Tranh cãi không hồi kết liệu "Vua sư tử" của Disney có đạo ý tưởng phim hoạt hình Nhật và vòng lặp thú vị từ chia sẻ của tác giả "bản gốc"

Thiên Minh,
Chia sẻ

Tác phẩm kinh điển “Vua sư tử” của hãng Disney từng dính vào vụ lùm xùm liên quan đến vấn đề đạo nhái ý tưởng.

Khi được công chiếu vào 25 năm trước, bộ phim "Vua sư tử" đã là một cú hit lớn và trở thành một trong những tác phẩm thành công nhất của "nhà chuột" Disney. Đây cũng là bộ phim xuất sắc nhất về mặt âm nhạc và có sự đầu tư lớn nhất về hòa âm phối khí của Disney trước khi bị "Frozen" (Nữ hoàng băng giá) soán ngôi.

vua-su-tu-1

vua-su-tu-2

Nhưng bên cạnh thành công to lớn đó, bộ phim vẫn vấp phải sự tranh cãi về việc "tiếp thu" ý tưởng từ bộ phim "Sư tử trắng Kimba" (Kimba, the White Lion).

"Chúng tôi không hề lấy một chút cảm hứng nào từ Kimba", họa sĩ hoạt hình Tom Sito phát biểu với HuffPost Entertainment. Bên cạnh "Vua sư tử", Sito cũng là người góp công tạo ra các tác phẩm kinh điển khác của Disney như "Giai nhân và quái vật", "Aladdin"... 

"Ý tôi là những nghệ sĩ tham gia vào bộ phim Vua sư tử, nếu lớn lên vào thập niên 60, họ hẳn đã xem qua Kimba. Tôi là một đứa trẻ đã xem qua bộ phim đó, có thể ở sâu trong tâm thức chúng tôi đã khắc ghi hình tượng chú sư tử trắng kia, nhưng tôi không nghĩ rằng có bất kì ai trong đoàn làm phim có chủ đích đánh cắp hình ảnh ấy và áp vào Simba của chúng ta", Tom Sito cho biết.

Có hay không việc bị ảnh hưởng bởi một bộ phim đi trước?

Sau những tác phẩm kinh điển như "Nàng tiên cá" (1989), "Giai nhân và quái vật" (1991) và "Aladdin" (1992), thì "Vua sư tử" được xem là một trong những bộ phim hoạt hình đầu tiên của Disney không mang mô típ nội dung kể lại một câu chuyện cổ tích. Dù bộ phim lấy cảm hứng khá nhiều từ tác phẩm nổi tiếng "Hamlet" của đại văn hào Shakespear, sự sáng tạo độc đáo của nó vẫn được tán thưởng đến nay bởi các nhà phê bình và khán giả.

Dù vậy, không phải tất cả mọi người đều đồng tình. Sau khi "Vua sư tử" ra mắt, nhiều người cảm thấy kinh ngạc bởi nhiều điểm tương đồng từ một bộ phim hoạt hình nhiều tập được sản xuất bởi Nhật Bản từng được chiếu trên kênh hoạt hình của Mỹ mang tên "Sư tử trắng Kimba". Đây là một bộ phim về thế giới hoang dã châu Phi, phát sóng vào những năm 1960 và được dựa trên bộ truyện tranh "Leo – Chúa tể rừng xanh" bởi Osamu Tezuka (độc giả 8x Việt Nam chắc không lạ gì với tác giả này qua những bộ truyện nổi tiếng một thời như "Bác sĩ quái dị Black Jack", "Astro boy", "Dororo"...).

Disney và các nhà làm phim đã ngay lập tức phủ nhận nghi vấn "học hỏi" này. Họ khẳng định rằng những người tham gia làm "Vua sư tử" không hề biết gì về "Kimba" hay tác giả Tezuka. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Los Angeles Times, đạo diễn Rob Minkoff chia sẻ: "Thực lòng mà nói, tôi ít khi xem các bộ phim nhiều tập trên TV", khi được hỏi về lùm xùm đạo nhái "Kimba". Ông cũng nói rằng người đồng đạo diễn với ông, Roger Allers cũng chỉ mới biết về thông tin này khi đang trên chuyến bay đến Nhật để quảng bá "Vua sư tử".

vua-su-tu-5

vua-su-tu-4

Tuy vậy, nhà văn Madhavi Sunder chỉ ra rằng đạo diễn Allers thực sự đã từng làm việc sản xuất phim hoạt hình tại Nhật vào những năm 1980, nơi bộ phim "Leo, Chúa tể rừng xanh" được phổ biến rộng rãi, và tác giả Tezuka lúc bấy giờ đang được mệnh danh là Walt Disney của xứ sở hoa anh đào.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Fumettologica, đạo diễn Allers cho biết: "Tôi hoàn toàn hiểu được sự tức giận của những người sáng tạo ra Kimba khi họ cảm thấy chúng tôi ăn cắp ý tưởng từ họ. Nhưng nếu tôi thực sự được truyền cảm hứng từ "Kimba" tôi chắc chắn sẽ công bố điều này trên các phương tiện truyền thông". Minkoff và Allers không phản hồi gì thêm về các bình luận khác từ báo chí.

