TP.HCM: Bộ trưởng kiểm tra đột xuất, phòng khám Trung Quốc lúng túng lộ sai phạm
Khi Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra phòng khám đa khoa Nguyễn Trãi (Q.1, TP.HCM) thì phát hiện nơi đây đã thay đổi hiện trạng ban đầu. Bước vào một số phòng chuyên môn, Bộ trưởng ngạc nhiên khi bên trong trống trơn, không hề có bóng dáng bác sĩ với lý do...“bị ốm”.
Sáng 27/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có cuộc "vi hành" bất ngờ đến một số phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài tại TP.HCM trong bối cảnh thời gian gần đây, liên tục có những phòng khám mắc nhiều sai phạm bị người dân tố giác.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra một số phòng khám có yếu tố nước ngoài tại TP,HCM trong ngày 27-4.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến có cuộc làm việc đầu tiên tại phòng khám Raffles medical (Q.3)
Sau khi kiểm tra một phòng khám có vốn đầu tư Singapore nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3) và được nơi đây trình bày khó khăn trong vấn đề nguồn nhân lực, Bộ trưởng tiếp tục kiểm tra hoạt động của hai phòng khám Trung Quốc. Và tại phòng khám Nguyễn Trãi (đường Nguyễn Trãi, quận 1, TP.HCM), chỉ sau vài vòng kiểm tra, người đứng đầu ngành Y tế đã phát hiện nơi đây có rất nhiều sai phạm.
Phòng khám đa khoa Nguyễn Trãi, nơi Bộ trưởng Bộ Y tế có cuộc kiểm tra bất ngờ.
Dù quảng cáo là phòng khám đa khoa nhưng khi Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến lướt qua bảng đăng ký khám bệnh thì nhận thấy bệnh nhân đến đây chỉ toàn khám ngoại khoa với những ghi chép không cụ thể. Nghi ngờ bệnh nhân không được chẩn đoán và không có phác đồ điều trị rõ ràng, Bộ trưởng yêu cầu được xem 10 hồ sơ bệnh án của các bệnh nhân đã khám trong ngày hôm qua (26-4) thì đại diện phòng khám trả lời vòng vo rồi hướng dẫn đoàn kiểm tra lên tầng 6.
Theo dõi bảng đăng ký khám bệnh, Bộ trưởng nhận định nơi đây gần như chỉ khám ngoại khoa.
Tại đây trong lúc chờ đợi hồ sơ, Bộ trưởng bước vào phòng chẩn trị y học cổ truyền thì bất ngờ vì... trống hoác. Một lúc sau, vị bác sĩ (BS) phòng khám mới có mặt, tuy nhiên khi Bộ trưởng Tiến hỏi về toa thuốc, người này cũng không cung cấp được với lý do: Chỉ phụ trách phần châm cứu, bấm huyệt, chuyện kê toa chủ yếu do một BS khác người Trung Quốc chịu trách nhiệm?!.
Mất một lúc lâu, BS phòng chẩn đoán y học cổ truyền của phòng khám Nguyễn Trãi mới có mặt tại phòng làm việc.
Nhiều người trong đoàn thanh tra ngạc nhiên khi nhiều phòng không niêm yết bảng giá khám bệnh mà lại niêm yết... giá món ăn.
Bước tiếp vào khoa Sản, đoàn kiểm tra lại thêm lần nữa ngạc nhiên khi BS điều trị lại..."mất tích". Lần này, đại diện phòng khám giải thích lý do mà vị BS vắng mặt là vì "bị ốm".
Tại phòng xét nghiệm của phòng khám được trang bị rất sơ sài, không có máy xét nghiệm cũng như những dụng cụ hiện đại cần thiết. Đại diện phòng khám thừa nhận, ngoài chuyện xét nghiệm sinh hóa thì tất cả các xét nghiệm chuyên sâu hơn đều được chuyển đi nơi khác.
Bộ trưởng Bộ Y tế chất vấn đại diện phòng khám Nguyễn Trãi khi nhận thấy phòng xét nghiệm khá sơ sài.
Bảng giá điều trị nam khoa tại phòng khám Nguyễn Trãi.
Kết thúc cuộc kiểm tra, Bộ trưởng trở lại quầy thủ tục để yêu cầu được xem các hồ sơ bệnh án một lần nữa nhưng kết quả vẫn không khả quan hơn. Tại đây Bộ trưởng xác định tất cả các phòng chuyên môn tại phòng khám đều không có sổ khám bệnh chi tiết. Ngoài ra theo đại diện Sở Y tế, so với lần kiểm tra trước thì đến nay, nơi đây đã có sự xáo trộn vị trí các phòng. Do đó, đoàn kiểm tra đã yêu cầu phòng khám phải trả lại hiện trạng ban đầu.
Một BS Trung Quốc trò chuyện với đoàn kiểm tra.
Sau khi kiểm tra lần nữa tại quầy tiếp nhận hồ sơ, Bộ trưởng xác định phòng khám Nguyễn Trãi không có sổ khám bệnh chi tiết cho bệnh nhân.
Trước đó tại phòng khám MAYO (đường 3/2, quận 10), khi được phóng viên chất vấn về chuyện có bệnh nhân "tố" BS Trung Quốc làm việc tại đây "vẽ bệnh" để trục lợi, BS Nguyễn Công Phúc, Giám đốc chuyên môn của phòng khám không đi vào nội dung cụ thể của vụ việc mà chỉ cho biết đã tạm ngừng công việc của BS này từ vài tháng trước vì có sự mâu thuẫn trong vấn đề ngôn ngữ, giao tiếp gây ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh.
Anh Lý Thái Bình (ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) cho biết, đến phòng khám MAYO vì đọc quảng cáo trên mạng chứ chưa tận mắt kiểm chứng chất lượng.
Phòng khám MAYO chỉ lưu hồ sơ bệnh nhân theo từng quý, tuy nhiên, theo một cán bộ trong đoàn kiểm tra, thời gian lưu hồ sơ tối thiểu của phòng khám tư nhân là 10 năm.
Ông Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP HCM cho biết, trong năm 2016, qua kiểm tra 143 phòng khám đa khoa, thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã phát hiện 24 cơ sở vi phạm hành chính và 4 cơ sở bị tước giấy phép hoạt động, với tổng số tiền là 10 tỷ đồng, trong số này, 16 phòng khám có BS Trung Quốc đã chiếm đến hơn 10% tiền phạt. Điều đó cho thấy tần suất và mức độ vi phạm của những cơ sở này là rất cao.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chất vấn về vấn đề nhân lực của phòng khám MAYO.
"Vấn đề phổ biến của các phòng khám hiện nay là việc không niêm yết giá rõ ràng và chuyện vẽ bệnh, mà đứng về mặt pháp lý, chúng tôi gọi là chẩn đoán sai" - ông Trạng nói.
Trong thời gian sắp tới, thanh tra Sở cùng các phòng y tế quận, huyện sẽ tiếp tục thanh tra, giám sát liên tục các phòng khám tư nhân để kịp thời xử lý, khắc phục các sai phạm nếu có. Ngay trong chiều 27/4, Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ tiếp tục có buổi làm việc với UBND TP.HCM về vấn đề kiểm soát, quản lý các phòng khám có yếu tố nước ngoài.