TPHCM quản lý hoạt động quảng cáo của nghệ sĩ ra sao?
Chiều 19/9, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế xã hội, ông Trần Thanh Vương, Trưởng phòng xây dựng nếp sống gia đình Sở Văn hóa Thể thao TPHCM đã trả lời Tiền Phong về công tác quản lý hoạt động quảng cáo của giới nghệ sĩ và người nổi tiếng.
Theo ông Trần Thanh Vương, để đảm bảo thống nhất việc quản lý nhà nước về nội dung quảng cáo, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và người tiếp nhận nội dung quảng cáo, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Dự án luật đã đưa ra quy định về trách nhiệm của người nổi tiếng , người có tầm ảnh hưởng.
Theo đó, những người quảng cáo phải có trách nhiệm thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình đang thực hiện hoạt động quảng cáo. Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung... trên mạng xã hội phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm. Nội dung này đã nhận được sự đồng tình của xã hội.
"Sở Văn hóa Thể thao TPHCM có cùng quan điểm về việc bổ sung quy định mới", ông Vương cho hay.
Về việc rà soát hoạt động quảng cáo của người nổi tiếng trên địa bàn, đại diện Sở Văn hóa Thể thao TPHCM nhìn nhận hiện nay hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng ngày càng phổ biến, mọi công dân đều có thể thực hiện việc quảng cáo sản phẩm, không chỉ riêng đối với người nổi tiếng.
Trong phạm vi chức năng nhiệm vụ được phân công, Sở Văn hóa Thể thao chỉ quản lý đối với các nghệ sĩ là công chức, viên chức trực thuộc các đơn vị do sở cấp phép biểu diễn nghệ thuật trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Sở không có quyền hạn, trách nhiệm về quản lý con người, hoạt động thường ngày, công việc của nghệ sĩ nói riêng và người nổi tiếng nói chung. Hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng do Sở Thông tin và Truyền thông quản lý.
Đối với việc quản lý hoạt động quảng cáo của người nổi tiếng, Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai công tác kiểm tra, xử lý quảng cáo đối với người nổi tiếng (KOLs) tham gia quảng cáo các sản phẩm kém chất lượng, chưa được kiểm duyệt hoặc cấp phép theo quy định, ngăn chặn kênh, tài khoản mạng xã hội, trang thông tin điện tử vi phạm. Theo quy định, ngành Thông tin và Truyền thông xây dựng cơ sở dữ liệu và phân nhóm theo mảng nội dung để thực hiện các chính sách truyền thông chủ động cho ngành, lĩnh vực thông qua người sáng tạo nội dung (KOLs) của thành phố, triển khai các quy định, chiến lược và giải pháp của thành phố để các nhà sáng tạo nội dung (KOLs), công ty truyền thông, mạng lưới quản lý đa kênh (MCN), người nổi tiếng (KOC) chấp hành và cam kết phối hợp thực hiện.
Trong khi đó, Sở Văn hóa Thể thao quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời. Các doanh nghiệp quảng cáo khi thực hiện thông báo sản phẩm quảng cáo ngoài trời phải tuân thủ các quy định đảm bảo về nội dung quảng cáo chính xác, rõ ràng, cung cấp đầy đủ thành phần hồ sơ chứng minh sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, dịch vụ quảng cáo , đảm bảo các điều kiện quảng cáo đối với các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt theo quy định của Luật Quảng cáo.