Disney hoàn toàn phủ nhận bất cứ sự "tiếp thu" nào từ bộ phim hoạt hình "Sư tử trắng Kimba". Điều này đã dẫn đến nhiều đơn từ khiếu nại và sự phản ứng gay gắt từ những nhà làm phim hoạt hình cũng như những người hâm mộ loạt phim "Sư tử trắng Kimba". Machiko Satonaka, một nhà làm phim hoạt hình nổi tiếng tại Nhật, đã viết một lá thư phản đối gửi đến Disney. 

Lá thư này có chữ ký của hàng trăm nhà làm phim hoạt hình chuyên nghiệp. Thậm chí loạt phim hoạt hình Mỹ nổi tiếng "Gia đình Simpsons" từng có đoạn châm biếm vụ lùm xùm này trong một tập phim chiếu năm 1995, trong đó có cảnh một chú sư tử xuất hiện trên những đám mây và nói vọng xuống: "Con phải trả thù cho cái chết của ta, Kimba… Ý nhầm, Simba".

“Vua sư tử” của Disney là tác phẩm đạo ý tưởng từ phim khác? - Ảnh 1.

Một cảnh trong phim g"Gia đình Simpsons" nhắc đến vụ lùm xùm của "Vua sư tử".

Dù Disney luôn một mực phủ nhận mối liên hệ giữa Simba (nhân vật chính trong "Vua sư tử") và Kimba (nhân vật chính trong "Sư tử trắng Kimba"). Tuy vậy, trong một buổi phỏng vấn vào năm 1994, nam diễn viên Matthew Broderick - người lồng tiếng cho nhân vật Simba - đã thú nhận rằng ban đầu anh rất bối rối về nhân vật của mình: "Tôi đã nghĩ tôi được mời lồng tiếng cho Kimba - chú sư tử trắng trong bộ phim hoạt hình mà tôi đã xem khi còn bé".

Mặc dù hai bộ phim có những hướng đi rất khác nhau: "Vua sư tử" khai thác mối quan hệ giữa những loài động vật sống trong rừng già ở châu Phi, còn "Sư tử trắng Kimba" nhấn mạnh vào mối quan hệ giữa con người và động vật. Tuy vậy, hai bộ phim vẫn có khá nhiều sự tương đồng ngay cả về mặt hình ảnh.

c4vTiP

Nét tương đồng trong 1 khung cảnh ở hai bộ phim.

“Vua sư tử” của Disney là tác phẩm đạo ý tưởng từ phim khác? - Ảnh 3.

Còn rất nhiều sự tương đồng khác về các nhân vật giữa hai bộ phim. Chẳng hạn như xuất hiện của nhân vật "trưởng lão" là khỉ đầu chó, đám linh cẩu vụng về, bạn gái sư tử cái của Kimba, một chú chim tương tự như chú vẹt Zazu và nhân vật phản diện cũng là một chú sư tử tên Claw với vết sẹo một bên mắt.

“Vua sư tử” của Disney là tác phẩm đạo ý tưởng từ phim khác? - Ảnh 4.

“Vua sư tử” của Disney là tác phẩm đạo ý tưởng từ phim khác? - Ảnh 5.

“Vua sư tử” của Disney là tác phẩm đạo ý tưởng từ phim khác? - Ảnh 6.

Những cảnh tương đồng trong 2 bộ phim.

Trong một cuộc phỏng vấn với HuffPost Entertainment, họa sĩ Tom Sito khẳng định lại rằng "Kimba" không phải là nguồn tư liệu cho tác phẩm "Vua sư tử". Tuy nhiên, ông cũng xác nhận rằng có vài thành viên trong dự án đã từng xem qua bộ phim hoạt hình và truyện tranh "Kimba" từ trước, trái ngược hoàn toàn so với lời khẳng định trước đây rằng ê kíp của ông không hề biết gì về "Kimba" của Tezuka.

