Trần Thị Kim Thanh: Từ cô bé nhặt đậu có bàn tay to đến "người nhện" khuất phục huyền thoại Mỹ tại World Cup

HẠ VŨ,
Chia sẻ

Chặn đứng cú sút phạt 11 mét của huyền thoại bóng đá Mỹ Alex Morgan, Trần Thị Kim Thanh đã để lại dấu ấn đặc biệt trong lần đầu tiên dự World Cup cùng tuyển nữ Việt Nam.

Vào 8h sáng ngày 22/7, Đội tuyển nữ Việt Nam đã chính thức bước vào giải đấu lịch sử World Cup nữ 2023. Đối thủ của các cô gái vàng Việt Nam chính là đương kim vô địch Đội tuyển Mỹ. Với sự chênh lệch đẳng cấp, việc tuyển nữ phải nhận bàn thua từ phút 14 là điều không có gì bất ngờ. Chung cuộc tuyển nữ để thua với tỷ số 0 - 3 trước nhà đương kim vô địch. 

Dù không thể ghi được bàn thắng nhưng màn trình diễn của các cầu thủ, đặc biệt là thủ môn Kim Thanh vẫn khiến người hâm mộ tự hào. Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) ngay sau đó đã gửi lời khen ngợi tới "người gác đền" của tuyển nữ Việt Nam về pha cản phá cú sút phạt 11m từ chân sút vĩ đại nhất nước Mỹ.

Trần Thị Kim Thanh: Từ đôi tay nhặt đậu đến "người gác đền" của Đội tuyển nữ Việt Nam  - Ảnh 1.

Trần Thị Kim Thanh xuất sắc trong trận đấu mở màn của tuyển nữ Việt Nam tại World Cup nữ 2023. Ảnh: FIFA

"Người gác đền" của tuyển Việt Nam

Trong trận đấu sáng 22/7, đội tuyển Mỹ kiểm soát bóng hơn 60% và liên tục gây sức ép lên khung thành của Kim Thanh. Theo thống kê, tuyển nữ Việt Nam phải hứng chịu đến 22 cú sút (8 cú trúng đích). Trong khi đó, thủ môn Kim Thanh - người gác đền của tuyển nữ Việt Nam với chiều cao khiêm tốn chỉ 1,65m, lọt thỏm trước những tiền đạo to cao của tuyển Mỹ. Kim Thanh cũng cần bật lên gần một mét nữa mới chạm được tới xà ngang khung thành. Dẫu vậy, Kim Thanh vẫn thi đấu hết sức mình để rồi tỏa sáng rực rỡ với hàng loạt pha cứu thua đẳng cấp.

Theo thống kê của Sofascore, Kim Thanh có 5 pha cứu thua trong trận đầu ra quân. Trong đó đáng kể nhất chính là tình huống ngăn cản cú sút của huyền thoại bóng đá Mỹ Alex Morgan trên chấm 11m ở phút 44. Morgan - 34 tuổi, nhà vô địch World Cup 2015 và 2019 - là chân sút xuất sắc thứ 5 trong lịch sử bóng đá Mỹ với 121 bàn thắng sau 208 trận.

Trần Thị Kim Thanh: Từ đôi tay nhặt đậu đến "người gác đền" của Đội tuyển nữ Việt Nam  - Ảnh 2.

Trần Thị Kim Thanh khiến huyền thoại bóng đá Mỹ ôm hận trên chấm phạt đền. Ảnh: FIFA

Ngay sau trận đấu, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) dành những "lời có cánh" cho màn trình diễn của Kim Thanh. Trang Twitter của FIFA không tiếc lời khen ngợi thủ môn tuyển Việt Nam.

"Trần Thị Kim Thanh khiến tất cả phải cúi đầu. Thủ môn của đội tuyển nữ Việt Nam đã có một màn trình diễn vô cùng ấn tượng và cảm xúc trong hiệp một và đã cản phá thành công cú sút penalty của Alex Morgan".

Tình huống cứu thua trên chấm 11m cùng với những pha cản phá xuất sắc khác trong trận đấu giúp Kim Thanh trở thành cầu thủ Việt Nam được chấm điểm cao nhất với 7,8 điểm. Thậm chí, Kim Thanh còn được chấm điểm cao hơn hàng loạt cầu thủ Mỹ khác trong đó có cả huyền thoại Alex Morgan. Nữ huyền thoại chỉ được chấm 6,4 điểm sau pha thất bại trên chấm 11m khi đối mặt với Kim Thanh cũng như phong độ thi đấu mờ nhạt trong suốt trận đấu.

