TP. HCM đề xuất hỗ trợ mua nhà cho vợ chồng sinh con thứ hai: Nếu một đứa trẻ được chăm sóc bởi hai bố mẹ và bốn ông bà nội, ngoại thì trong tương lai sẽ phải chăm sóc sáu người lớn
"Những đứa trẻ được chăm sóc rất kỹ lưỡng bởi sáu người lớn dễ thiếu khả năng, kỹ năng chăm sóc lại sáu người cao tuổi trong tương lai", bà Phạm Thị Mỹ Lệ - Phó Chi cục Dân số Kế hoạch hóa TP. HCM phân tích.
Đề xuất này được công bố trong buổi hội thảo “Vấn đề mức sinh thấp tại TP. HCM, thực trạng, nguyên nhân và giải pháp” do Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình TP. HCM tổ chức gần đây.
Một đứa trẻ chăm sóc sáu người lớn?
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chi cục Dân số Kế hoạch hóa TP. HCM Phạm Thị Mỹ Lệ cho biết, đề xuất này nhằm giải quyết thực trạng mức sinh của thành phố đang rất thấp so với mặt bằng chung cả nước.
Tỷ suất sinh của TP. HCM hiện là 1,33 con cho 1 phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ, trong khi mức sinh thay thế của cả nước là 2,1 con. Trong 20 năm qua, tổng tỷ suất sinh của thành phố này liên tục giảm, từ 1,76 xuống chỉ còn 1,33 con. Tỷ lệ sinh của TP. HCM đang ngang với nước Ý, quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất châu Âu và đang trở thành một mối lo dân số cho khu vực này.
Theo Liên Hợp Quốc, tỷ lệ thay thế dân số, tỷ lệ sinh cần thiết để duy trì quy mô dân số của xã hội, là 2,1 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh. Nếu khu vực nào có tỷ lệ sinh dưới con số này sẽ bị già hóa và giảm quy mô dân số theo thời gian.
Ông Lê Văn Thành - nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu văn hóa xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM lo ngại: với mức sinh thấp nghiêm trọng như hiện nay, nếu không có những biện pháp can thiệp, mức sinh sẽ càng giảm xuống rất sâu.
Cụ thể, Chi cục đề nghị thành phố hỗ trợ miễn giảm toàn bộ viện phí trong lần sinh con thứ hai đối với người có hộ khẩu thường trú. Cung cấp các gói ưu tiên hỗ trợ vay, mua hoặc thuê nhà xã hội đối với các cặp vợ chồng đã sinh đủ hai con. Miễn giảm chi phí giáo dục cho trẻ em dưới 10 tuổi và triển khai chương trình sữa học đường.
Chi cục cũng đưa ra một số phương án hỗ trợ như cho nghỉ thai sản 1 năm với người mẹ, nghỉ thai sản 1 tháng cho người cha. Sắp xếp ngày nghỉ, buổi nghỉ chăm trẻ cho các gia đình có con dưới 3 tuổi, nâng số ngày nghỉ phép hưởng lương cho các gia đình có con dưới 5 tuổi.
Đồng thời, có sự hỗ trợ phụ nữ quay trở lại công việc và thị trường lao động sau sinh. Mở rộng các hình thức trông trẻ tại các trường mẫu giáo công từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi. Ưu tiên chi phí trông trẻ và xét tuyển vào trường mẫu giáo công đối với các gia đình có đủ hai con, mở các hình thức giáo dục sau giờ học với chi phí thấp...
Dựa trên ý tưởng này, Sở Y tế sẽ tham mưu UBND trình HĐND ban hành Nghị quyết về chính sách dân số và phát triển thành phố giai đoạn 2021-2025.
TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Y tế đưa vào dự thảo Luật Dân số nội dung Mỗi cặp vợ chồng được quyền quyết định số con hoặc cho phép sinh con thứ 3 tại các vùng mức sinh thấp; không xem xét kỷ luật, giảm mức đánh giá thi đua hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức sinh con thứ 3 trở lên.
Bà Lệ cho rằng, áp lực của cuộc sống và công việc là nguyên nhân khiến mức sinh liên tục giảm. Xuất hiện tình trạng người dân có xu hướng kết hôn muộn, sinh con muộn, sinh ít con và không muốn sinh con. Việc nuôi dạy, chăm sóc con cái hiện nay cũng đòi hỏi rất nhiều chi phí như ăn uống, học hành, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí...
Trên thực tế, không chỉ có TP. HCM, vùng Đông Nam Bộ nói chung cũng có nhiều vấn đề liên quan đến dân số. Vùng Đông Nam Bộ là nơi có tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên chưa có vợ/chồng cao nhất (30,2%), theo Báo cáo dân số 2019.
Tốc độ đô thị hóa tăng nhanh và phát triển kinh tế cũng dẫn đến áp lực cho các gia đình trong tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt. Ngoài ra, xu hướng này còn bị tác động bởi điều kiện sống được cải thiện, lối sống theo trào lưu và tâm lý thích hưởng thụ, thích dịch chuyển. Tình trạng phá thai, tỷ lệ vô sinh nguyên phát, thứ phát có xu hướng gia tăng.
Bà Lệ lấy dẫn chứng, nếu hiện mỗi gia đình nếu chỉ sinh một con với công thức 4-2-1, tức một đứa trẻ được chăm sóc bởi hai bố mẹ và bốn ông bà nội, ngoại, thì trong tương lai, thành phố sẽ phải đối mặt với thảm họa theo công thức ngược lại 1-2-4, tức một đứa trẻ sẽ phải cùng lúc chăm sóc hai bố mẹ và bốn ông bà nội, ngoại.
Bà Lệ phân tích, những đứa trẻ được chăm sóc rất kỹ lưỡng bởi sáu người lớn dễ thiếu khả năng, kỹ năng chăm sóc lại sáu người cao tuổi trong tương lai. Mức sinh thấp khiến già hóa dân số diễn ra nhanh, tạo áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi, sự suy giảm về nguồn nhân lực đặc biệt là lao động trẻ, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội.