TP HCM kiểm tra Bách Hóa Xanh và lấy mẫu giá đỗ ở chợ, siêu thị
Theo Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP HCM, không loại trừ khả năng sự việc tương tự ở Đắk Lắk cũng xảy ra tại thành phố, nơi thị trường lớn hơn nhiều.
Sáng nay 28-12, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP HCM, cho biết sau khi nhận thông tin vụ việc giá đỗ ngâm hóa chất độc hại lọt vào siêu thị Bách Hóa Xanh ở Đắk Lắk, sở đã chỉ đạo kiểm tra hệ thống này tại TP HCM.
Theo bà Lan, không loại trừ khả năng sự việc tương tự cũng sẽ xảy ra ở TP HCM, nơi thị trường lớn hơn nhiều so với Đắk Lắk.
"Cách đây mấy ngày, Sở An toàn thực phẩm TP HCM đã có kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Ất Tỵ . Vì vậy, sở sẽ kết hợp thanh tra, kiểm tra vụ việc mà dư luận quan tâm này" - bà Lan giải thích.
Về nội dung kiểm tra Bách Hóa Xanh, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết sẽ tập trung vào việc tuân thủ các quy trình bảo đảm an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng mà hệ thống này đã cam kết trước đó.
Đối với mặt hàng giá đỗ, các đội quản lý an toàn thực phẩm sẽ lấy mẫu ngẫu nhiên và diện rộng, không chỉ ở Bách Hóa Xanh mà còn tại các kênh phân phối như siêu thị, chợ..., đồng thời công bố kết quả cho người dân được biết.
"Chúng tôi hiểu vụ việc khiến người tiêu dùng lo lắng và có tâm lý sợ hàng hóa ở siêu thị. Tuy nhiên, các kênh phân phối hiện đại vẫn kiểm soát hàng hóa chặt chẽ hơn so với kênh bán lẻ truyền thống - nhất là là hàng rong, vỉa hè" - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP HCM nnhấn mạnh.
Theo bà Lan, nếu phát hiện giá đỗ mất an toàn tại sạp hàng rong thì sẽ không có ai chịu trách nhiệm, không truy xuất được nguồn gốc và dư luận sẽ không quan tâm như vụ việc xảy ra ở siêu thị.
Thời điểm này đang bắt đầu vào cao điểm mua sắm Tết, Sở An toàn thực phẩm TP HCM tập trung vào 3 đầu việc chính. Theo đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra để phát hiện và ngăn chặn thực phẩm không an toàn; phòng chống ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là rượu; tăng cường nâng cao nhận thức của người dân trong việc lựa chọn thực phẩm, không nên chọn thực phẩm có hình thức bên ngoài đẹp bất thường.
Ví dụ, với mặt hàng giá đỗ, khách hàng thường thích loại mập mạp, bóng bẩy, không rễ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các đối tượng sản xuất giá đỗ sử dụng chất cấm.