Tranh cãi chuyện khoe trẻ là "lao động chính", kiếm tiền lì xì dịp Tết, chuyên gia nói: Bố mẹ đùa vui nhưng dễ khiến con lệch lạc
Với những đứa trẻ, số tiền trong bao thư chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, chúng không để ý mình nhận được bao nhiêu tiền (nếu bố mẹ không gieo vào đầu trẻ khái niệm tiền nhiều – ít).
Chuyện phong bao lì xì vốn dĩ tưởng là chuyện của riêng trẻ con những ngày đầu xuân mới. Nhưng từ khi... chưa Tết, trên mạng xã hội, nhiều phụ huynh đã rộn ràng hỏi han, bàn tán. Việc lì xì bao nhiêu, dạy con quản lý tiền lì xì thế nào... đều được đem ra "mổ xẻ". Đặc biệt vài năm gần đây còn xuất hiện "trend" khoe ảnh con cùng dòng trạng thái: "Lao động chính những ngày Tết" hay "nguồn thu nhập Tết của cả nhà".
Hành động này được hưởng ứng rộng rãi, tuy nhiên cũng gây ra nhiều phản ứng trái chiều. Nhiều người nhận định đây đơn giản chỉ là kiểu đùa vui, nhưng cũng có luồng ý kiến khác phản đối, cho rằng đừng "vật chất hóa" chuyện lì xì. Đơn cử, chị Ngô Hồng Giang, kỹ sư phần mềm hiện đang sinh sống và làm việc ở Thụy Điển, một hot mom trên mạng xã hội, đã chỉ ra 3 lý do việc khoe lì xì là một xu hướng và lối suy nghĩ độc hại.
Thứ nhất, đó là cách dạy con rằng: "Tiền có thể dễ dàng kiếm được". Thứ hai, đó là cách dạy con rằng: "Người lớn thể hiện tình yêu bằng vật chất". Thứ 3, ảnh hưởng đến thái độ sống đối với tiền nói chung và vật chất nói riêng. Nhiều khi những chuyện bố mẹ chúng mình tặc lưỡi "đùa thôi mà" lại tác động đến cả thế hệ.
Chị cho rằng, phụ huynh nên dạy con số tiền trong mỗi bao lì xì, ít hay nhiều không quan trọng, bởi chúng đều được coi là món quà tinh thần trong dịp đầu năm mới, có ý nghĩa biểu trưng cho một năm tốt đẹp và sung túc.
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh: Xem lì xì là một "nguồn thu nhập" là hiểu sai giá trị của phong tục này
Theo sách "Lễ tục trong gia đình người Việt" của tác giả Bùi Xuân Mỹ được NXB Hồng Đức phát hành, mừng tuổi đầu năm là một dịp để những người thân thiết quan tâm đến nhau về quyền lợi vật chất, nhưng là một thứ vật chất được thông qua tình cảm nên có ý nghĩa.
Tuy nhiên, hiện nay, theo chuyên gia Lê Khanh, hoạt động có ý nghĩa, giá trị của ngày Tết này đã bị "biến tướng" và thương mại hóa một cách trầm trọng. Xuất phát từ việc tặng phong bao màu đỏ có ý nghĩa may mắn và một tờ tiền mới (không tính giá trị kinh tế), thì nay không khó để nhận thấy, lì xì trở thành một hình thức "thu nhập", càng nhiều thì càng tốt.
"Chính vì quan niệm biến tướng đó nên mới có chuyện nhiều người khoe con và gọi tiền mừng tuổi là THU NHẬP giống như việc kinh doanh hay lãnh lương của người lớn. Cho dù có thể chỉ là đùa cho vui, nhưng lại một lần nữa cho thấy việc hiểu sai giá trị của phong tục lì xì đã quá phổ biến. Chưa kể, hành động này của cha mẹ có thể những đứa trẻ có cái nhìn lệch lạc về tiền lì xì. Chúng không hiểu lì xì không phải là một nguồn "thu nhập" mà đơn giản chỉ là lời chúc may mắn của người lớn đến trẻ con và lời chúc sức khỏe của người trẻ đến người già.
Ngoài ra, tôi nhận thấy nhiều người lớn còn mang nhiều tiền lì xì ra chứng tỏ khả năng tài chính hoặc giá trị của bản thân. Hành động đem tiền lì xì của trẻ ra khoe với nhiều người còn là một cách gián tiếp "khoe" gia đình – vì mình có như thế nào thì con mình mới có thu nhập cao như thế", ông Khanh nói.
Chuyên gia tâm lý này cho rằng, phụ huynh thông thái hãy cố gắng giữ gìn truyền thống tốt đẹp, quay về bản chất vốn có của lì xì. Đừng để mỗi khi Tết đến Xuân về, người lớn phải lo lắng vì phải tính toán nguồn tiền để lì xì; đau đầu cân nhắc liệu mừng tuổi mức tiền bao nhiêu mới là hợp lý hay những người gặp khó khăn nảy sinh tâm lý ngại đi chơi vì "sợ phải mừng tuổi".
Trên thực tế, bản chất lì xì là tục lì xì nguyên thủy của nó, vì thế không coi nặng số tiền bên trong mà quan trọng nhất là ý nghĩa đi kèm. Thu nhập tốt nhất cho con chính là sự chúc phúc – mừng tuổi cho trẻ em một cách chân thành – đơn giản và ý nghĩa.
Với những đứa trẻ, số tiền trong bao thư chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, chúng không để ý mình nhận được bao nhiêu tiền (nếu bố mẹ không gieo vào đầu trẻ khái niệm tiền nhiều – ít). Vậy nên, chính cách trao lì xì cho trẻ mới chính là "công đoạn" quan trọng nhất.
Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh, thay vì chỉ coi trọng số tiền, phụ huynh nên dạy trẻ ý nghĩa của lì xì. Ngoài ra, cũng nên tập thói quen chu đáo hơn, đừng đưa thẳng tiền mà hãy cẩn thận bỏ vào phong bì đỏ. Như thế, trẻ mới cảm nhận được sự trân trọng. Khi trẻ hỏi về mệnh giá thì có thể giải thích cho chúng nghe lì xì không quan trọng mệnh giá mà mang ý nghĩa mừng tuổi, chúc may mắn.