Tránh "sốc" học phí cho người học

Hải Minh,
Chia sẻ

Sau khi Chính phủ “chốt” phương án học phí, các địa phương, cơ sở GD ĐH, nghề nghiệp đã có kế hoạch, lộ trình về học phí cho năm học này.

Bám sát quy định

Đầu tháng 10/2023, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng có công văn gửi các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh về việc chưa thực hiện thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập năm học 2023 - 2024.

Ông Danh Hoàng Nguyên – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, thời điểm đó, Sở chờ Nghị định hoặc hướng dẫn mới của Chính phủ về học phí nên chưa áp dụng Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ “Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo” (Nghị định 81).

Hiện, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81 (Nghị định 97), Sở GD&ĐT Sóc Trăng sẽ có kế hoạch để tham mưu lãnh đạo tỉnh, xây dựng Nghị quyết về học phí trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt ban hành. “Tinh thần là bám sát Nghị định 97 theo hướng giữ ổn định học phí từ năm học 2023 - 2024 của giáo dục mầm non, phổ thông bằng mức học phí năm học 2021 - 2022”, ông Danh Hoàng Nguyên chia sẻ.

Trước đó, mức thu học phí năm học 2022 - 2023 theo quy định tại Nghị quyết số 01/NQ-HĐND ngày 27/2/2023 của Hội đồng nhân tỉnh Sóc Trăng, khu vực thành thị 70.000 đồng/em/tháng; khu vực nông thôn 40.000 đồng/em/tháng.

Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình ban hành mức thu học phí đối với học sinh, sinh viên. Cụ thể, với ngành trung cấp liên thông, văn bằng 2, mức thu 660.000 đồng/tín chỉ; cao đẳng liên thông, văn bằng 2: 800.000 đồng/tín chỉ.

Với hệ cao đẳng chính quy, các ngành: Điều dưỡng, Dược, Xét nghiệm học phí 2,4 triệu/tháng. Hệ trung cấp có mức học phí là 1,9 triệu/tháng. Học sinh, sinh viên các lớp chuyển tiếp, nhà trường giảm 20% trên mức học phí năm học 2023 – 2024. Trường này cũng có nhiều chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên.

Theo thông báo của Trường Trung cấp Việt Giao (TPHCM), học phí 2 năm học của nhiều ngành chưa đến 25 triệu đồng. Chẳng hạn, ngành: Quản trị khách sạn, hướng dẫn du lịch, kế toán doanh nghiệp…, trung bình người học nộp học phí khoảng 1 triệu đồng/tháng. Nếu được hỗ trợ và cộng thêm ưu đãi, học phí sẽ dưới 1 triệu đồng/tháng.

Tránh "sốc" học phí cho người học - Ảnh 1.

Sinh viên Trường ĐH Thủ đô Hà Nội. Ảnh: NTCC

Chia sẻ với người học

Nghị định 81 được Chính phủ ban hành có hiệu lực từ ngày 15/12/2021. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Văn Tuân - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội, lộ trình học phí theo quy định tại Nghị định này chưa được áp dụng nên hơn 3 năm qua, học phí của các cơ sở giáo dục không tăng.

Là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc TP Hà Nội, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội tự chủ một phần kinh phí chi thường xuyên. Nhà trường đang phấn đấu tự chủ 100% chi thường xuyên vào năm 2025. Mức học phí năm học 2023 - 2024 của Trường ĐH Thủ đô Hà Nội dự kiến tăng so với năm học trước. Tuy nhiên, mức tăng chưa đến trần học phí được quy định tại Nghị định 81. Qua đó nhằm chia sẻ khó khăn với người học.

TS Nguyễn Văn Tuân cho hay, Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, các cơ sở đào tạo phải từng bước tính đúng, đủ chi phí đào tạo và nâng cao mức độ tự chủ tài chính. Do đó, việc tăng học phí của các cơ sở đào tạo là giải pháp để đáp ứng yêu cầu này. Mặc dù phải chịu áp lực từ lộ trình tự chủ tài chính, song Hội đồng trường đã cân nhắc các phương án và quyết định không tăng theo lộ trình quy định tại Nghị định 81.

Quyết định này nhằm tránh gây sốc với sinh viên và phụ huynh. Đồng thời, chia sẻ khó khăn với người học, gia đình và xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như đời sống kinh tế - xã hội khó khăn. Năm học 2023 - 2024, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội còn có thêm các chính sách để đồng hành, hỗ trợ với sinh viên như: Học phí, sinh hoạt phí theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP; học bổng chính sách, học bổng tài trợ; trợ cấp khó khăn, học phí học online; chỗ ở ký túc xá…

Dù được phép tăng học phí nhưng năm học 2023 - 2024, Trường ĐH Công Thương TPHCM chưa áp dụng theo Nghị định 97, TS Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng thông tin và cho hay, hiện việc đăng ký học phần, thu học phí học kỳ II đã thực hiện. Do đó, bất kỳ sự điều chỉnh nào về học phí sẽ ảnh hưởng đến sinh viên, nhất là điều chỉnh theo chiều hướng tăng lên.

Ngoài ra, đây là thời điểm cận Tết Nguyên đán nên tăng học phí có thể làm gia tăng gánh nặng cho gia đình người học. 3 năm qua, Trường ĐH Công Thương TPHCM không tăng học phí nhưng vẫn tìm cách cân đối tài chính, ổn định việc dạy – học và thu nhập cho cán bộ, giảng viên, người lao động. Vì thế, năm học 2024 – 2025, nhà trường mới tính đến phương án tăng học phí. Việc này sẽ được thông báo sớm để sinh viên có sự chuẩn bị, không bị bất ngờ.

Với hơn 6 nghìn sinh viên, TS Lê Anh Đức – Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Nai cho biết, những ngành ngoài sư phạm, mức thu học phí hiện nay của trường khoảng 9 triệu/sinh viên/năm. Nhà trường chưa có chủ trương tăng học phí trong năm học 2023 - 2024. Vì thế, Nghị định 97 cũng là cơ sở pháp lý để nhà trường tiếp tục giữ ổn định khoản thu này, nhằm chia sẻ khó khăn với người học, nhất là những sinh viên nghèo, yếu thế.

Nghị định 97 quy định lùi lộ trình học phí của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập 1 năm so với quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Tức là học phí năm học 2023 - 2024 tăng so với học phí năm học 2022 - 2023 nhưng mức tăng thấp hơn so với lộ trình quy định tại Nghị định 81 để phù hợp với điều kiện thực tiễn và giảm bớt khó khăn cho học sinh, sinh viên.
Chia sẻ