Pha cứu thua này chắc chắn sẽ trở thành kỷ niệm đáng nhớ nhất sự nghiệp của Kim Thanh.

Trần Thị Kim Thanh: Từ đôi tay nhặt đậu đến "người gác đền" của Đội tuyển nữ Việt Nam  - Ảnh 3.

Trần Thị Kim Thanh bay lượn trong khung thành khi đối đầu với đương kim vô địch một cách vô cùng dũng cảm. Ảnh: FIFA

Thế nhưng ít ai biết rằng, trước khi trở thành "người gác đền" và chạm đến những khoảnh khắc huy hoàng nhất cùng đội tuyển nữ, cô đã phải trải qua không ít khó khăn và cả những giọt nước mắt.

Đôi tay nhặt đậu nắm hi vọng vươn ra thế giới

Trần Thị Kim Thanh sinh năm 1993, lớn lên ở vùng quê Đức Hòa, Long An. Cũng như nhiều nữ đồng nghiệp, Kim Thanh đi lên từ một vùng quê nghèo khó, thường xuyên phải phụ giúp cha mẹ sau những giờ học tập trên lớp. Bố làm phụ hồ, mẹ làm thuê. Kim Thanh khi còn nhỏ sáng đi học, chiều về theo mẹ đi làm thuê. Ở quê người ta trồng đậu nhiều, cần người nhặt mướn. Kim Thanh cứ đi học về, bỏ cặp xuống là lại ra ruộng nhặt đậu với mẹ. Hôm nào không ra ruộng thì đi kéo cá.

Hiểu được những vất vả khó khăn của bố mẹ, ngay từ khi còn đi học, Kim Thanh đã luôn mong muốn đỡ đần ông bà. Chính vì vậy khi biết tin CLB bóng đá trên TPHCM cần tìm người cao ráo, có bàn tay hơi to một chút để đào tạo làm thủ môn, Kim Thanh đã không do dự. Với cô lúc đó, chỉ cần ba mẹ đỡ vất vả, được lo chi phí ăn học và còn có thể kiếm tiền thì dù khó khăn cỡ nào cô cũng có thể vượt qua.

Trần Thị Kim Thanh: Từ đôi tay nhặt đậu đến "người gác đền" của Đội tuyển nữ Việt Nam  - Ảnh 4.

Thời điểm quyết định lên TPHCM để đá bóng, Kim Thanh chưa hề biết gì về bóng đá. Một Kim Thanh vô tư, biết tập và tập thôi chứ không để ý gì nhiều.

Năm 2007, khi quyết định nghỉ học ở quê lên TP.HCM tập bóng đá, cô bé Kim Thanh chưa biết đá bóng cũng chưa biết làm thủ môn thế nào, điều duy nhất thúc đẩy cô đến với bóng đá chính là đỡ đần cha mẹ. Và sự nghiệp của Kim Thanh đã bắt đầu với mong ước rất đỗi giản dị như thế.

Bảy năm sau khi xa cha mẹ, đến năm 2014 khi Kim Thanh 21 tuổi, cô lần đầu tiên được khoác lên mình màu áo đội tuyển quốc gia. Đó là vinh dự và là cơ hội lớn với một thủ môn trẻ như Kim Thanh. Thời điểm ấy, người gác đền của tuyển nữ Việt Nam vẫn là Đặng Thị Kiều Trinh. Việc Kim Thanh vượt qua được cái bóng của Kiều Trinh cũng như sự cạnh tranh vị trí với Khổng Thị Hằng không phải là điều dễ dàng. Nhưng sự kiên nhẫn cùng nỗ lực học hỏi của cô cuối cùng cũng được đền đáp xứng đáng.

Năm 2018, Kim Thanh lần đầu tiên có cơ hội bắt chính tại 1 giải đấu quốc tế. Tuy nhiên, Asian Cup 2018 cũng là giải đấu khó khăn nhất trong sự nghiệp của Kim Thanh. Ngày 11/7/2018 có lẽ là cột mốc không thể nào quên trong sự nghiệp của Kim Thanh. Cô mắc 2 sai lầm liên tiếp ở các phút 35 và 65 trong trận đấu với U20 nữ Australia tại AFF Cup nữ 2018, dẫn đến việc tuyển nữ Việt Nam thua trận với tỉ số 2-4. Ngay sau thất bại ấy, Kim Thanh đã từng "hoài nghi" bản thân vì đã phụ sự tin tưởng của BHL cũng như đồng đội. Nhưng chính sự hoài nghi ấy là động lực để Kim Thanh cố gắng khi mỗi lần lên tuyển. Cùng với đó là niềm tin của HLV trưởng Mai Đức Chung dành cho học trò, SEA Games 30 trên đất Philippines cô tiếp tục được trao vị trí chính thức.

