Tranh cãi về giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo
Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo sẽ là căn cứ để được tuyển dụng, bổ nhiệm hoặc chuyển trường.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết đang xây dựng Luật Nhà giáo, trong đó đề xuất việc cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp cho giáo viên.
Dễ dẫn đến tiêu cực
Theo dự kiến, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo là văn bản do cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng yêu cầu để hoạt động nghề nghiệp. Giấy chứng nhận này thay thế cho quyết định công nhận hoàn thành chế độ tập sự và chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay.
Giấy chứng nhận này được cấp miễn phí và có giá trị sử dụng trong toàn quốc. Người được cấp giấy chứng nhận gồm người hoàn thành tập sự và đạt chuẩn nghề nghiệp; người đang là nhà giáo; nhà giáo đã nghỉ hưu; nhà giáo nước ngoài đáp ứng điều kiện.
Nhà giáo đã được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp khi trúng tuyển vào làm giáo viên tại cơ sở giáo dục công lập hoặc khi thuyên chuyển, ký hợp đồng tại cơ sở giáo dục khác không cần phải thực hiện chế độ tập sự. Khi có giấy chứng nhận nghề nghiệp, nhà giáo có thể dạy liên trường, dạy theo chế độ thỉnh giảng tại các cơ sở khác. Việc điều động nhà giáo giữa công lập và ngoài công lập, việc thuyên chuyển nhà giáo giữa các địa phương được triển khai thuận tiện hơn, bảo đảm đồng đều về chất lượng dạy học và giáo dục…
Đề xuất của Bộ GD-ĐT liên quan đến giấy chứng nhận nghề nghiệp cho giáo viên ngay lập tức đã tạo ra những tranh luận trái chiều. Dưới góc độ người trực tiếp đứng lớp, giáo viên một trường THPT đóng tại quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho rằng giấy chứng nhận nghề nghiệp này là không cần thiết, dễ dẫn đến tiêu cực. Trên thực tế, các giáo viên đều có bằng cấp sư phạm, chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, bây giờ cấp thêm giấy chứng nhận nghề nghiệp là không cần thiết.
Giáo viên này cũng đặt câu hỏi: Trường hợp cần giấy chứng nhận thì dựa vào tiêu chí nào để cấp? Nếu giáo viên phải trải qua một kỳ sát hạch để có giấy chứng nhận thì rõ ràng, việc đào tạo trong trường sư phạm bị phủ nhận. Còn nếu dựa trên giấy tờ, bằng cấp để cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp thì đơn thuần là thêm một thủ tục hành chính, gây lãng phí thời gian, tiền bạc, nguy cơ dẫn đến những tiêu cực.
Có chứng chỉ mới chứng minh đủ năng lực?
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT, lại nêu quan điểm rằng cần có chứng nhận nghề nghiệp vì thực tế cho thấy luôn tồn tại khoảng cách tiềm ẩn giữa năng lực đầu ra của người tốt nghiệp về mặt học thuật và kỹ năng giảng dạy thực tế.
Theo ông Vinh, nhiều kỹ năng thực hành sư phạm, ứng dụng công nghệ trong thiết kế bài giảng, giảng dạy..., quản lý lớp học, ứng xử với học sinh và đồng nghiệp ra trường còn thiếu hụt so với yêu cầu dạy học với sự đa dạng về cách học của học sinh, với nhu cầu vùng miền cụ thể.
Hơn nữa, giáo dục đại học là giáo dục rộng, tạo ra nền tảng cho việc học suốt đời mà không hẹp như đào tạo nghề. Giáo viên phải có khả năng học suốt đời sau tốt nghiệp đại học. Trong khung thời gian 4 năm, điều kiện cọ xát thực tế chưa đủ nên họ phải có trải nghiệm để rút ngắn khoảng cách giữa lý luận và thực tiễn.
Lý giải về dự kiến đưa quy định giáo viên phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp vào Luật Nhà giáo, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, cho rằng ở nhiều nước, giáo viên phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp. Đây là minh chứng một người đủ điều kiện hành nghề giáo viên.
Nhiều ngành nghề khác ở Việt Nam như luật sư, bác sĩ cũng đã có quy định phải có chứng chỉ mới được hành nghề. Chứng chỉ là minh chứng một người đủ năng lực để làm công việc nào đó. Đối với lĩnh vực giáo dục, hiện có đồng thời nhiều quy định về chuẩn nghề nghiệp và tiêu chuẩn chức danh giáo viên/giảng viên. Giấy chứng nhận nghề nghiệp sẽ thay thế các này giấy tờ với tiêu chí cụ thể.
Ông Vũ Minh Đức cho hay giấy chứng nhận nghề nghiệp sẽ được cấp theo hướng đơn giản, thuận lợi cho nhà giáo, không đòi hỏi hay phát sinh nhiều thủ tục, không thu phí. Với những nhà giáo đang giảng dạy ở các cơ sở giáo dục, trường chỉ cần lập danh sách và cơ quan quản lý cấp giấy chứng nhận, không cần thủ tục gì cả.
Những người mới vào nghề hay đang tập sự thì cần làm thủ tục cấp giấy chứng nhận. Những nhà giáo đã nghỉ hưu cũng có thể làm thủ tục cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp nếu có nhu cầu.
Không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị thu hồi
Giấy chứng nhận nghề nghiệp có giá trị sử dụng trong suốt thời gian nhà giáo hoạt động giảng dạy, giáo dục; trừ trường hợp bị thu hồi hoặc tạm đình chỉ.
Theo đề xuất, giấy này sẽ bị thu hồi khi nhà giáo bị cơ quan có thẩm quyền đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tục; nhà giáo vi phạm kỷ luật ở mức độ buộc thôi việc, sa thải; hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp không đúng quy định. Giấy chứng nhận bị tạm đình chỉ trong trường hợp nhà giáo bị cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động giảng dạy, giáo dục.