Tranh cãi chuyện con thi đại học điểm thấp lè tè, phụ huynh vẫn tổ chức tiệc mừng linh đình
Có một người bạn rất thân với chủ nhà tâm sự rằng, tổ chức tiệc lớn như vậy quả thực không nên, cháu nhà cũng không đỗ vào trường top đầu, đây chẳng khác gì một hình thức 'kinh doanh'.
Thi đại học là một cột mốc rất quan trọng. Đó là lý do vì sao mà thường khi con cháu vượt qua kỳ thi này, nhiều gia đình không ngần ngại mở tiệc mời khách để ăn mừng.
Trên thực tế, mỗi gia đình sẽ có yêu cầu khác nhau về thành tích cũng như khả năng học tập của con. Không phải chỉ những gia đình có người thi đậu vào các trường đại học top đầu mới tổ chức tiệc ăn mừng, mà đôi khi chỉ cần con cháu hoàn thành được mục tiêu và kỳ vọng ở mức nhất định. Theo đó, các bữa tiệc ăn mừng được tổ chức theo nhiều hình thức khác nhau, có thể hoành tráng linh đình nhưng cũng có thể ấm cúng, giản dị.
Xung quanh câu chuyện tổ chức tiệc ăn mừng đỗ đại học cho con cũng có nhiều ý kiến trái chiều, đơn cử như câu chuyện mới đây của gia đình ông Trịnh (Trung Quốc). Theo đó, con ông Trịnh năm nay tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học, nhưng kết quả nhận được không thực sự tốt, chỉ trúng tuyển vào một trường đại học top dưới.
Tuy thành tích của cậu con trai ông Trịnh nếu nói trắng ra là ở mức... thấp, nhưng ông vẫn quyết định tổ chức một bữa tiệc linh đình nhằm chúc mừng con đỗ đại học. Khi ngỏ ý, nhiều người dân trong làng xì xào rằng thành tích như vậy có xuất sắc lắm đâu, không có gì đáng để tung hô hoành tráng.
Về phía mình, ông Trịnh thấy con mặc dù có thành tích không tốt, nhưng cũng không đến mức phải bị mọi người phải dị nghị như vậy. Hơn nữa, lúc trước ông Trịnh cũng từng tham gia nhiều bữa tiệc ăn mừng đỗ đại học kiểu vậy, mỗi lần đến dự là ông đều chuẩn bị tiền chúc mừng đầy đủ. Ông thấy đây là thời điểm thích hợp để "thu hồi" lại tất cả số tiền đã phát ra, bằng cách tổ chức một bữa tiệc chúc mừng đỗ đại học của con trai.
Vì thế bất chấp mọi thứ, ông vẫn quyết định làm và mời khách khứa dựa trên danh sách những người ông đã từng mừng tiền trước đó trong bữa tiệc trưởng thành của con họ. Ngoài ra, ông Trịnh còn gửi thiệp mời tất cả bạn bè thân thích để họ cùng đến chung vui.
Sau khi nhận được thiệp mời của ông Trịnh, nhiều người cảm thấy khó tin vì thành tích như vậy không nên được ăn mừng rầm rộ. Nhiều người trong danh sách này có con trúng tuyển vào trường top cũng chẳng tổ chức ăn uống linh đình đến vậy.
Tuy những người trong danh sách khi được mời đều tỏ ra niềm nở, nhưng đợi đến ngày bữa tiệc được tổ chức, lại có rất nhiều khách khứa tìm cớ không có mặt. Quá giờ tổ chức đã lâu, gia đình ông Trịnh vẫn cố chờ đợi nhưng cuối cùng cũng chỉ có một vài người đến chúc mừng. Trong đó, có một người bạn rất thân với ông tâm sự rằng, tổ chức tiệc lớn như vậy quả thực không nên, cháu nhà cũng không đỗ vào trường top đầu, đây chẳng khác gì một hình thức "kinh doanh".
Rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan", ông Trịnh không biết làm cách nào vì tiền đặt cỗ bỏ ra không phải khoản nhỏ, đặt một mâm cơm ở khách sạn cũng cần khoảng 800 tệ (hơn 2,6 triệu đồng). Trong khi đó, thông thường mọi người sẽ chúc mừng các tân sinh viên khoảng 200 tệ (hơn 650 nghìn), căn bản không thu lại được số tiền bỏ ra, chứ đừng nói gì đến lợi nhuận.
Tựu chung lại, không biết mục đích thật sự của ông Trịnh là gì, tổ chức tiệc để chia vui cùng con hay thu hồi lại tiền mừng mà ông từng đi trước đấy. Nhưng suy đi tính lại, việc mọi người lạnh nhạt với bữa tiệc chúc mừng này, cũng như thái độ khi đánh giá ngôi trường mà con ông Trịnh nhập học là không tốt, không phải top đầu... quả thực cũng không nên.
Bạn nghĩ sao về sự việc này?