Trăn "khủng" chui vào mộ ở Hưng Yên được thả về nghĩa trang
Sau 4 ngày được chăm sóc tại nhà tang lễ, khi các vết thương lành, trăn "khủng" vẫn không ăn gì nên người dân buộc phải đưa trở lại nghĩa trang để thả.
Không ăn gì trong nhiều ngày
Đoạn clip ghi lại hình ảnh một thanh niên đang cố gắng lôi con trăn “khủng” lên khi phần đầu con trăn này đang chui xuống một ngôi mộ xuất hiện trên mạng xã hội vào ngày 26/1 đã thu hút sự chú ý của dư luận.
Theo tìm hiểu sau đó, sự việc trên diễn ra tại thôn Trai Trang, thị trấn Yên Mỹ (tỉnh Hưng Yên) vào ngày 25/1. Khi đó, con trăn đất dài 3,6 m, nặng khoảng 40 kg sau khi được giải cứu đã bị thương nhẹ và được đưa về nhà tang lễ chăm sóc.
Theo ông Nguyễn Trần Sơn, Trưởng thôn Trai Trang thì sau khi được đưa về nhà tang lễ 4 ngày, trăn được người dân chăm sóc chu đáo và canh giữ cẩn thận, đề phòng kẻ xấu từ nơi khác đến bắt trộm.
Rất nhiều các loại thức ăn như chuột, gà, thịt lợn... đã được người dân mang đến tận nơi nhưng con trăn không chịu ăn và nằm gọn vào một góc trong khu vực nhà tang lễ..
Còn một số người dân, do thời tiết những ngày cuối tháng 1, trời rét đậm, rét hại nên sợ trăn gặp lạnh đã mang bạt, chăn, chiếu ra đắp cho nó.
Sau 4 ngày được chăm sóc tại nhà tang lễ, khi các vết thương lành, trăn vẫn không ăn gì nên người dân buộc phải đưa trở lại nghĩa trang để thả.
Thanh niên cố gắng lôi con trăn ra. Ảnh cắt từ clip
Ông Sơn cũng thông tin thêm, cũng thời gian này năm ngoái người dân địa phương đã bắt được con trăn nói trên rồi thả ra.
Người dân thôn Trai Trang ai cũng bảo vệ chú trăn và chú trăn này cũng chưa tấn công ai trong thôn.
Nhiều người dân địa phương cũng cho biết thêm, nghĩa trang này nhiều năm qua không có người hung táng, chỉ có những ngôi mộ cát táng từ lâu, cỏ dại mọc um tùm.
Con trăn xuất hiện ở đây từ nhiều năm trước, sống trong các hốc đất, bụi cỏ và ăn chuột. Tuy nhiên, không hiểu tại sao, con trăn lại chui vào mộ và người dân đã phải phá phần mặt mộ để đưa nó ra ngoài.
Có bao nhiêu con trăn ở đây?
Lãnh đạo Công an huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) cũng cho hay, trên địa bàn thị trấn Yên Mỹ không có người dân nào nuôi, buôn bán động vật hoang dã nên không có chuyện con trăn bị sổng chuồng ra nghĩa trang này.
Lãnh đạo địa phương cũng nêu rõ, về địa lý, Yên Mỹ không có rừng, đồi núi, xung quanh là đồng ruộng và công sở, nhà dân nên không phải là môi trường thuận lợi cho trăn phát triển.
Ảnh con trăn được đưa ra khỏi nghĩa trang do người dân cung cấp.
Về số lượng trăn sinh sống ở nghĩa trang Trai Trang cũ, theo chính quyền địa phương, cho đến nay vẫn chưa xác định được chính xác là bao nhêu.
Bởi đây là khu vực cây bụi rậm rạp, xung quanh là mương quanh năm ngập nước, chuột nhiều nên trăn, rắn có thể phát triển
Một số người dân cũng khẳng định, ở đây có ít nhất một cặp trăn lớn. Con bắt được hôm 25/1 là cái, con khác to hơn, đen sẫm hơn thỉnh thoảng xuất hiện.
Ngày 13/2, người dân chứng kiến con trăn to đen này bò ra phơi nắng trên lối đi trong nghĩa trang. Thấy người, nó lại trườn vào bụi rậm.
Trước đó ngày 30 Tết năm Kỷ Mùi 2015, một con trăn nặng khoảng 27 kg chui vào mộ và bị mắc lại. Một số thanh niên đã giải cứu và chuyển trăn ra ao bèo trong khuôn viên nghĩa trang.
Cách đó khoảng 3 năm, tháng 6/2012 gia đình ông Nguyễn Văn Khang, trú tại xóm Thể, thôn Trai Trang, tát ao cá gần khu vực nghĩa trang mới, cách nghĩa trang Trai Trang cũ khoảng 600 m, phát hiện con trăn lớn gần 30 kg nằm dưới đáy ao.
Ông Khang bắt và bán cho chủ nhà hàng tại xã Tân Lập cùng huyện. Tuy nhiên, sau đó chủ nhà hàng thôi ý định nấu cao trăn mà chở tới nghĩa trang Trai Trang làm lễ phóng sinh.
Lãnh đạo thôn Trai Trang cũng bày tỏ, về lâu dài khi số lượng cá thể tăng, nhu cầu thức ăn lớn trong khi tốc độ đô thị hóa nhanh, phạm vi săn mồi bị thu hẹp, trăn có thể tấn công con người dù trước nay trăn sống khá lành, chưa từng làm hại ai.
Trăn đất tên khoa học là Python molurus, có đầu dài, nhỏ, màu nâu xám. Mặt trên đầu có hoa văn hình mũi mác đi từ cổ, mũi nhọn hướng về phía mõm.
Mặt trên lưng có màu xám nhạt hay vàng nhạt, có một dãy những vết lớn dài, màu nâu đỏ viền đen.
Trăn đất có tên trong sách đỏ, thuộc nhóm 2B - nhóm loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm cần hạn chế khai thác và sử dụng với mục đích thương mại.