TPHCM làm gì để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho 14 triệu dân?
Ngành cấp nước TPHCM cho biết thành phố đã chuẩn bị kế hoạch đảm bảo nhu cầu tiêu thụ nước sạch cho khoảng 14 triệu dân. Trong đó, từ nay đến năm 2025, TPHCM sẽ nâng công suất các nhà máy lên khoảng 2,9 triệu m3/ ngày đêm.
Sáng 7/4, HĐND TPHCM phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Đài Truyền hình TPHCM tổ chức chương trình Dân hỏi – Chính quyền trả lời với chủ đề “ Quản lý hoạt động cấp, thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt”.
Tại chương trình, trả lời ý kiến cử tri xoay quanh vấn đề đảm bảo cung cấp nước an toàn, cấp đủ nước sạch cho người dân thành phố trong tương lai, ông Đặng Phú Thành - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, về pháp lý, thành phố hiện có 3 đồ án quy hoạch gồm: quy hoạch chung TPHCM, quy hoạch tổng thể thoát nước thành phố, quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải các khu dân cư và khu công nghiệp lưu vực sông Đồng Nai.
Theo đó, các đồ án quy hoạch đều định hướng các khối lượng công việc sẽ triển khai thực hiện theo từng giai đoạn 2020 – 2025, 2025 – 2030. Hiện nay, tất cả các dự án đều tính toán phù hợp theo định hướng của các quy hoạch đã được phê duyệt và các tiêu chuẩn hiện hành.
Ông Thành cho biết thêm, ngoài 3 đồ án quy hoạch này, hiện thành phố còn căn cứ các đồ án quy hoạch phân khu 1/2.000 cũng như quy hoạch chi tiết 1/500 để khi lập dự án, thiết kế việc đấu nối hệ thống thoát nước nói riêng và hạ tầng kỹ thuật nói chung thì sẽ tính toán, thiết kế phù hợp nhằm đảm bảo tính đồng bộ trong quá trình đầu tư.
Nguồn nước thô TPHCM bị ô nhiễm
Liên quan đến công tác cấp nước, đáp ứng nhu cầu người dân, ông Nguyễn Thanh Sử – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) thông tin, hiện nguồn nước thô của thành phố được khai thác trực tiếp từ sông Sài Gòn và sông Đồng Nai.
Thời gian qua, nguồn nước thô này bị ô nhiễm, nhiễm mặn. Trước tình hình này, SAWACO đã chủ động đề xuất với thành phố các giải pháp ứng phó.
Theo đó, đơn vị thường xuyên giám sát chất lượng nước thô ở những chỉ tiêu gây ô nhiễm nguồn nước (độ mặn, chất hữu cơ, amoniac) để có cảnh báo kịp thời. Tại các nhà máy cũng có bộ phận giám sát liên tục trong phòng thí nghiệm, giám sát khâu xử lý nước để theo dõi và xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra.
Ngoài ra, SAWACO tăng cường phối hợp với hai đơn vị đang vận hành và quản lý hồ thủy điện Trị An và hồ thủy lợi Dầu Tiếng để khi xảy ra sự cố thì có quy trình xử lý, ứng phó kịp thời. Cụ thể, khi có nhiễm mặn, các hồ sẽ xả nước để đẩy nguồn nước nhiễm mặn.
“SAWACO cũng xây dựng các kịch bản để ứng phó kịp thời, đồng thời tổ chức diễn tập để xử lý các sự cố. Về căn cơ, lâu dài, SAWACO đã trình UBND TPHCM, Sở Xây dựng dự kiến lấy các điểm chứa nước ở đầu nguồn sông Sài Gòn, sông Đồng Nai cũng như xây dựng các hồ trữ nước ở các khu vực này”, ông Sử nói thêm.
Cũng theo ông Sử, tổng công suất thiết kế các nhà máy của SAWACO là 2,4 triệu m3/ ngày đêm và công suất phát nước thực tế mỗi năm là 1,9 - 2 triệu m3/ngày đêm. Theo đó, hiện nay ngành cấp nước đã đảm bảo cung cấp nước sạch cho khoảng 10 triệu dân.
Tuy nhiên, trong tương lai, với tốc độ phát triển và dự kiến tốc độ phát triển dân số cơ học 14 triệu người, SAWACO đã chủ động xây dựng đề án để trình UBND thành phố về phát triển hệ thống giai đoạn 2020 – 2050.
Trong đó, từ nay đến năm 2025, TPHCM sẽ nâng công suất các nhà máy lên khoảng 2,9 triệu m3/ngày đêm; đến năm 2030 nâng lên 3,6 triệu m3/ngày đêm và đến năm 2050 sẽ đạt 6,1 triệu m3/ngày đêm.
Trước thắc mắc của người dân về việc thu tiền dịch vụ thoát nước, xử lý nước thải được thực hiện như thế nào và việc quản lý sử dụng nguồn thu trên ra sao, ông Đỗ Tấn Long – Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM cho biết, hiện TPHCM thực hiện theo Quyết định 17 của UBND thành phố.
Theo đó, đối với các hộ sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, SAWACO sẽ thu tiền dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải thông qua hóa đơn thu tiền nước. Các hộ dân không sử dụng từ hệ thống cấp nước tập trung thì Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức xây dựng phương án thu tiền phí dịch vụ.
Trả lời ý kiến cử tri về việc bảo đảm an toàn, sức khỏe cho công nhân xử lý các vấn đề cống thoát nước, ông Lý Thọ Đắc – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM cho biết khi thực hiện công tác duy tu, nạo vét hệ thống thoát nước, công ty nhận diện trong lòng cống có rất nhiều nguồn chất thải, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho công nhân.
Do đó, công ty đã thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa các rủi ro. Trong đó, đơn vị đã tiến hành thực hiện đào tạo hằng năm đối với công nhân trực tiếp, công nhân kỹ thuật và cả lãnh đạo công ty.
Đồng thời, công ty có kế hoạch đào tạo nội bộ rất nhiều quy trình khác nhau để công nhân nắm chắc, hiểu rõ và xử lý những tình huống khẩn cấp xảy ra; đào tạo sơ cấp cứu khi có sự cố xảy ra; đầu tư nhiều trang thiết bị bảo hộ, các dụng cụ chuyên dụng cần thiết cho người lao động.
Bên cạnh đó, trong quá trình duy tu, nạo vét cống, trước khi công nhân đi vào cống sẽ thực hiện đo khí độc, quạt thổi để không khí bên dưới tươi hơn và an toàn.
“Công ty cũng đầu tư các rô-bốt đi vào lòng cống để xác định các khuyết tật nằm trong lòng cống để đưa ra quyết định sửa chữa hoặc phòng ngừa cũng như lên phương án đầu tư, cải tạo hệ thống thoát nước”, ông Đắc thông tin.