Tranh cãi gay gắt: Nhà trường, giáo viên có nên xem học sinh như... khách hàng?

Vũ Trịnh,
Chia sẻ

Màn tranh biện này quả là "đỉnh của chóp" vì nghe ai đưa ra lý lẽ cũng thấy thuyết phục.

Ngày nay, Gen Z ngày càng năng động và tự tin, bằng chứng là họ dám lên tiếng nói của bản thân để bày tỏ quan điểm về các vấn đề xảy ra quanh cuộc sống. Trường Teen là chương trình truyền hình nhằm khuyến khích nhiều hơn nữa học sinh THPT thực hiện điều đó. Mới đây, chương trình đã tìm ra ngôi vị quán quân xứng đáng cho mùa giải 2020, đó là 3 đại diện đến từ THPT Chuyên Hạ Long, Quảng Ninh.

Đề bài được Ban tổ chức đưa ra là: Chúng tôi tin rằng từ cấp Phổ thông Trung học (THCS và THPT), trường học nên đối xử với học sinh như khách hàng. Trong khi Chuyên Hạ Long là đội bảo vệ quan điểm ủng hộ, thì đối thủ là trường Wellspring Hà Nội lại là đội phản đối. Màn tranh luận đã cho thấy nhiều góc nhìn mới mẻ của các học sinh cấp 3 về vấn đề trên. 

Tranh cãi gay gắt: Nhà trường, giáo viên có nên xem học sinh như... khách hàng? - Ảnh 1.

Chuyên Hạ Long cho rằng giáo viên đối xử với học sinh như khách hàng là lắng nghe những nhu cầu của học sinh và cố gắng đáp ứng mọi nhu cầu hợp lý miễn sao không vi phạm nội quy của nhà trường, chú tâm vào trải nghiệm học tập của học sinh như cách các doanh nghiệp đang chăm sóc khách hàng. 

Các bạn nêu quan điểm, học sinh phổ thông không còn quá trẻ con nên sẽ không còn đưa ra những yêu cầu vô lý, họ có mong muốn lắng nghe và thấu hiểu rất lớn do có nhiều lo lắng trong định hướng ngành học, tương lai hay thay đổi tâm lý nhưng thường sợ không dám nói ra hoặc nói ra nhưng không được chú ý. Việc đối xử với học sinh như khách hàng sẽ giúp học sinh có trải nghiệm học tập tốt hơn và giúp giáo viên hoàn thành công việc tốt hơn, cải thiện nền giáo dục.

Tranh cãi gay gắt: Nhà trường, giáo viên có nên xem học sinh như... khách hàng? - Ảnh 2.

Đội THPT Chuyên Hạ Long, Quảng Ninh

Đáp lại ý kiến trên, Wellspring cho rằng đối xử với học sinh như khách hàng là chiều chuộng, cung phụng, thỏa mãn nhu cầu của các em. Quan điểm trên, đội xem là không thực tế vì lúc này học sinh đang làm chủ mối quan hệ thầy trò, mọi yêu cầu của học sinh đều được thực hiện vì họ là khách hàng. Để bảo vệ quan điểm phản đối, các đại diện đến từ Hà Nội nêu rõ 2 luận điểm cho việc không nên xem học sinh là khách hàng vì sẽ đảm bảo sự công bằng và hiệu quả trong giáo dục đối với học sinh, tiếp đó là đảm bảo sự phổ cập giáo dục, từ đó mang lại cơ hội được tiếp cận giáo dục ở mọi hoàn cảnh, đặc biệt là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Ở lượt phản biện thứ 2, đại diện đến từ đất mỏ nêu quan điểm phần lớn giáo viên là người lớn nên thường chọn cách áp đặt vấn đề của những người trẻ. Mô hình giáo dục hiện tại đang cho giáo viên phần lớn quyền quyết định nên họ không có thói quen nghe thấy trước, chính vì vậy đã hình thành nên một rào cản cho việc tiếp thu, giao tiếp và thấu hiểu những nhu cầu của học sinh. Các bạn còn cho rằng, ngày nay có một số giáo viên đẩy việc phạt học sinh đi theo hướng rất cực đoan. Đó là bài toán mà việc xem học sinh là khách hàng có thể giải được.

Chuyên Hạ Long cho rằng một khi yêu cầu giáo viên xem học sinh là khách hàng của họ thì các bạn sẽ thiết lập được một trạng thái tinh thần đối với giáo viên. Kể cả khi học sinh không thực sự yêu cầu điều gì cả thì giáo viên sẽ mặc định là học sinh đang quan sát, đánh giá họ, từ đó họ sẽ có động lực để cố gắng chăm sóc, lắng nghe và để tâm nhiều hơn đến các nhu cầu về học tập, tinh thần của học sinh, cải thiện chuyên môn để vượt ra ngoài khuôn khổ chương trình học cứng nhắc hiện hành, cẩn thận hơn khi ứng xử với học sinh.

