Tranh cãi chuyện "bê cả bát Phở lên húp là phàm phu tục tử và thấp kém", chủ các quán ăn nói gì?

Thu Phương - Hạ Phong,
Chia sẻ

Thành ngữ có câu "miếng ăn là miếng tồi tàn", nhiều người chấp nhận hi sinh phẩm giá để miếng ăn được ngon thế nhưng thiết nghĩ rất khó để đánh giá phẩm giá một người thông qua cách họ ăn uống.

Câu chuyện ăn phở gây tranh cãi mới đây đã trở thành vấn đề khiến ai nấy đều vùi tay vào bàn phím đưa ra quan điểm của mình. Liệu việc "bê cả tô phở lên húp" có phải là hành vi của kẻ phàm phu tục tử như lời người mở đầu cuộc tranh cãi này quả quyết?! 

"Thấy khách bê tô phở lên húp thì mừng lắm"

Khi được hỏi cảm thấy thế nào khi thấy khách bê cả tô phở lên húp đại diện quán phở Khôi Hói (Hàng Vải - Hà Nội) chia sẻ: "Khách húp phở bình thường mà. Thậm chí tôi thấy mừng lắm, nghĩa là quán mình làm ra được sản phẩm mà để cho mọi người ăn mà không bỏ mứa. Mình rất là mừng luôn ấy, mình phục vụ được mọi người. Khách ăn ngon, ăn vào nên mới bê cả tô lên húp chứ".

Tranh cãi chuyện "bê cả bát lên húp là thấp kém", chủ các quán ăn nói gì?  - Ảnh 2.

Đại diện quán phở Khôi Hói (Hàng Vải, Hà Nội)

Cùng với đó, đại diện quán phở cũng cho biết thêm, nước dùng là phần quan trọng nhất. Đại diện quán phở Khôi chia sẻ thêm: "Nước dùng quan trọng lắm. Một bát phở ngon hay không thì nước dùng quyết định đến 70-80%".

Tại quán, chị Vân Anh (Hà Nội) cũng nói ý kiến của mình khi được tôi hỏi về vụ việc xôn xao trên: "Hồi chiều, mình cũng thấy tin này trên mạng. Bức xúc quá quyết tan làm đi ăn bát phở luôn. Mình thấy việc húp phở nước dùng là bình thường mà, đấy chỉ là biểu hiện của sự ngon miệng thôi. Mình còn có thói quen ăn bánh phở với thịt trước, còn nước dùng để đến cuối".

"Bưng lên húp mới đã, vô tư đi"

Một quán phở lâu đời nằm trên đường Song Hành quận 2, TP.Thủ Đức đang có lác đác vài vị khách vào ăn. 

Theo như quan sát, rất ít ai bê cả tô phở lên húp, đó có thể là vì lịch sự, hoặc có thể người ta thấy no khi ăn bánh phở, phần nước bị thừa. Nhưng điều này không có nghĩa là họ cấm kỵ việc tạo ra tiếng khi ăn. 

Chẳng hạn như khi tôi hỏi "Có mất lịch sự nếu húp hết nước súp trong tô không?", một người đã trả lời: "Vô tư đi, ngại gì, bưng lên húp mới đã!". 

"Húp nó mới đã", một người nói. 

"Đã" trong câu của họ có nghĩa là ngon, đó là từ thể hiện trạng thái hài lòng với bữa ăn. 

Tôi hỏi tiếp: "Vậy húp kêu sồn sột những người xung quanh nói mất lịch sự thì sao?". 

Người này cho biết: "Mình ăn ngon là miệng của mình, ai nói gì kệ họ, nhưng mình thấy ngon phải không? Chứng tỏ phở ở đây ngon mới ăn hết. Nhìn mấy người ăn như vậy thấy thèm theo". 

ĂN UỐNG KHÔNG PHÁT RA TIẾNG, KHÔNG BÊ TÔ CHÉN LÊN HÚP LÀ VĂN HOÁ CỦA NƠI NÀO? 

Sở dĩ câu chuyện ăn phở gây tranh cãi là vì nhiều người cho rằng việc húp phở tạo ra tiếng ồn là bất lịch sự. 

Vậy lại phải bàn đến văn hoá ăn uống của Tây và Ta (ta ở đây chỉ châu Á nói chung). Một trong những quy tắc tối thiểu và quan trọng nhất trong ăn uống của người phương Tây là không chép miệng, không gây tiếng động khi ăn. Người phương Tây cho rằng chép miệng khi ăn sẽ khiến người ta hiểu rằng bạn không hài lòng về các món ăn, hoặc khó chịu với cách phục vụ. Họ không đánh giá cao những người ăn uống xuề xoà, tạo ra nhiều âm thanh vì cho rằng đó là người ăn vội mà ăn vội thì lại không tốt cho sức khoẻ.

Tranh cãi chuyện "bê cả bát lên húp là thấp kém", chủ các quán ăn nói gì?  - Ảnh 4.

Nhiều người quan niệm ăn phát ra tiếng là vô ý thức!

Còn người châu Á cụ thể là nước ta, ngày xưa thời ông bà, nếu chúng ta ăn uống tạo ra âm thanh chắc chắn sẽ bị đánh giá. Dù Bắc hay Nam, người lớn luôn nói: "Ăn uống mà kêu rột rột là nghèo suốt kiếp". Nghĩa là họ quan niệm người ăn vội, ăn mà tạo ra tiếng là người không làm được việc lớn, tính tình cẩu thả, nóng vội. 

Thế nhưng riêng một vài nước châu Á, chẳng hạn như Nhật Bản, điều này không quan trọng thậm chí họ còn quan niệm ngược lại, khi các món nước nóng ngon, thì người ăn mới phát ra tiếng động, húp xì xụp, điều này cho phép người ăn thoải mái tạo ra các âm thanh khi ăn các món nước. Âm thanh này như một lời cảm ơn người nấu vậy! 

Tạm kết

Thành ngữ có câu "miếng ăn là miếng tồi tàn", nhiều người chấp nhận hi sinh phẩm giá để miếng ăn được ngon thế nhưng thiết nghĩ rất khó để đánh giá phẩm giá một người thông qua cách họ ăn uống. Bởi thế mới đáp lại: "Trời đánh còn tránh bữa ăn", người ta chọn cách ăn uống cho mình ngon miệng sao có thể đánh giá là phàm phu tục tử được?!


Chia sẻ