TPHCM: Hàng chục nghìn người bị súc vật cắn, cảnh báo nguy cơ mắc bệnh dại
Ngày 22/3, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, gần 3 tháng đầu năm, toàn thành phố ghi nhận hàng chục nghìn người bị súc vật cắn phải tiêm ngừa để phòng bệnh dại. Ngành y tế cảnh báo, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nếu phát dại tỷ lệ tử vong là 100%.
Đang đi bộ trên đường, bà K.L.H. (63 tuổi, ngụ tại Quận 8, TPHCM) bị chó thả rông lao tới cắn vào bắp chân. Lo ngại bị nhiễm bệnh dại , bà H. đã đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM thăm khám và chích ngừa. Đây chỉ là một trong số hàng loạt nạn nhân bị súc vật tấn công, nguy cơ nhiễm bệnh dại.
BS.CKII Danh Thơm, Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết, chỉ trong trong 2 tháng đầu năm 2024, bệnh viện đã tiếp nhận, điều trị trường hợp phát bệnh dại được các tỉnh chuyển đến. Tuy nhiên, cả 7 bệnh nhân đều tử vong do bệnh dại. Bên cạnh đó, bệnh viện đã tiếp nhận khám và tiêm ngừa bệnh dại cho gần 5.300 lượt bệnh nhân bị súc vật cắn. Số bệnh nhân tiêm ngừa dại tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới tăng hơn 1.000 lượt so với cùng kỳ năm trước.
BS Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, qua số liệu thống kê sơ bộ ghi nhận từ đầu năm 2024 đến nay trung bình mỗi tháng thành phố có khoảng 9.500 người đi tiêm ngừa dại do bị động vật cắn, trong đó 80% là do chó cắn và 20% do mèo cắn.
Trước tình hình nhiều địa phương đang xuất hiện các ổ dịch bệnh dại trên đàn chó, khiến nhiều người nhiễm bệnh, tử vong BS Hồng Nga khuyến cáo những hộ gia đình nuôi chó mèo cần thực hiện nghiêm việc khai báo với chính quyền địa phương, tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định của cơ quan thú y.
Trong quá trình nuôi, chó mèo cần phải được nhốt, xích hoặc giữ trong khuôn viên gia đình, không thả rông nhất là ở các khu đô thị, nơi đông dân cư. Khi cho chó ra đường phải có dây xích, rọ mõm đề phòng cắn người và gây tai nạn giao thông. Các hộ gia đình nuôi chó mèo cần phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, mất vệ sinh ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh.
Trong trường hợp người bị chó, mèo cắn BS Hồng Nga khuyến cáo người dân cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng kịp thời; không sử dụng thuốc đông y (thuốc nam, thuốc bắc) hoặc các thuốc khác không theo quy định của ngành y tế.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, bệnh dại đang lưu hành ở nhiều địa phương. Từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 82 người chết do bệnh dại. Các trường hợp tử vong có tiền sử bị súc vật cắn nhưng không đi tiêm ngừa dẫn tới phát bệnh dại. Ngành y tế cảnh báo, bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người nhiễm bệnh khi đã phát dại thì tỷ lệ tử vong là 100%.