Trần Thị Kim Thanh: Từ đôi tay nhặt đậu đến "người gác đền" của Đội tuyển nữ Việt Nam  - Ảnh 5.

Suốt 8 năm trời làm dự bị cho Kiều Chinh, Kim Thanh chẳng phàn nàn gì và luôn nỗ lực trong tập luyện. Tuy cũng buồn, nhưng Kim Thanh chưa bao giờ nản lòng và có ý nghĩ chia tay với bóng đá.

Kể từ đó đến nay, Kim Thanh luôn vững chãi trước khung thành tuyển nữ Việt Nam. Phản xạ xuất thần, nhanh nhẹn, ra vào hợp lý và quan trọng hơn hết là sự tự tin đáng kinh ngạc. Tất cả khiến BHL và đồng đội yên tâm giao vị trí người gác đền vào tay cô gái nhặt đậu năm nào.

Đặc biệt trên con đường đến với giải đấu danh giá nhất hành tinh, Kim Thanh đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Những pha cản phá xuất thần của Kim Thanh giúp đội tuyển nữ Việt Nam đứng vững trước nhiều đợt tấn công của các đối thủ. Đặc biệt khi đã vượt qua khe cửa hẹp để đến vòng play-off giành chiếc vé quyết định, Kim Thanh đã chứng minh rằng sự lựa chọn của HLV Mai Đức Chung là đúng đắn khi cô chính là thủ môn sở hữu thành tích cứu thua nhiều nhất Asian Cup nữ 2022 với 27 pha cứu thua xuất thần trong 6 trận đấu, kỷ lục của giải đấu. Đặc biệt, trong 2 trận play-off, Kim Thanh chỉ để lọt lưới 1 bàn, đưa Việt Nam thành công giành tấm vé đến Úc mùa hè 2023.

Trần Thị Kim Thanh: Từ đôi tay nhặt đậu đến "người gác đền" của Đội tuyển nữ Việt Nam  - Ảnh 6.

Trần Thị Kim Thanh (số 14) là 1 trong 5 cá nhân tiêu biểu tại Cúp Bóng đá nữ châu Á 2022. - Ảnh: AFC.com

Hành trình khẳng định bản thân của Kim Thanh vẫn chưa dừng lại, ngay trước khi World Cup chính thức khởi tranh, tuyển nữ Việt Nam đã có trận đấu giao hữu với chủ nhà New Zealand. Và trong trận đấu ấy, Kim Thanh tiếp tục có những pha cứu thua đẳng cấp. Dù phải vào lưới nhặt bóng 2 lần, nhưng Kim Thanh vẫn được chấm cao nhất trận (8,6 điểm).

Từng pha cứu thua của Kim Thanh trên hành trình đến World Cup như một lời khẳng định những sai lầm trong quá khứ đã tôi luyện nên một trong những thủ môn xuất sắc nhất, sẵn sàng đương đầu với thử thách khắc nghiệt nhất hành tinh.

---

Tại giải đấu lần này, thầy trò huấn luyện viên Mai Đức Chung nằm ở bảng E cùng với đương kim vô địch Mỹ, đương kim á quân Hà Lan và Bồ Đào Nha. Một bảng đấu được đánh giá là khó khăn với những cô gái. Nhưng đây cũng là cơ hội để tuyển nữ Việt Nam nhìn thấy mình đang ở đâu trên bản đồ bóng đá nữ thế giới.

Khó khăn, thử thách và thậm chí là cả những áp lực trong lần đầu ra "biển lớn" là điều không thể tránh khỏi. Song khoan hãy bàn tới thắng - thua, chỉ cần tạo nên những trận cầu hay tại đấu trường World Cup như trận đấu vừa qua thì có lẽ cũng là những trải nghiệm tuyệt vời nhất cũng là khoảnh khắc huy hoàng nhất trong lịch sử bóng đá nước nhà.

Chia sẻ