Tranh cãi việc chọn giáo viên tiếng Anh cho con, thầy giáo chỉ ra điều quan trọng nhất
Chủ đề này mới đây lại được hội phụ huynh bàn luận rôm rả trong một hội nhóm. Rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra.
Nhiều phụ huynh khi chọn giáo viên cho con học tiếng Anh luôn có phần ưu tiên giáo viên tới từ các nước như Anh, Mỹ, Australia... bởi những quan điểm như giáo viên bản xứ phát âm chuẩn hơn; biểu cảm đa dạng, tự nhiên... Điều này không có gì bàn cãi. Tuy nhiên, liệu có phải cứ giáo viên bản xứ là "chuẩn" và giáo viên "không bản xứ" thì không hiệu quả?
Chủ đề này mới đây lại được hội phụ huynh bàn luận rôm rả trong một hội nhóm. Rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra. Một số phụ huynh cho rằng, bản chất của tiếng Anh của người Mỹ hoặc Anh cũng không có cái nào được cho là chuẩn. Bố mẹ không nên quá để tâm đến khái niệm chuẩn khi chọn giáo viên để khỏi tốn kém, miễn con phát âm đúng là được.
Ý kiến khác phản biện, nhất định phải chọn giáo viên bản ngữ để con có lợi thế phát âm chuẩn xác ngay từ đầu. Nhiều người khác lại nhận định, chọn giáo viên nên tùy theo mục đích. Nếu con học tiếng Anh chỉ để làm kinh doanh hay làm cho các công ty thì giọng nào cũng được. Nếu đi chuyên sâu là biên dịch hay phiên dịch hay nhà ngôn ngữ thì cân nhắc nhiều hơn.
Phụ huynh và giáo viên nói gì?
Chị Lê Phương Thanh (Hà Nội), một bà mẹ đồng hành cùng con tự học tiếng Anh cho rằng:
"Giáo viên bản xứ là giáo viên đến từ các nước US, UK, Canada, Australia, South Africa (1 phần), Ireland, Newzealand. Giáo viên đến từ nước nói tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 (official language) là đất nước sử dụng tiếng Anh rộng rãi trong giao tiếp, học tập và làm việc như: Các nước Châu Âu (Thụy Điển, Phần Lan, Bồ Đào Nha, Hà Lan,...), Singapore, Philippnes, một số nước Châu Phi (Nigeria)... Còn lại là giáo viên đến từ các nước không sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai: Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,...
Ở phần lớn các trường hợp, học giáo viên đến từ nước nào con cũng sẽ có "pronunciation" (cách phát âm từ đúng) nhưng "accent" (ngữ điệu, giọng nói) sẽ bị ảnh hưởng. Giống như kiểu người Việt Nam hay người Ấn Độ nói tiếng Anh thì không thể "nuột" bằng người Anh hay người Mỹ vậy. Việc học giáo viên nước nào có thể không ảnh hưởng đến khả năng diễn đạt trôi chảy bằng tiếng Anh của con nhưng nếu con có thể nói gần giống với người bản ngữ nhất khi có cơ hội làm việc, học tập tại nước ngoài hoặc khi giao tiếp hàng ngày với người nước ngoài con sẽ có lợi thế hơn".
Theo chị Thanh, nếu tài chính dư dả đương nhiên là học giáo viên bản xứ là sự lựa chọn tối ưu. Nếu tài chính không dư dả, cân nhắc giáo viên đến từ các nước nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2 vì giá thành rẻ hơn khá nhiều. Ngoài ra cũng cân nhắc lựa chọn các nước khu vực châu Âu hoặc châu Mỹ La Tinh hoặc South Africa hơn các nước châu Á như Sing hay Phi (vì họ sẽ nói "native" hơn).
Cuối cùng mới lựa chọn giáo viên từ các nước không nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là sự "có tâm", nhiệt tình và cả trình độ của giáo viên nữa. Đến từ nước nào chỉ là một yếu tố để cân nhắc.
