TP.HCM: Bị gai tôm đâm, cụ bà 80 tuổi suýt mất ngón tay vì hoại tử
Chủ quan vết thương do gai tôm đâm không hề hấn gì, nạn nhân không xử trí ngay. Hậu quả là ngón tay dần sưng phù, nhiễm trùng và hoại tử nặng.
Đó là trường hợp của một cụ bà khoảng 80 tuổi, ngụ TP.HCM. Theo lời của bà cụ, khoảng 2 tuần trước bà bị gai tôm đâm vào tay nhưng nghĩ chỉ xây xát ngoài da nên hoàn toàn không chú ý. Tuy nhiên 3 ngày trước, ngón trỏ ở bàn tay trái của bà đột nhiên sưng tấy và mưng mủ. Khi bà đến phòng khám Mỹ Quốc (TP.HCM) cầu cứu, vùng sưng tấy đã lan dần lên cổ tay, thâm đen và hành nạn nhân bị sốt.
Vết thương do gai đâm khiến ngón tay hoại tử (trái) và vùng da hoại tử được cắt lọc sau đó (phải).
Dựa vào tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Xuân Anh (người trực tiếp điều trị cho bà cụ) chẩn đoán bà bị viêm mô tế bào nhiễm trùng ngón trỏ nặng. Bác sĩ đã tiến hành rạch ra lấy mủ, cắt lọc vùng hoại tử cũng như cho bệnh nhân dùng kháng sinh. Dự kiến sau khi tình trạng ban đầu ổn định, bà cụ sẽ tiếp tục được ghép da.
Từ ca bệnh này, bác sĩ khuyến cáo tôm dùng còn sống hay đã nấu chín thì khi bị gai tôm đâm phải đều có khả năng gây nhiễm trùng vết thương. Nếu không xử trí đúng cách có thể dẫn đến hoại tử nặng.
Gai tôm đã nấu chín vẫn có khả năng gây vết thương nhiễm trùng nếu bị đâm phải.
Do đó bác sĩ khuyên người dân khi bị tai nạn này cần xử lý ngay, bằng cách chà rửa tay dưới vòi nước sạch với xà bông, vừa bóp nhẹ cho máu dơ thoát ra. Sau đó sát trùng vết thương bằng các dung dịch sát trùng như oxy già, povidine... rồi dùng băng keo cá nhân băng vết thương giữ sạch, thay băng trong vòng 5-7 ngày cho đến khi lành vết thương.
Nếu vết thương sau vài ngày có biểu hiện sưng đỏ, đau nên đi khám để được uống kháng sinh, kháng viêm đúng, đủ liều giúp ngăn chặn nhiễm trùng.