TP.HCM có gần 400 tên đường cần đổi
Tại hội thảo “Xây dựng WebGIS phục vụ quản lý và công bố thông tin, hỗ trợ công tác quy hoạch, đặt đổi tên đường, công trình công cộng tại TP.HCM” do Trung tâm nghiên cứu đô thị và phát triển và Trung tâm ứng dụng hệ thống thông tin địa lý TP.HCM tổ chức sáng nay (14/2), các chuyên gia cho biết hiện TP có gần 400 tên đường cần đổi.
Theo đó trong gần 400 tên đường cần đổi thì có 311 đường trùng tên với 132 tên đường, như đường Lê Lai (Quận 1, Gò Vấp, Tân Bình, Hóc Môn), Lê Lợi (Quận 1, Gò Vấp, Thủ Đức), Cô Bắc, Cô Giang (Quận 1, Phú Nhuận), Phan Văn Trị (Gò Vấp, Bình Thạnh, Quận 5)…; 38 tên đường không chính xác làm người dân không biết đúng tên các nhân vật lịch sử hoặc địa danh, như Kha Vạn Cân (tên đúng là Kha Vạng Cân), Tôn Đản (tên đúng là Tông Đản), Trương Quốc Dung (tên đúng là Trương Quốc Dụng)….
Trong số này còn có 21 tên đường không có ý nghĩa về lịch sử văn hoá bởi ban đầu chưa có tên nên người dân tự đặt cho tiện liên lạc, trao đổi thông tin và dần dần thành quen. Ví dụ như đường Bùi Hữu Diện Lô 1, Hoàng Diệu 2… và các trường hợp tên đường còn chưa thống nhất ý kiến như Cao Đạt, Khải Định, đường Ấp Chiến lược…
Theo Tiến sĩ Trương Hoàng Trương, Trưởng Khoa Đô thị học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, hệ thống tên đường tại TP là mạng lưới đồ sộ, chằng chịt khắp vùng đô thị, cả vùng phụ cận đang đô thị hoá, kéo theo đó là hệ thống tên đường rất phức tạp với khoảng 3.600 đường có tên, nhiều đường chưa có tên và nhiều đường sẽ xuất hiện do sự phát triển đô thị.
Tại khu vực trung tâm TP, tên đường tuy ổn định nhưng còn tình trạng sai tên, trùng tên đường. Do tên đường thay đổi sẽ dẫn đến xáo trộn lớn cho cuộc sống người dân trong việc xác nhận, chuyển nhượng… nên việc đổi tên đường là cần thiết nhưng nên hạn chế tối đa. Trước mắt ưu tiên đổi tên 38 tên đường không chính xác, làm người dân không biết đúng tên các nhân vật lịch sử hoặc địa danh.
TS Trương Hoàng Trương nói: "Các cơ quan nhà nước cũng như ở địa phương có liên quan đến tên đường cần đặt, đổi phối hợp nhau để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Ví dụ như có cập nhật chung trên tất cả các giấy tờ của hộ gia đình, cá nhân hộ gia đình…, tên đường sai thì điều chỉnh lại và có tờ giấy quyết định đó, để khi người dân cần giao dịch hành chính thì chứng minh được. Việc này được cập nhật trên hệ thống quản lý thì khi đó chúng ta sẽ xác định được. Thật ra không ai cố tình làm sai, người dân luôn luôn muốn có một sự chính xác".
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia đề xuất mỗi tên đường có một mã QR để quét vào là có thông tin. Một vấn đề nữa là các dự án, khu đô thị mới thường tự đặt tên đường nhưng về lâu về dài là thách thức với TP, nên cơ quan chức năng cần đặt tên đường từ sớm.
Ngoài ra, các đại biểu đề nghị có thể mở rộng kho dữ liệu tên đường bằng việc bổ sung thêm tên không chỉ có các nhân vật lịch sử có công với đất nước mà còn các nhân vật có nhiều đóng góp cho lịch sử phát triển của TP.HCM ở các thời kỳ, hoặc tên các nhà khoa học quốc tế.
Theo các đại biểu, công nghệ hiện đang thay đổi từng ngày nên việc xây dựng hệ thống thông tin địa lý (WebGIS) cần cập nhật liên tục để đóng góp cho quá trình quy hoạch và quản lý đô thị hiện đại./.