TPHCM cấm đặt tên, thu thêm, gây áp lực với học sinh
Lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu các trường không được đặt tên thêm, thu thêm các khoản thu bất hợp lý. Đồng thời, không đưa thêm chương trình vào để vượt ngưỡng, gây áp lực với học sinh.
Không có khái niệm quỹ cha mẹ học sinh
Ngày 10/10, ngành giáo dục TPHCM có cuộc họp với hiệu trưởng các trường THPT công lập trên địa bàn. Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính, Sở GD&ĐT cho hay, Sở đã có hướng dẫn mức thu học phí và các chế độ miễn giảm học tập cho học sinh. Tuy nhiên, trong thời gian qua, có một vài đơn vị chưa thực hiện nghiêm, tạo dư luận không tốt. Phòng Kế hoạch-Tài chính đã tham mưu Giám đốc Sở ra văn bản chấn chỉnh các khoản thu, tài trợ không đúng quy định.
Theo ông Huy, nội dung thu phải thực hiện theo Nghị quyết 04 HĐND TPHCM quy định về các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn. Các trường phải bảo thu đúng 26 nội dung của 4 nhóm.
Sở yêu cầu các đơn vị thu đúng, không được đặt tên thêm, thu thêm, phát sinh các khoản thu bất hợp lý. Tất cả 26 khoản đều quy định mức thu tối đa, nhưng không phải khoản nào cũng được thu mức cao nhất. Các trường phải có dự toán và thu đủ, chi đủ, không phát sinh khoản dư, không phát sinh các nguồn thu bất hợp lý.
“Không có khái niệm quỹ cha mẹ học sinh của trường, của lớp. Ban đại diện cha mẹ học sinh thu đúng quy định và chịu trách nhiệm với các khoản thu không đúng. Hiện nay một số giáo viên chủ nhiệm hay đưa ra các khoản thu quỹ lớp, hiệu trưởng phải nắm và có chỉ đạo về vấn đề này”, ông Huy nhấn mạnh.
Vị Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính yêu cầu tất cả các trường phải quản lý việc thanh toán thu chi không dùng tiền mặt và công khai các khoản thu, chi bằng văn bản đến phụ huynh, học sinh. Sắp tới, Sở sẽ thành lập các đoàn kiểm tra để thanh kiểm tra số đơn vị về các khoản thu chi.
Dạy học buổi 2 vừa sức, không áp lực học sinh
Ông Tống Phước Lộc, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT TPHCM đề cập đến quy định xét duyệt giáo viên đi nước ngoài và yêu cầu hiệu trưởng, giáo viên các trường nghiên cứu kỹ quy định.
“Đi nước ngoài phải có báo cáo, hồ sơ. Với trường hợp giáo viên hướng dẫn đi cùng học sinh tham gia các kỳ thi quốc tế phải nghiên cứu kỹ quy định. Hiệu trưởng cử đoàn đi việc công phải xác định rõ vấn đề này”, ông Lộc nói.
Nêu những khó khăn từ góc độ quản lý, ông Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4), cho hay việc thực hiện chương trình ngoài giờ chính khoá, trong đó ưu tiên thực hiện đề án dạy tin học theo chuẩn quốc tế, dạy học ngoại ngữ, tăng cường thể dục thể thao cần sự đồng thuận của cha mẹ học sinh về các mức thu theo Nghị quyết 04. Tạo được sự đồng thuận đã khó, việc xếp thời khoá biểu còn gian nan hơn.
“Đối với các môn học bắt buộc theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cần 30 tiết mỗi tuần, thêm số tiết buổi 2 thì sẽ lên 38 tiết. Những tiết học ngoài giờ như Sở quy định phải từ 4-6/tiết tuần, nên trường xếp thời khoá biểu qua ngày thứ 7. Nhưng khi triển khai, nhiều phụ huynh không đồng ý mà muốn lồng ghép vào các ngày trong tuần. Như vậy, học sinh phải học 9 tiết/ngày là không đúng quy định”, ông Đảo nói.
Từ khó khăn trên, ông Đảo đề xuất Sở GD&ĐT giao quyền tự chủ, cơ chế mở cho lãnh đạo các trường trong việc thực hiện đề án, lồng ghép các tiết, xếp thời khoá biểu. Dựa vào ý kiến cha mẹ học sinh, nhà trường có thể tổ chức thêm các tiết văn hoá, giúp học sinh ở buổi thứ 2 có nhiều giờ hơn để ôn tập.
Trả lời thắc mắc trên, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT cho biết việc truyền đạt kiến thức cho học sinh dựa trên tinh thần vừa sức, nếu dạy quá tải thì việc tiếp thu sẽ không hiệu quả. “Với khối 12, đừng áp đặt chương trình quá nặng. Các trường nên thiết kế buổi 2 vừa sức, không đưa thêm chương trình vào để vượt ngưỡng, gây áp lực với học sinh”, ông Tân cho hay.