Tranh cãi về chiều cao thực của vị vua nổi tiếng nhất lịch sử Trung Quốc

Hồng Phúc/VTC News,
Chia sẻ

Thanh kiếm đồng dài gần một mét được tìm thấy trong lúc khai quật di tích gần lăng mộ Tần Thủy Hoàng làm dấy lên suy đoán ông có thể cao trên 1,9 m.

Khi nhắc đến Tần Thủy Hoàng, người ta thường nghĩ đến những thành tựu lịch sử to lớn như thống nhất lục quốc, thiết lập quyền lực tập trung... Tuy nhiên, rất ít thông tin cá nhân về Tần Thủy Hoàng như chiều cao, hình dáng được ghi chép lại.

Đa số ghi chép lịch sử về chiều cao của Tần Thủy Hoàng đều dựa theo suy luận. Cuốn "Thái Bình Ngự Lãn" đời nhà Tống viết: "Tần Thủy Hoàng miệng hổ, trán cao, mắt to, mũi cao, chiều cao ba thước sáu thốn". Thời nhà Tần, một thước là 23,1 cm, nghĩa là chiều cao của Tần Thủy Hoàng khoảng 198,66 cm.

Tranh cãi về chiều cao thực của vị vua nổi tiếng nhất lịch sử Trung Quốc - Ảnh 1.

Tranh vẽ Tần Thủy Hoàng. (Ảnh: Sohu)

Trong câu chuyện thích khách Kinh Kha nước Yên ám sát Tần Thủy Hoàng bất thành cũng cung cấp dữ liệu về chiều cao của Tần Thủy Hoàng. Khi Kinh Kha rút dao đâm về phía Tần Thủy Hoàng, hoàng đế nước Tần phải trốn quanh một cây cột vì không kịp rút kiếm đỡ. Kiếm thông thường như kiếm của vua Câu Tiễn nước Việt chỉ dài 55,6 cm. Theo logic, nếu kiếm có chiều dài này thì đáng lẽ Tần Thủy Hoàng phải dễ dàng lấy ra.

Công tác khai quật chiến binh đất nung và ngựa đất gần lăng mộ Tần Thủy Hoàng ở Thiểm Tây đã mở ra trang mới. Chiều cao trung bình tượng đội quân đất nung là 185 cm và cao nhất là 195 cm. Do đó, dữ liệu chiều cao 198,66 cm của Tần Thủy Hoàng có vẻ đáng tin.

Các chuyên gia cũng tìm thấy một thanh kiếm đồng dài gần một mét. Thanh kiếm này là bước đột phá về công nghệ đúc kiếm thời đó. Quan trọng hơn, nó chính là kiếm của Tần Thủy Hoàng, đồng nghĩa với việc chi tiết vua bỏ trốn do khó rút kiếm được Tư Mã Thiên ghi lại trong "Sử Ký" là chính xác.

Người bình thường khó rút kiếm nếu kiếm dài gần một mét, nhưng người cao trên 1,9 m lại có thể. Thời đó, người ta thường đeo kiếm sau lưng, khiến việc Tần Thủy Hoàng khó rút kiếm trở thành hợp lý.

Các học giả cũng đã kiểm chứng vấn đề này. Họ mô phỏng tình huống mưu sát và yêu cầu một người cao hơn 1,9 m thử rút kiếm dài gần một mét đeo sau lưng.

Trong tình huống khẩn cấp, dù có chiều cao trên 1,9 m nhưng người này cũng khó rút kiếm thật nhanh. Đồng là chất liệu dễ gãy, không thích hợp làm kiếm quá dài. Tần Thủy Hoàng sử dụng thanh kiếm dài như thế để thể hiện chiều cao và địa vị của ông.

(Nguồn: Sohu)

Chia sẻ