Tranh cãi gay gắt: Nhà trường, giáo viên có nên xem học sinh như... khách hàng? - Ảnh 3.

Những tác động của việc làm này sẽ kéo trạng thái bất đối xứng về vị thế lúc trước trở thành một trạng thái cân bằng hơn giữa học sinh và giáo viên. Từ đấy loại bỏ những tư duy cố hữu trong đầu giáo viên. Điều này còn giúp giáo viên sẽ thay đổi liên tục phương pháp dạy để trở nên tiên tiến và phù hợp với nhu cầu của học sinh hơn, từ đó sẽ tạo nên một thay đổi lớn ở trong nền giáo dục. Các bạn xem đây là cách làm bền vững và hệ thống hơn so với các tuyên truyền, khẩu hiệu nâng cao giáo dục thông thường vì mô hình này có tính yêu cầu cao hơn và nó tạo ra một nguyên tắc ứng xử chung cho mọi người để tuân thủ.

Đáp trả ý kiến của đội bạn, Wellspring cho biết, việc xem học sinh là khách hàng sẽ đánh đổi lại một lợi ích của một số người vốn đã có lợi ích và có thể tự đấu tranh. Đề bài trên có thể lấy đi những lợi ích của những học sinh khó khăn, những học sinh cần giáo dục để thay đổi cuộc sống. Việc học sinh chỉ ngồi và chỉ trích cách dạy của giáo viên làm khả năng tư duy và thích nghi khi ra đời của các bạn kém đi rất nhiều, các bạn sẽ rất dễ dàng bỏ cuộc và buông xuôi.

Tranh cãi gay gắt: Nhà trường, giáo viên có nên xem học sinh như... khách hàng? - Ảnh 4.

Đội Phổ thông liên cấp Wellspring, Hà Nội

Bản chất của khách hàng là họ mang lại doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp, đặc điểm của nó là sự phân cấp. Trả nhiều hơn đồng nghĩa với việc dịch vụ và đối xử sẽ được tốt hơn để tối đa hóa lợi nhuận. Đây là 1 động lực rất lớn để gia tăng cho sự phân cấp đã tồn tại trong trường học. Học sinh có bố mẹ đóng góp nhiều hơn sẽ nhận được đối xử tốt hơn đối với các học sinh khác, mà trường học đã có sự phân cấp giàu nghèo nhất định.

Còn bản chất của các công ty là đều ưu tiên lợi ích của họ cho những khách hàng có tiềm năng hơn. Bản thân các học sinh khó khăn ở vùng xa sẽ là nhóm khách hàng có ít tiềm năng trong khi họ là nhóm đối tượng cần được quan tâm hơn về giáo dục. Khi mà bản chất động lực của giáo viên được dựa trên đồng tiền chứ không phải cái tâm thì ít có giáo viên nào có ý muốn được về miền núi, về vùng xa để giúp đỡ các học sinh nghèo, các học sinh đang thực sự cần phải được giáo dục để thay đổi cuộc sống của họ.

Việc không xem học sinh là khách hàng, Wellspring cho rằng sẽ bảo vệ được thế giới quan về một thế giới không có bất công, đảm bảo sự công bằng, sự phổ cập giáo dục đến với nhiều đối tượng khác nhau. Ngoài ra, một luận điểm nữa của đội này được giám khảo đánh giá cao đó là nếu xem học sinh là khách hàng sẽ kéo theo sự đi xuống về đạo đức khi học sinh sử dụng việc này như là sự bắt buộc, đương nhiên, từ đó đánh mất đi truyền thống tôn sư trọng đạo.

Tranh cãi gay gắt: Nhà trường, giáo viên có nên xem học sinh như... khách hàng? - Ảnh 5.

Sau màn tranh biện, với những lập luận chặt chẽ hơn, tư duy triển khai vấn đề logic hơn, đội Chuyên Hạ Long chính thức lên ngôi vô địch và nhận về 1 chuyến tham quan 7 ngày tại 1 trường ĐH ở Australia. Tuy chỉ là những quan điểm để bàn về một vấn đề được giả định thế nhưng có thể thấy thế hệ học sinh 10x rất bản lĩnh và thực sự nhạy bén.  

Ảnh: VTV7

Chia sẻ