Trái cây Trung Quốc vẫn lấn át hàng nội
Khoảng 30% trái cây bày bán tại TP HCM có xuất xứ từ Trung Quốc vì khách hàng vẫn chuộng hình thức đẹp và giá “bèo”.
Trên nhiều tuyến đường ở nội ô TP Cần Thơ và quận Cái Răng, Bình Thủy, nhiều loại trái cây có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan… được bày bán la liệt.
Anh Đỗ Văn Nam, chủ sạp bán trái cây vỉa hè trên đường Cách Mạng Tháng Tám (phường An Thới, quận Bình Thủy), cho biết: “Mỗi ngày, tôi bán được trên 100 kg trái cây các loại. Ở đây, chỉ có sầu riêng là hàng nội, hàng Trung Quốc có táo, lê, quýt; còn măng cụt, me, xoài, bòn bon… có nguồn gốc từ Thái Lan”. Theo anh Nam, sở dĩ anh bán nhiều trái cây ngoại vì so với trái cây nội cùng loại, mức giá trái cây ngoại chỉ bằng, thậm chí thấp hơn nên nhiều người chọn mua.
Không chỉ có mặt ở thành thị, trái cây ngoại, nhất là trái cây Trung Quốc, đã thâm nhập về các chợ nông thôn ở ĐBSCL. Tại chợ Trà Ôn (huyện Trà Ôn - Vĩnh Long), trái cây Trung Quốc như nho, hồng, lựu, táo... cũng được bày bán nhiều. Chị Đỗ Hồng Thắm, một khách hàng, nói: “Trước giờ tôi không dám mua trái cây ngoại vì mắc quá. Nhưng dạo gần đây, ngoài chợ bán nhiều nho giá rẻ nên mua về cho cả nhà ăn”.
Trái cây Trung Quốc được bày bán ở các chợ tại TP Long Xuyên
Tại các chợ lớn ở trung tâm TP Long Xuyên như Mỹ Bình, Mỹ Long, các mặt hàng trái cây ngoại cũng được bán tràn lan. Sau khi phát hiện chúng tôi chụp ảnh gian hàng của mình, một phụ nữ ngồi bên trong tỏ ra không hài lòng nhưng sau đó lại trấn an: “Ở đây bán toàn trái cây nội địa và một ít trái cây Thái thôi. Hàng Trung Quốc thì đâu còn ai dám mua nữa. Chú cứ mua nho Mỹ đi, chỉ có 60.000 đồng/kg”.
Tuy nhiên, khi chúng tôi bước sang dãy hàng trái cây nội địa thì người bán ở đây mách nhỏ: “Chú đừng tin lời mấy người bên đó nói. Họ đã gỡ hết nhãn mác Trung Quốc để lừa người mua để bán được giá cao hơn, chứ toàn là hàng Trung Quốc”.
Cạnh tranh không cân sức
Trong khi bị trái cây ngoại lấn át, một số mặt hàng trái cây nội đang điêu đứng vì vào mùa thu hoạch rộ nên giảm giá thê thảm. Cam sành, ổi, thanh long… được đổ đống bên lề đường ở một số tuyến đường nội ô TP Cần Thơ với giá rẻ: thanh long 10.000 đồng/3 kg, ổi từ 2.000-3.000 đồng/kg, cam sành từ 4.000-8.000 đồng/kg… Điệp khúc “được mùa, mất giá” năm nào cũng xảy ra đối với trái cây miền Tây khi vào mùa thu hoạch rộ và sự lấn át của trái cây ngoại.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch UBND xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè - Tiền Giang, cho rằng xoài cát Hòa Lộc rất nổi tiếng và được ưa chuộng ở thị trường nước ngoài nhưng có lúc cũng rớt giá. Do khi vào mùa thu hoạch, xoài cát Hòa Lộc “đụng” với xoài Đài Loan và nhiều loại xoài của Campuchia, Thái Lan, nguồn cung trên thị trường dồi dào nên chuyện xoài cát Hòa Lộc rớt giá là điều dễ hiểu.
Bà Trần Thị Thu Thanh Thủy, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Chi cục Quản lý thị trường An Giang, cho biết không dễ xác định trái cây hay rau củ của Trung Quốc xử lý bằng những hóa chất gì, bởi chưa có chất chuẩn để phân tích. Do đó, các ngành chuyên môn ở tỉnh chỉ có thể kiểm tra nhanh một số chất phổ biến. Còn nếu muốn lấy mẫu kiểm nghiệm phải gửi về cơ quan chuyên môn ở TPHCM. Đã vậy, nếu mẫu kiểm nghiệm cho kết quả an toàn thì cơ quan chức năng có thể bị kiện bồi thường thiệt hại do hàng hóa bị tạm giữ.
Ông Phan Lợi, Chi cục phó Chi cục QLTT An Giang, cho biết mới đây, chi cục bắt giữ một lô hàng hơn 1,2 tấn gồm nho, lựu Trung Quốc do chủ hàng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Thông thường hàng trái cây Trung Quốc nhập khẩu nếu ngành hải quan kiểm tra lô hàng nào có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép thì cho tái xuất. Còn riêng đối với mặt hàng trái cây được cho là hàng Trung Quốc, nếu có đủ giấy tờ thì cũng không xử lý gì được.