Trái Đất sắp đón cảnh tượng thiên văn triệu năm có một
Cảnh tượng triệu năm mới xảy ra một lần khi sao chổi Siding Spring bay sượt qua Sao Hỏa ở khoảng cách gần nhất vào khoảng 1h27 phút sáng 21/10 (giờ VN)
Lúc 1 giờ 27 phút sáng 21/10 (giờ Việt Nam), những người đam mê thiên văn học sẽ được chứng kiến cảnh tượng triệu năm mới xảy ra một lần khi sao chổi Siding Spring (C/2013 A1) bay sượt qua Sao Hỏa ở khoảng cách gần nhất, khoảng 141.600 km - gần bằng một nửa khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trăng.
Sao chổi Siding Spring bay sượt qua Sao Hỏa là hiện tượng thiên văn triệu năm có một. (Nguồn: NASA)
Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ cho biết sao chổi với kích cỡ của một trái núi nhỏ này sẽ bay với vận tốc 56km/giây, sượt qua hành tinh Đỏ ở khoảng cách gần hơn 10 lần so với bất cứ sao chổi nào từng đến gần Trái Đất.
Các nhà khoa học hy vọng khoảng cách này đủ gần để có thể "lộ ra" những manh mối về sự hình thành của hệ Mặt Trời.
Đây là một cơ hội vô giá để các nhà khoa học tìm hiểu về vật chất, bao gồm các hợp chất của cácbon và nước đã tồn tại trong quá trình hình thành hệ Mặt Trời 4,5 triệu năm trước.
Siding Spring có nguồn gốc từ đám mây Oort, một khu vực không gian hình cầu bên ngoài hệ Mặt Trời với khoảng cách từ 50.000 đến 100.000 đơn vị thiên văn, có chứa các vật thể băng giá còn sót lại sau quá trình hình thành hệ này.