Tranh cãi nảy lửa quanh câu chuyện "Làm phúc phải tội" đang ồn ào trên mạng
Chuyện một vận động viên vô địch thế giới Taekwondo giúp người gặp nạn và bị người nhà của người này phản ứng không tốt, đã làm dấy lên nhiều luồng ý kiến trái chiều của cư dân mạng.
Những câu chuyện về việc giúp người gặp nạn ngoài đường và "hệ lụy" sau đó đã từng khiến chúng ta phải trăn trở. Gần đây nhất là ví dụ của một vận động viên Taekwondo tên Đ.T đăng tải trên mạng xã hội, càng khiến người ta tranh cãi nhiều hơn về khái niệm đương nhiên thuộc về lẽ phải: Giúp người khi bị nạn. Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây, sau những "lùm xùm" của việc nhiệt tình giúp người khác lại nhận những rắc rối "chẳng phải đầu cũng phải tai", lại là "Giúp thế nào" để an toàn cho bản thân nhất?
Vận động viên từng đoạt giải vô địch thế giới Taekwondo suốt 3 năm 2006, 2007 và 2008 chia sẻ trên Facebook cá nhân rằng, anh đang đi từ Long Biên về (lúc 21h) thì phát hiện một chiếc xe máy đổ ngay vệ đường mà không thấy người. "Mình dừng xe nhưng vẫn nổ máy bật đèn chiếu lên thì thấy một người nằm úp mặt đang ngọ nguậy thều thào kêu "CỨU". Bình tĩnh dựng xe tiến lại gần thì thấy người này mặt mũi đầy đất và máu, mình chạy lại nhẹ nhàng kéo lên đường".
Anh Đ.T chia sẻ câu chuyện trên Facebook cá nhân.
Anh T cho biết, sau đó đã sờ túi lấy điện thoại của người đàn ông này và tìm danh bạ gia đình, gọi về cho vợ nạn nhân nói rõ nơi xảy ra tai nạn. Cô này nói nhà cách đó 1km sẽ ra ngay.
Điều bất ngờ là sau khi cô ấy ra cùng một người đàn ông xưng là con trai, thì anh con trai kia lại quay sang... đấm anh T. "Bị đánh bất ngờ nhưng mình vẫn tóm được tay và quật ngã xuống đường. Bà vợ thì hô cướp cướp". Sau đó, anh con trai nạn nhân vùng dậy định đánh anh T tiếp. Cho đến khi đưa nạn nhân vào viện, công an phường ra phân tích hiện trường thì anh T mới được minh oan. Khi đó người nhà nạn nhân mới xin lỗi.
Đây là ví dụ điển hình của việc tử tế ngoài đường nhưng lại nhận lấy sự rắc rối không đáng có. Câu chuyện này đánh đúng tâm lý của rất nhiều người đã từng rơi vào các trường hợp tương tự, đang băn khoăn với câu hỏi " Rất muốn làm việc tốt ngoài đường, và cần phải giúp người nhưng cần những kỹ năng, lời khuyên gì để không rước họa vào thân?".
"Đây là lý do tại sao trên đường có biến cứ phải rồ ga bơ đi, lớ ngớ rách việc lắm. Mình đã từng giúp người như thế này, kết quả là bị người nhà nó đánh cho... phù mỏ ", một comment khá bức xúc của độc giả tên Tiến Tài trên diễn đàn B. Hay bạn Hùng Soledad thì: "Sau lần dựng hộ xe của thằng thanh niên bị ngã, sau đó người nhà nó cảm ơn em bằng phát tát kinh thiên động địa, ù tai 2 tuần mới hết thì em đã vô cảm với người đi đường, dẫu biết làm vậy là không có tình người "...
Facebooker Minh Chiến lý giải: "Thực ra không phải người Việt Nam vô cảm, mà vì họ sợ khi giúp đỡ 1 ai đó thì họ sẽ bị oan lây, đang yên đang lành chả làm sao, tự dưng giúp đỡ 1 người không quen biết rồi lại bị ăn đòn oan, thế thì ai dám giúp. Người ở trên là 1 ví dụ điển hình".
