TP HCM: Thực hư thông tin nhà trường đuổi hàng loạt học sinh vì nợ học phí?

Đặng Trinh ,
Chia sẻ

Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú (quận 12, TP HCM) khẳng định thông tin về việc nhà trường đuổi học sinh vì chưa đóng học phí là không đúng sự thật.

Phản ánh với phóng viên Báo Người Lao Động, chị A. - mẹ một học sinh Trường THCS Trần Phú - cho biết cuối tuần qua, group phụ huynh của trường đã đăng tải câu chuyện từ một phụ huynh. Người này kêu gọi các phụ huynh giúp đỡ trường hợp một học sinh khó khăn, "bị nhà trường cho nghỉ học vì không có khả năng đóng học phí".

Phụ huynh này kể: "Nhà hàng xóm có 2 anh em, cháu lớn học lớp 6 và cháu nhỏ 5 tuổi (chậm phát triển ngôn ngữ, đi đứng không vững). Cha mẹ các cháu đều làm công nhân nhưng gần đây công việc ở công ty không nhiều nên lương ít lại. Vì vậy, cháu lớn học đã 5 tháng rồi mà vẫn chưa đóng học phí. Nhà trường đã nhắc nhở nhiều lần, rồi cắt bữa trưa của cháu (người mẹ phải làm cơm cho con mang theo). Tuần qua, trường đã cho cháu nghỉ học, khi nào có tiền đóng học phí thì đi học lại...".

Chị A. cho biết vào thứ 5 tuần trước, trường cũng đã đuổi một số học sinh lớp 6 và 7 vì nợ học phí, ngay giữa tiết 1 buổi sáng. Việc đuổi học sinh có nhiều người chứng kiến. Theo chị A., một số giáo viên chủ nhiệm nói với học sinh rằng nếu phụ huynh không đến trường làm việc thì học sinh đó sẽ bị đuổi học luôn...

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, bà Lê Thị Hiếu, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú, bác bỏ những thông tin trên. Bà Hiếu khẳng định việc đuổi học sinh vì chưa đóng học phí là không đúng sự thật. "Nhà trường có camera, có bảo vệ chứng kiến. Nhà trường chưa từng đuổi học sinh nào. Nhà trường có quỹ học bổng và kêu gọi tài trợ giúp đỡ học sinh nếu các em khó khăn"- bà Hiếu cho biết.

Khi phóng viên đặt câu hỏi "có việc mời phụ huynh đến trường vì học sinh nợ học phí hay không?", bà Hiếu cho hay có sự việc này. Theo bà, phụ huynh nào chưa đóng học phí cho con em mình 4-5 tháng, nhà trường mới mời lên gặp mặt, làm việc. Ngoài học phí, nhà trường còn trao đổi các vấn đề khác như kết quả học tập. "Chúng tôi muốn biết lý do, tìm hiểu hoàn cảnh để có những biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ"- bà Hiếu giải thích.

Chia sẻ