Tổng kết chi tiêu năm 2022: Mẹ 9x ở Hà Nội tiết kiệm được 30% thu nhập
Sau khi tổng kết lại, Huyền thấy bản thân tiêu nhiều tiền nhất cho vấn đề cá nhân. Trong năm sau, bà mẹ trẻ hi vọng sẽ cải thiện được điều này và nâng khoản tiền tiết kiệm, đầu tư lên nhiều hơn.
2022 là một năm có nhiều biến động khi thu nhập của nhiều gia đình có sự thay đổi, giá cả các mặt hàng tăng nhiều hơn. Điều đó khiến nhiều chị em học và rèn luyện cho bản thân thói quen ghi chép chi tiêu để quản lý thu nhập, tài chính của gia đình tốt hơn.
Còn với gia đình Trần Huyền sinh năm 1990, hiện đang sống tại Hà Nội thì cô đã có thói quen ghi chép chi tiêu từ rất lâu rồi. Cứ đến cuối năm là Huyền sẽ tổng kết thu chi để khi nhìn lại tổng quát một năm, xem khoản thu nhập đã ổn chưa, phần chi tiêu thì khoản nào đang chiếm tỷ trọng quá cao cần cân chỉnh lại.
"Dự định đầu năm nay của mình là đầu tư vào một kênh mới, đồng thời tiếp tục đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên năm nay thị trường kinh tế không tốt, nên coi như phần đầu tư nằm im luôn. Do vậy mà mình đẩy mạnh tăng phần thu nhập chủ động lên bằng cách nhận làm thêm vài dự án nho nhỏ và công việc freelance", Huyền chia sẻ.
Các khoản thu nhập và chi tiêu trong cả năm
Thu nhập
Thu nhập của gia đình Huyền theo tỷ lệ 70/30 lần lượt cho chủ động và thụ động. Điều này cho thấy nếu chịu khó tiết kiệm rồi tìm vài kênh sinh lời thụ động an toàn thì không vất vả mà vẫn tạo ra khoản tương đối tốt.
Chi tiêu
- Ăn ở chiếm 26%
Bao gồm tiền thuê nhà, sinh hoạt phí, ăn uống. Hiện tại hai vợ chồng Huyền vẫn ở nhà thuê, ở ngoại thành nên khoản tiền này cũng không tốn kém.
- Phương tiện đi lại chiếm 1%
Huyền đi xe máy điện, chỉ có xe máy chồng cần đổ xăng nên khoản này tốn rất ít nên nhẹ ví khoản này.
- Chi phí cho con cái chiếm 8%
Bao gồm tiền học phí (chiếm cao nhất vì con của Huyền học lớp song ngữ), học ngoại khóa, mua sắm quần áo, đồ chơi.
Huyền cũng là người rất ít khi sắm quần áo ngẫu hứng cho con, mà mua vào đầu mỗi mùa vài bộ đủ mặc. Đồ chơi cũng chỉ mua vào các dịp đặc biệt, nên tránh được rất nhiều sự lãng phí mà các mẹ hay gặp phải.
- Chi tiêu cho cá nhân chiếm 37%
Đây có lẽ là phần chi tiêu chiếm tỷ trọng khá lớn trong bảng ngân sách của gia đình. Bản thân Huyền sau khi tổng kết lại cũng muốn bản thân phải căn chỉnh lại sao cho hợp lý hơn. Đặc biệt, các mục Huyền hay mua tốn kém là những món đồ giá trị lớn, đi du lịch, làm đẹp.
- Chi tiêu cho bảo hiểm nhân thọ chiếm 18%
Phần này các năm trước chỉ chiếm 15% nhưng năm nay cao hơn vì Huyền không chỉ đóng cho gia đình mình mà còn cho bố mẹ. Cũng nhờ nó mà phần chi tiêu cho cá nhân năm nay Huyền không phát sinh thêm tiền phẫu thuật ở bệnh viện 2 lần, vào tháng 10 và tháng 11.