Trả lời vấn đề này, anh Huỳnh Chí Viễn, tác giả sách, Giám đốc một trung tâm Anh ngữ ở TP HCM cho rằng: Nếu nói riêng về phát âm, nên cho học với giáo viên bản ngữ chuẩn vì người Phi hoặc Ấn giọng địa phương rất nặng và không chuẩn, nếu học theo từ đầu thì cũng như học với giáo viên Việt Nam giọng không chuẩn, đến khi muốn sửa sẽ rất khó. Thậm chí, giáo viên nước ngoài nhưng không phải người bản ngữ như giáo viên Pháp, Đức hay Đông Âu cũng đều bị lỗi về giọng địa phương và phát âm không chuẩn.
Tuy nhiên, anh Viễn lưu ý, hiện nay có không ít các trung tâm thuê giáo viên nước ngoài miễn là "da trắng tóc vàng", đôi khi không quan tâm tới vấn đề bản ngữ hoặc không có năng lực thẩm định, chỉ cần chi phí rẻ là được nên có thể dẫn tới việc phụ huynh tưởng con mình học giáo viên bản xứ nhưng thực ra không phải.
Theo anh Viễn, tâm lý thích giáo viên "ngoại" của phụ huynh cũng khiến các giáo viên ngoại quốc đôi khi không đủ tiêu chuẩn, nhiều người chưa được đào tạo về nghiệp vụ giảng dạy, thiếu bằng cấp, chuyên môn vẫn có thể dạy tiếng Anh và người chịu thiệt thòi là các học sinh:
"Khi không có chuyên môn, dù là giáo viên bản xứ thì họ cũng không dạy gì cả ngoài mấy trò chơi lặp đi lặp lại. Tôi đã từng chứng kiến những giáo viên nước ngoài vào lớp chỉ ngồi chơi máy tính bảng và cho các bé tự chơi hoặc tô màu chứ không dạy gì hết. Đó còn chưa kể nhiều giáo viên nhân cách không tốt. Thật ra lựa chọn giáo viên đòi hỏi trình độ tiếng Anh của phụ huynh và điều này rất khó", anh Viễn nói.
Vậy nên, nếu lựa chọn giáo viên vấn đề không phải là giáo viên bản xứ mà phải là giáo viên bản xứ "có kỹ năng sư phạm", bởi nói tiếng Anh và dạy tiếng Anh là hay vấn đề khác nhau hoàn toàn. Rất nhiều thầy cô người Việt Nam, Philippines hay các quốc gia non-native speakers vẫn truyền được cảm hứng môn học, giúp học sinh yêu thích tiếng Anh và học tập hiệu quả ngay cả khi họ phát âm tiếng Anh không "chuẩn" như người bản xứ. Ngoài yếu tố xuất thân, cũng còn nhiều yếu tố quan trọng cần xét đến như kinh nghiệm giảng dạy, trình độ chuyên môn, tính cách của giáo viên, khả năng truyền cảm hứng...
Hơn nữa, hiện nay điều kiện để các bé học phát âm chuẩn theo giọng bản ngữ rất phong phú từ thầy cô nước ngoài tới các kênh Youtube, các phần mềm học tiếng Anh, nếu không tận dụng để cải thiện phát âm của bé từ nhỏ thì là một điều hết sức thiếu sót.
Với các gia đình không có điều kiện cho con theo học giáo viên bản xứ "xịn", hoặc muốn tìm một giải pháp tiết kiệm, tiện lợi hơn, lựa chọn giáo viên Việt Nam được đào tạo bài bản sư phạm và phát âm chuẩn là tốt nhất. Và theo anh Viễn, số lượng các giáo viên Việt phát âm rất tốt và dạy rất bài bản hiện nay không thiếu, chỉ cần bố mẹ chịu khó tham khảo và tìm hiểu.