Tranh cãi xung quanh vắc xin ung thư cổ tử cung

,
Chia sẻ

Vắc xin ung thư cổ tử cung (UTCTC) ra đời được xem là một “cứu tinh” đối với chị em phụ nữ. Thế nhưng, vừa qua, câu chuyện về vắc xin “nóng” lên do những tranh cãi xung quanh việc cấp phép về độ tuổi được sử dụng.

Nhiều thông tin cho rằng, vắc xin Cervarix của hãng GlaxoSmithKline (GSK - Anh) được cấp phép sử dụng cho lứa tuổi từ 10-55 là chưa thỏa đáng. Và phụ nữ ở độ tuổi từ 26 trở lên, đã có quan hệ tình dục thì sử dụng vắc xin này sẽ không hiệu quả.

Các chuyên gia nói gì?

Vắc xin phòng chống ung thư cổ tử cung đã được giải Nobel năm 2008. Hiện nay trên thế giới có hai nhà cung cấp vắc xin UTCTC là Gardasil của hãng Merck Co. (Mỹ) phòng cho lứa tuổi dưới 25 và Cervarix của hãng GlaxoSmithKline (GSK - Anh) phòng cho lứa tuổi từ 10-55.

Theo TS Choo-Beng Goh - Giám đốc Y khoa khu vực châu Á Thái Bình Dương của hãng GSK thì Cervarix là vắc xin có khả năng tạo kháng thể mạnh và bền vững hơn do sử dụng hệ thống chất bổ trợ ASO4, có tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại 100% HPV tuýp 16 và tuýp 18 - là 2 tuýp gây ra hơn 70% các ca UTCTC. Ngoài ra vắc-xin này cũng đã được chứng minh là có khả năng bảo vệ chéo đối với 2 tuýp HPV khác là nguyên nhân của khoảng 10% các trường hợp UTCTC.

Thực tế, trên thế giới đã có gần 50 quốc gia cấp phép cho lứa tuổi cao: 40 nước từ 10 tuổi trở lên (tức là không giới hạn lứa tuổi trên), 2 nước từ 10-55 tuổi, 6 nước từ 10-45 tuổi. Những con số này có đáng được quan tâm? Khi phê duyệt cho phép sử dụng đại trà, cơ quan quản lý của các các quốc gia này trên thế giới cũng đã xem xét đến hiệu quả của vắc xin này ở lứa tuổi trên 26 và thực tế điều kiện y tế của nước đó.

GS-TS Phương Mai (Vụ bảo vệ Bà mẹ trẻ em- Bộ y tế) nói: "Thực tế, nhiều nước trên thế giới cũng đã sử dụng vắc xin Cervarix cho lứa tuổi cao thì chẳng có lý do gì những phụ nữ ở lứa tuổi cao ở nước ta (cụ thể là lứa tuổi từ 26-55 tuổi) lại không thể sử dụng. Trên thực tế, tuy khả năng sinh miễn dịch ở những phụ nữ lớn tuổi có suy giảm theo quy luật sinh lý chung, nhưng khi được tiêm vắc xin thì vẫn tạo được kháng thể cao và đủ để bảo vệ chứ không phải là không có tác dụng như một số ý kiến lo ngại vừa qua".

GS-TS Phương Mai cũng bày tỏ hy vọng có thể đưa được loại vắc xin này vào tiêm đại trà cho chị em phụ nữ càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, bên cạnh việc chủng ngừa, thì định kỳ chị em vẫn nên kiểm tra tầm soát ung thư nhằm bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe của mình.

Theo Gia đình và Trẻ em

Chia sẻ