Trầm cảm vì… quá xấu

Kim Sen,
Chia sẻ

Bạn có khi nào thấy mình quá khổ sở vì xấu? Rất có thể chỉ vì điều lo lắng đó mà bạn không còn phát triển bình thường được nữa.

Nỗ lực để đẹp lên biến cuộc sống thành tai họa

Cơ sở khoa học từ một nghiên cứu thuộc trường đại học Kent và đại học Buffalo (Mỹ) cho thấy nếu bạn thuộc típ người luôn phải chịu sức ép về việc phải làm sao để trở nên hấp dẫn trước mặt người khác rất dễ bị rối loạn phát triển.

Kết quả nghiên cứu cho thấy phụ nữ là đối tượng chịu tác động của việc này nhiều hơn đàn ông. Kể cả khi người phụ nữ đõ đã rất đẹp rồi nhưng sức ép mà họ tự tạo ra cho mình rằng ngày phải một đẹp hơn vẫn khiến họ khổ sở.

“Có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những người có ngoại hình tốt hơn gặp nhiều thuận lợi về mặt giao tiếp xã hội hơn những người khác nhưng nghiên cứu của chúng tôi còn cho thấy nếu người đó không thỏa mãn với mình mà luôn phải chịu sức ép để đẹp hơn thì sự phát triển của họ sẽ bị hạn chế”, Tiến sĩ Park Munt, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.

Những người này thường cảm thấy cô đơn, cảm thấy bị người khác coi thường và thường dẫn đến rối loạn trong thói quen ăn uống. Phần lớn trong số những người bị sức ép quá lớn này là do tự kỷ ám thị mà ra. Nó đã trở thành một thứ ám ảnh và rồi ức chế sự phát triển hoặc làm rối loạn chiều đi lên của nó.

Cảm giác của người khác lúc này không còn quan trọng nữa mà chính là cảm giác của chính người trong cuộc khiến họ khổ sở.


Hãy nghĩ rằng mình đã cố hết sức để xinh xắn

Điều này không có nghĩa là hãy tự huyễn rằng mình đã xinh đẹp.

Bạn vẫn cứ lo lắng rằng mình không đẹp ư? Điều này hoàn toàn có lý vì xinh đẹp là một lợi thế hiển hiện của rất nhiều người. Mặc dù xấu hay đẹp chẳng liên quan gì đến tính cách tốt hay không tốt nhưng khi mới tiếp xúc, ngoại hình lại là thứ trước tiên đề người ta có thể đánh giá được người khác.

 “Những người không có lợi thế ngoại hình nên hiểu điều này là thực tế xã hội phải chấp nhận để phát huy lợi thế khác của mình”, Th.s Tâm lý Phạm Đức Chuẩn, Trung tâm nghiên cứu Trẻ em và Thanh thiếu niên khuyên.

“Có nhiều bậc phụ huynh tìm đến với tôi và cho biết họ phát bực vì thấy con mình một ngày soi gương đến mấy chục lần, tắm gội liên tục, làm đầu vuốt tóc... Khi tuổi này qua đi các em sẽ tự bình ổn lại, biết chung sống với ngoại hình của mình nhưng cũng có những người sẽ nuôi sự tiếc nuối ấy mãi, khiến cuộc sống trở nên ngột ngạt”, ThS. Chuẩn cho biết

Các nhà khoa học khuyên rằng, bản thân người có ngoại hình kém nên tìm một thế mạnh nào đó để bù trừ đi phần không được nổi trội của mình. Ngoại hình có thể là yếu tố ban đầu chi phối đến suy nghĩ của người khác về bạn nhưng tâm hồn và khả năng mới chính là thứ quyết định bạn là người thế nào trong mắt người khác.

Còn nếu như bạn thấy rằng so với mặt bằng trung bình mình chẳng hơn chẳng kém thì hãy nghĩ rằng mình đã chủ động hết sức để xinh đẹp và cùng với bao nhiêu nỗ lực khác trong học tập và công việc, bạn xứng đáng được mọi người yêu quý mà không cần phải quá chừng xinh đẹp.

Kim Sen

 

Chia sẻ
Đọc tin tức mới nhất, làm TEST TRẦM CẢM nhanh nhất tại aFamily.