽ phù hợp hơn ở phòng triển lãm hơn là một làng du lịch cộng đồng.
Họa sĩ nói gì?
Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ cho biết đã 7 lần tham gia vẽ tranh tại làng bích họa Tam Thanh. Đợt sáng tác vừa rồi, ông đã chạy xe máy hơn 70 cây số từ Đà Nẵng vào đây để cùng tham gia. Ông mất 7 ngày để hoàn thiện bức tranh của mình trên bức tường của một nhà dân.
Các họa sĩ đến đây đều vẽ miễn phí, dốc tâm huyết để có bức tranh đẹp, muốn làng bích họa Tam Thanh đẹp hơn, du khách đến đây cũng được xem những tác phẩm mới, mỗi năm mỗi khác chứ không nhàm chán xem lại những bức tranh giống nhau. Tham gia đoàn có nhiều họa sĩ, phong cách khác nhau.
“Trong bức tranh tôi vẽ cô gái tay cầm con cá, mặt tựa nữ thần, còn người đàn ông kéo lưới tư thế điệu múa đứng nhảy để cho thi vị chút. Lúc vẽ có người dân đứng đó, nói rằng vẽ ngực người đàn ông như vậy thì giống phụ nữ, tôi cũng đã sửa và họ đồng ý. Nhưng câu chuyện dư luận mấy hôm nay bàn tán thật sự rất buồn. Bức tranh vẽ ra có người này thích, người kia không thích là chuyện bình thường. Họa sĩ muốn vẽ những bức tranh đẹp, nhưng ngôn ngữ hội họa cũng có cái riêng, có người vẽ cách điệu một chút. Không ai muốn vẽ gì bôi bác hết, không ai làm xấu đâu”, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ trải lòng.
Ông Vũ Đức Hiếu, trưởng nhóm họa sĩ tham gia vẽ tranh tại làng cộng đồng Tam Thanh cho biết tham gia nhóm vẽ vừa qua có nhiều họa sĩ tên tuổi như Vũ Thăng, Hà Trí Hiếu, Thu Trần... cả cuộc đời gắn với nghệ thuật, tác phẩm được triển lãm trong và ngoài nước. Ông khẳng định các tác phẩm được vẽ ở đây đều chất lượng, giá trị nghệ thuật, là tâm huyết của các họa sĩ.
“Mục tiêu lớn và dài hạn của địa phương là biến làng nghệ thuật cộng đồng trở thành điểm đến của du lịch. Muốn làm được điều đó thì phải phong phú và đa dạng từ phong cách, chất liệu và thể loại các loại hình nghệ thuật. Anh em nghệ sĩ đã làm tốt câu chuyện đó. Với vai trò vị trí, uy tín của nghệ sĩ đã tham gia họ đều có quyền khẳng định rằng những tác phẩm họ vẽ đều chất lượng cao, những tác phẩm giá trị và mang tính nghệ thuật”, ông Hiếu nói.
Họa sĩ Hiếu cho rằng việc người dân chưa hiểu ý nghĩa, mục tiêu sâu sát rằng đây là câu chuyện chung của cộng đồng chứ không phải cá nhân gia đình nào là trách nhiệm, thiếu sót của chính quyền xã chưa phổ cập, tuyên truyền sâu sát. Họa sĩ làm vì mục tiêu chung, chứ không phải đặt ra mục tiêu rằng sẽ đến trang trí cho mỗi hộ dân ở đấy trở nên đẹp đẽ theo ý thích của mỗi gia đình.
“Muốn để làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh trở thành một điểm đến về du lịch thì chất lượng nghệ thuật cũng phải tương xứng. Nghệ thuật là lĩnh vực khác, không thể lấy ý kiến của người dân ra để bàn về vấn đề chuyên môn. Đây là câu chuyện chung chứ không phải của cá nhân, hộ gia đình nào. Làng nghệ thuật cộng đồng có uy tín với khu vực và thế giới về một làng nghệ thuật có rất nhiều tác phẩm chất lượng tốt, chất lượng cao thì khách du lịch sẽ đến, lúc đó cộng đồng hưởng lợi”, họa sĩ Vũ Đức Hiếu nói.
Chủ tịch xã: ''Bà con chưa tiếp cận kịp''
Chủ tịch UBND xã Tam Thanh, ông Trương Thanh Khôi cho biết đoàn 17 họa sĩ đến Tam Thanh từ ngày 4 đến 14/4 sáng tác hơn 100 tác phẩm, trong đó 25 tranh tường, 55 tranh trên thúng, 50 tranh vẽ mái chèo, chum vại và 9 tác phẩm điêu khắc. Sau khi hoàn thành, một số người dân có ý kiến về các bức tranh cho rằng không đẹp, không phù hợp không gian nghệ thuật cộng đồng.
Những họa sĩ có vài ngày để tìm hiểu về Tam Thanh, lấy cảm hứng từ thực tế. Chủ đề xoay quanh cuộc sống chân thực của người dân vùng biển, còn ý tưởng bức tranh là của họa sĩ sau quá trình lấy cảm hứng từ thực tế.
“Ban đầu họp dân, vận động thì người dân ủng hộ việc vẽ tranh lên tường nhưng mong muốn biết vẽ nội dung gì lên tường nhà mình. Xã cũng có đặt vấn đề này với đoàn nhưng phía họa sĩ nói như vậy gò bó. Cái này có sự lúng túng, chưa thống nhất trong cách triển khai của địa phương”, ông Khôi nói và cho hay sẽ trực tiếp đến các hộ dân để lắng nghe ý kiến, chia sẻ xung quanh những bức tranh mà người dân cho rằng "không đẹp, không phù hợp".
“Địa phương trân trọng những đóng góp của họa sĩ. Mục đích cuối cùng cũng đem du khách về để phát triển kinh tế cho bà con mình thôi. Quan điểm của địa phương cố gắng vận động nhân dân bảo quản những tác phẩm đó để làm phong phú thêm cho làng bích họa. Họa sĩ có tư duy chuyên môn của họ, bà con cảm thấy mới, lạ và chưa tiếp cận được. Tôi sẽ trực tiếp đến để lắng nghe ý kiến của người dân, đồng thời cũng tuyên truyền để người dân cố gắng giữ lại những tác phẩm đó để làm phong phú thêm cho làng bích họa”, ông Khôi nói thêm.