Nhà sản xuất của phim, Charlie Fink cũng trả lời rằng không hề nghe thảo luận bất kì nội dung gì về "Kimba", bộ phim "Vua sư tử" dựa trên phim trước đó là "Chú nai Bambi" với một chút hơi hướng của vở "Hamlet", tất cả hoàn toàn là ý tưởng độc quyền của nội bộ nhà Disney.

hoa-si

Họa sĩ Osamu Tezuka.

Theo họa sĩ Tom Sito, ê-kíp làm phim "Vua sư tử" chỉ biết về sự tương đồng giữa hai bộ phim khi quá trình sản xuất đã đi được hơn một nửa chặng đường. Tuy vậy, ê-kíp sản xuất chỉ cho rằng đó là một sự tình cờ ngẫu nhiên mà thôi.

Năm 1996, Mark Kausler, một trong những biên kịch của bộ phim, nói rằng ông đã từng xem qua "Kimba" khi còn nhỏ, nhưng trong quá trình sản xuất, các họa sĩ đều tập trung vào việc tạo ra một câu chuyện giống như "Bambi" với bối cảnh Châu Phi và không hề dính dáng gì đến sự xung đột giữa muông thú và con người, chủ đề chính của bộ phim "Sư tử trắng Kimba".

"Chúng tôi sử dụng Bambi làm khung nền cho Vua sư tử: cách xây dựng những con thú, cách chúng cử động, tông màu của bộ phim...", Sito nói. Sự khác biệt có lẽ là "Vua sư tử" lấy bối cảnh hoang mạc Châu Phi còn "Bambi" thì sinh sống trong rừng Bắc Mĩ"

Tranh cãi vẫn nổ ra một lần nữa khi, một họa sĩ khác của "Vua sư tử" là Sadao Miyamoto trong một cuộc phỏng vấn đã trả lời rằng bản thân bị sốc khi lần đầu được xem bảng vẽ của bộ phim bởi sự tương đồng với tác phẩm của Tezuka và chắc hẳn đã có một sự "ảnh hưởng" nhất định.

Họa sĩ Tom Sito lúc đấy đã đính chính rằng: "Thật lòng nghiêm túc mà nói, tôi nghĩ đấy là một sự trùng hợp. Bạn biết đấy, tôi chẳng phải là người đại diện của Disney, nhưng tôi đã ở đấy trong suốt quá trình phát triển kịch bản cho bộ phim và không ai nhận thấy có vấn đề gì cả. Khi bạn làm phim về sư tử, thì bối cảnh, nhân vật có sự tương đồng là điều không thể tránh khỏi".

Kết quả khó ngờ

Tuy có nhiều điểm giống với "Vua sư tử", tác phẩm của Tezuka vẫn có những điểm rất riêng. "Kimba phi thường hơn khi có thể đứng trên hai chân và đấm vào mồm các con thú khác, còn những chú sư tử của chúng tôi hoàn toàn không thể làm được chuyện đấy", Sito cho biết.

tg4 (2)

Thêm vào đó "Kimba" cũng có nhiều chi tiết mang tính tưởng tượng hơn, các con thú được "nhân hóa" nhiều hơn. Sự tương phản lớn nhất giữa hai bộ phim là mối quan hệ giữa muông thú và loài người. Và bất ngờ thay, nguồn cảm hứng cho "Kimba" lại chính là chú nai Bambi của Walt Disney.

Họa sĩ Osamu Tezuka mất vào năm 1989. Sinh thời, tác giả của bộ truyện và sau này là bộ phim "Sư tử trắng Kimba" rất thích "Chú nai Bambi" của Disney. Ông đã xem đi xem lại bộ phim hơn 100 lần và thậm chí ông đã gặp Walt Disney để xin bản quyền để chuyển thể phim sang phiên bản Nhật Bản. Trong hồi kí của mình, Tezuka cũng ghi nhận Walt Disney là một trong những người có sức ảnh hưởng đến các tác phẩm của ông.

Tezuka đã lấy cảm hứng từ chú nai Bambi để xây dựng nên câu chuyện về sư tử trắng Kimba. Về sau, Disney lại dựng nên một "Vua sư tử" lấy cảm hứng từ Bambi, thế nên, việc hai bộ phim có sự tương đồng là "hoàn toàn dễ hiểu". Mọi chuyện cứ như một vòng lặp cuộc sống. Thú vị thay, đây cũng chính là tên ca khúc chủ đề (Circle of life) cho cú hit của "nhà chuột" năm 1994...

tumblr_inline_mrhpe4Qpbf1qz4rgp

"Chúng ta đều được kết nối với nhau trong cái vòng lặp của cuộc đời này đó con ạ!"

(Nguồn: huffpost)

Chia sẻ