Cư dân mạng rất quan tâm đến câu chuyện của anh Đ.T
Nhiều cư dân mạng khác nêu ra sự bộp chộp của người nhà nạn nhân khi vội vàng quy chụp cho ân nhân cứu chồng/cha mình: "Cách xử sự của người nhà quá kém. Kể cả người ta có gây ra tai nạn thật thì ít ra người ta cũng có trách nhiệm gọi cho người nhà rồi đứng đó chờ chứ không chạy mất dạng. Chưa kể đây là người giúp. Lại còn hô cướp để người xung quanh vào đánh hộ nữa!".
Cứ thế, các luồng ý kiến ban đầu đều nhất quyết cho rằng "Tốt nhất là không giúp làm gì cho đỡ mang họa vào thân. Trên đời này nhiều người không biết điều" . Một độc giả bức xúc kể chuyện: "Chú mình từng giúp 1 thằng bị té xe rồi bị người nhà nó vu cáo là tông nó té đập đầu chấn thương sọ não. Lại còn bị công an mời lên mời xuống mấy lần mãi mới giải quyết xong. Bởi vậy cho nên bảo sao xã hội này nhiều người vô cảm là vậy, không giúp thì không sao mà giúp 1 cái kiểu gì cũng có chuyện xảy ra".
Nhưng không phải ai cũng đồng tình với cách xử sự lạnh lùng ấy. Có ý kiến tỏ ra thông cảm cho gia đình nạn nhân, nick Tran Cong Anh comment: "Nhiều khi cũng phải thông cảm, khi nhận được tin người nhà bị tai nạn, ra thấy cảnh ấy cũng khó ai có thể tỉnh táo giải quyết được đâu". Anh này cũng cho rằng "Mở lòng giúp đỡ thiên hạ rồi thì tại sao lại bỏ qua cái gọi là lòng bao dung?".
Bạn QuocLap Duong cũng khẳng định: "Không phải ai cũng cư xử như con chú bị tai nạn đâu. Nếu là chủ thớt và cho mình chọn lựa lại mình vẫn sẽ giúp chú ấy. Xã hội phát triển làm con người trở nên vô cảm, dần dần con người sẽ sống như robot. Những người tốt như bạn này giờ hiếm như sếu đầu đỏ, phải ủng hộ và cổ vũ lòng tốt nhiều hơn trong xã hội chứ".
Vậy là, bên cạnh những ý kiến lên án gia đình nạn nhân cư xử không đúng với ân nhân cứu mạng chồng/cha mình, và từ ví dụ này họ đã tỏ ra ngao ngán khi nghĩ đến chuyện lòng tốt bị hiểu nhầm, rước họa vào thân thì vẫn có những người nhất định lên án hành vi không giúp người khác. Những người này đã chỉ ra vài cách làm thế nào để "Tử tế một cách thông minh", vẫn giúp người nhưng không mang họa vào thân.
Một trong số các ý kiến đưa ra giải pháp là của bạn HoangAnh: "Giúp an toàn nhất là kêu đông người đến hỗ trợ, sẵn làm chứng cho mình. Hoặc gọi điện cho gia đình nạn nhân rồi tránh đi chỗ khác, chờ người nhà người ta đến chứ đừng đứng đó".
Sở dĩ câu chuyện "Làm phúc phải tội" ồn ào trên mạng, có lẽ vì đây là vấn đề mà người dân đã băn khoăn, bức xúc từ lâu. Sự tử tế, lòng trắc ẩn trong mỗi chúng ta đều có, và khi có chuyện không may xảy ra, ai cũng muốn dang tay giúp đỡ người đang gặp nạn. Tuy vậy, làm việc tốt không phải là chuyện dễ, sự vô cảm mà người ta đang lên án đâu phải từ trong bản tính, chắc chắn không phải vậy. Chỉ vì tâm lý lo lắng cho sự an toàn, liên lụy đến bản thân nên bàn tay chìa ra cứu giúp người khác có phần e dè...
Không cứu giúp người gặp nạn là hành vi cần lên án. Nhưng giúp thế nào, bởi sự tử tế đôi khi cũng cần có kỹ năng, vẫn là điều cần phải bàn luận.