- Chi tiêu cho công việc chiếm 10%
Đây là phần chi tiêu Huyền sử dụng đi cafe với khách hàng, hay những dịp lễ Tết thì mua quà cho khách, các chi phí phát sinh,.... Công việc chính của Huyền là tư vấn bảo hiểm có thể coi là một hình thức kinh doanh nên cũng cần tính toán lợi nhuận (lương thực nhận) là bao nhiêu, không phải con số hiển thị trên bảng lương. Việc mua gì tặng gì cho khách Huyền cũng cần tính toán cẩn thận để vừa truyền tải được ý nghĩa, vừa duy trì được lâu dài mà chi phí vừa phải.
"Năm nay tổng kết lại, thấy bản thân chỉ tiết kiệm được 30% thu nhập nên cũng hơi hụt hẫng. Sang năm mình mong cải thiện hơn trong phần chi phí chi tiêu của bản thân và mấy khoản đầu tư có triển vọng hơn chút", Huyền chia sẻ thêm.
Trên đây là tổng kết của Trần Huyền. Chị em cũng có thể thử làm theo, tổng kết chi tiêu của gia đình mình trong vòng 1 năm qua để đánh giá xem sao. Nếu thấy chi tiêu phung phí, chưa hợp lý thì cùng khắc phục trong năm tới nhé!
Tuy nhiên nhiều bạn trẻ cũng áp dụng việc ghi chép để quản lý thu chi, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau là bỏ cuộc, bởi 2 lý do chính sau:
- Việc ghi chép tốn nhiều thời gian, mỗi ngày đều phải ghi từng khoản đã chi tiêu nhỏ lẻ, dễ bỏ sót.
- Có ghi chép nhưng thấy việc chi tiêu vẫn phát sinh nhiều, không quản lý được nên bỏ cuộc.
Bí kíp giúp duy trì việc ghi chép suốt nhiều năm
Huyền cũng chia sẻ thêm những bí kíp sau giúp cho chính bản thân Huyền có thể duy trì việc ghi chép suốt nhiều năm qua.
- Đầu tiên mình xác định việc ghi chép cần phải kiên trì, lâu dài nên những tiểu tiết nhỏ lẻ cần bỏ qua, đơn giản hóa mọi thứ nhất có thể.
- Thứ 2 là mục đích ghi chép là quản lý việc thu chi để có hướng điều chỉnh cho năm sau, do vậy việc ghi chép cần phải đi đôi với việc kỷ luật bản thân trong tiết kiệm thì mới đạt được mục đích quản lý thu chi.
Cụ thể cách Huyền áp dụng như sau:
- Các khoản tiền cố định như: Tiền nhà, tiền sinh hoạt phí, tiền điện nước, tiền học của con,... là các khoản đầu tháng có con số cụ thể sẽ chuyển khoản thanh toán và ghi chép con số vào bảng.
- Tiền internet, tiền điện thoại thì đăng kí các gói cước 6 - 12 tháng sẽ không phải trả nhỏ lẻ.
- Tiền ăn, mua sắm đồ dùng trong gia đình, xăng xe… thì quy định luôn mỗi tháng bao nhiêu, chỉ cần rút ra tiền mặt để trong nhà. Khi đi chợ mua sắm thì dùng tiền này.
- Tiền bảo hiểm chia ra mỗi tháng cần đóng bao nhiêu, bỏ vào 1 tài khoản tiết kiệm, tròn 1 năm sẽ đóng.
- Mua sắm quần áo, đồ chơi cho con chủ yếu mua trên các sàn TMĐT, chọn thanh toán bằng thẻ ngân hàng. Bằng cách này nếu thời điểm mua chưa thể ngồi ghi chép vào bảng thì khi có thời gian chỉ cần mở tin nhắn biến động số dư xem lại và ghi vào bảng.
Trên đây là những kinh nghiệm rút ra từ cá nhân Huyền, hi vọng nó hữu ích trong việc giúp các bạn có thêm động lực để ghi chép và quản lý thu chi. Chị em cũng có thể thử làm theo, tổng kết chi tiêu của gia đình mình trong vòng 1 năm qua để đánh giá xem sao. Nếu thấy chi tiêu phung phí, chưa hợp lý thì cùng khắc phục trong năm tới nhé!