TP.HCM: Cẩn thận với dịch lợn tai xanh

Tổng hợp,
Chia sẻ

Nguy cơ trên đe dọa đến các hộ gia đình chăn nuôi lợn ở các quận, huyện giáp ranh như Củ Chi, Bình Tân, Bình Chánh và Hóc Môn, Thủ Đức, quận 2, 9, 12 là rất cao.

Trước tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm ở các tỉnh giáp ranh với TP.HCM đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt sự quay trở lại của dịch lợn tai xanh ở các tỉnh Tây Ninh, Long An, Tiền Giang.

Để chủ động đối phó và phòng chống dịch, TP.HCM đang ráo riết đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát tình hình chăn nuôi, buôn bán, giết mổ và vận chuyển… không để lợn tai xanh “lọt lưới”.

Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM cho biết, hiện nay bệnh lợn tai xanh (PRRS) đã xuất hiện và lây lan ở các tỉnh Tây Ninh, Long An, Tiền Giang. Trong đó Long An là điểm nóng về dịch lợn tai xanh với gần 3.300 con bị bệnh tại 120 hộ chăn nuôi khiến cho đàn lợn tại TP.HCM có nguy cơ bị mắc bệnh và lây lan rất cao.

Trong khi đó, TP.HCM là đầu mối tiêu thụ lớn một lượng thực phẩm các loại thịt gia súc, gia cầm được nhập về từ các tỉnh. Một phần lớn trong số đó được nhập về từ các tỉnh miền Tây, nơi đang xuất hiện các ổ dịch lợn tai xanh.

Do đó nguy cơ “lọt lưới” lợn tai xanh từ các vùng có dịch về tiêu thụ tại thành phố là khó tránh khỏi. Nguy cơ trên đe dọa đến các hộ gia đình chăn nuôi lợn ở các quận, huyện giáp ranh như Củ Chi, Bình Tân, Bình Chánh và Hóc Môn, Thủ Đức, quận 2, 9, 12 là rất cao.


Bởi đơn cử chỉ 3 quận, huyện như Bình Tân, Bình Chánh và Hóc Môn là nơi tập trung nuôi lợn với mật độ cao: 513 hộ nuôi lợn với 39.000 con. Thực tế vừa qua, TP.HCM cũng đã bắt quả tang một xe vận chuyển 7 con lợn sống, 25 kg thịt có mang virus tai xanh đưa vào TP.HCM tiêu thụ.

Theo Bộ NN&PTNT cảnh báo, tình hình dịch bệnh nguy hiểm ở động vật những tháng cuối năm 2011 sẽ tiếp tục phát sinh và lây lan rất cao. Nguyên nhân chủ yếu là do virus gia cầm đã biến đổi và chưa có vắc xin phòng bệnh thích hợp; virus lở mồm long móng và lợn tai xanh vẫn lưu hành rộng rãi trong đàn gia súc khỏi bệnh lâm sàng.

Cộng với việc nhập khẩu gia súc, gia cầm qua các tuyến biên giới diễn ra khá phức tạp, việc chăn nuôi tái đàn phục vụ nhu cầu thực phẩm trong dịp Tết bắt đầu tăng, thời tiết lạnh cuối năm thuận lợi cho các loại mầm bệnh tồn tại và lây lan.

Do đó, Sở NN&PTNT TP.HCM cũng đã có công văn chỉ đạo sát sao việc ngăn ngừa và phòng chống dịch bệnh đến các quận, huyện và Chi cục Thú y, các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Phước Trung, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM cho biết: để chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc và gia cầm, hiện TP.HCM đang đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền đến người dân, đặc biệt là các hộ chăn nuôi, trong đó tích cực vận động người dân thực hiện “5 không” theo quy định của Bộ NN&PTNT.

Cụ thể là không giấu dịch, không mua lợn bệnh và sản phẩm của lợn mắc bệnh, không bán chạy lợn mắc bệnh, không tự vận chuyển lợn bệnh ra khỏi vùng dịch, không vứt xác lợn nghi mắc bệnh bừa bãi.

Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về tiêm phòng, khai báo kiểm dịch, tiêu độc, sát trùng chuồng trại sau xuất chuồng, cảnh báo người chăn nuôi tại khu vực giáp ranh với các tỉnh, báo ngay với chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn khi phát hiện tình trạng xác gia súc trên sông, hồ ao, rạch để có biện pháp xử lý kịp thời.


Dịch bệnh tai xanh có thể lây qua cho người.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt các hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ và kinh doanh gia súc trên địa bàn.

Ngoài ra, tăng cường phối hợp với các đoàn liên ngành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm để phát hiện và xử lý các trường hợp kinh doanh tiêu thụ sản phẩm gia súc không có nguồn gốc, xuất xứ tại các cửa hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể… Đồng thời, phối hợp với Ban quản lý các chợ trên địa bàn thành phố kiểm tra, phát hiện và xử lý tịch thu tiêu hủy đối với những trường hợp kinh doanh sản phẩm gia súc kém chất lượng, không có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y.

Dịch lợn tai xanh đang lan rộng

Theo Cục Thú y ngày 3.10, hiện cả nước có tỉnh 5 là Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Sóc Trăng và Quảng Nam có ổ dịch lợn tai xanh chưa qua 21 ngày.

Tại Quảng Nam, đến 3.10 đã có 372 con heo của 25 hộ ở xã Điện Ngọc (huyện Điện Bàn) mắc dịch, trong đó 200 con đã được tiêu hủy.

Ngày 3.10, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công điện yêu cầu các cơ quan chức năng bao vây, dập tắt dịch... Còn tại Sóc Trăng, từ 14 - 25.9, dịch xảy ra tại Trung tâm Giống vật nuôi Sóc Trăng, tại xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành. Số lợn chết và tiêu hủy là 146 con.

Từ ngày 24 - 29.9, dịch phát sinh thêm tại 9 xã thuộc các huyện Tân Châu, Gò Dầu và Tân Biên (Tây Ninh)... Đến nay, dịch đã xảy ra tại 141 hộ gia đình thuộc 13 xã, thị trấn của tỉnh, với tổng số lợn mắc bệnh là 1.351 con.
Chia sẻ