Tôi từng mơ ước được ở chung cư vì tiện đủ đường, cho tới khi chiếc bánh sinh nhật chồng "không cánh mà bay"...
Câu chuyện chẳng của riêng ai ở những khu chung cư không có lễ tân, không có khu để đồ khi shipper giao hàng.
Bài viết là câu chuyện được kể bởi: Người đã từng rút kinh nghiệm nhưng vẫn bị mất đồ!
Sống ở chung cư từng là giấc mơ với tôi. Có thang máy, có view cao, có đủ tiện ích, có bảo vệ, có cả group cư dân trên mạng xã hội để bàn từ chuyện nuôi mèo đến chuyện nên treo rèm màu gì. Một thế giới tưởng như văn minh, lịch thiệp và “lên đời" hơn hẳn so với mớ dây điện chằng chịt ở khu phố cũ.
Cho đến khi… đơn hàng đầu tiên biến mất.
Chiếc bánh sinh nhật chồng "bốc hơi" và chuyện phía sau không của riêng chung cư nào
Không lễ tân, không có khu vực để đồ, không ai chịu trách nhiệm ngoài tôi - người đã trót đặt một cái bánh kem sinh nhật lúc 4 giờ chiều.
Bạn có biết cảm giác chạy xuống tầng 1 đầy háo hức, tưởng tượng tới lớp kem mịn màng và chữ “Happy Birthday chồng yêu” được nắn nót cẩn thận... để rồi chỉ thấy một góc tường trống rỗng, và chẳng có một chiếc bánh nào ở đó cả.
Shipper thì gọi bảo: “Em để đúng chỗ đó chị dặn rồi nhé, em còn chụp hình đây này". Mà thật, hình có chụp. Một cái bánh đứng cô đơn trong khoảng thời gian ngắn ngủi của đời nó trước khi biến mất vào tay định mệnh (hoặc cư dân tầng nào đó có tâm hồn ăn uống và phong cách sống tự nhiên).

Trước kia, tôi từng mơ ước được ở chung cư vì tiện đủ đường, cho đến khi chiếc bánh sinh nhật chồng "không cánh mà bay", tôi bắt đầu đối mặt với thực tế. Ở chung cư tiện là có, nhất là với những cặp vợ chồng trẻ như chúng tôi, tuy nhiên cũng có những tình huống oái oăm mà bạn phải làm quen...
Góc “để tạm” trở thành nơi mọi người... "bóc phốt" nhau
Quay trở lại với chuyện ship hàng ở khu nhà tôi. Vì sao lại là góc đó? Vì toà chung cư nơi tôi ở không có lễ tân, không có tủ locker, không có khu nhận đồ chuyên biệt. Shipper đến, gọi điện cho khách, nếu khách chưa kịp xuống thì để “tạm đó chị ơi!”. Ừ thì, tạm đó. Nhưng “đó” là đâu? Là một bệ tường, một bậc thang, một chỗ gần thùng rác nhưng đủ sạch để không ai phản đối, và đủ khuất để người ta tiện… vơ luôn.

Thế sau đó làm gì? Mọi người chẳng biết làm gì ngoài việc lên group cư dân bóc phốt.
"Ai đó lấy hộp sữa chua Hy Lạp của mình để ở gần chỗ hộp bình cứu hỏa thì cho mình xin lại với".
"Cảnh cáo cư dân tầng XX. Có người thấy anh mặc áo trắng cầm túi không phải của mình!".
"Đề nghị ban quản lý cho check camera, không thì tôi phải mở lớp huấn luyện giác quan thứ sáu để lần theo mùi trà sữa".
Group chung cư biến thành chiến trường mini, nơi mọi người hóa thân thành Sherlock Holmes phiên bản cư dân, sẵn sàng trổ tài thám tử. Có người còn ra lệnh cấm không cho shipper để đồ ở sảnh nữa. Có người hùng hổ đòi gọi báo công an, kiện ban quản lý vì “đã thu phí dịch vụ mà không bảo vệ tài sản cư dân”.
Còn ban quản lý? Họ trả lời như thường lệ: “Cư dân phải tự quản lý đồ của mình". Biết làm sao được, người ta nói cũng đâu có sai.
Chúng ta quen với sự nhanh chóng. Giao hàng trong 15 phút, đặt đồ ăn chỉ cần một chạm. Nhưng cái sự “nhanh” ấy dường như chưa kịp đi cùng với cơ sở vật chất hay văn hóa ứng xử ở nơi mình sống.
Và tôi - người vừa mất thêm một lọ toner xịn sò để ở “góc để tạm” - bắt đầu học cách sống chậm lại. Nghĩa là xuống nhận hàng ngay lập tức. Nghĩa là không tin vào hình ảnh shipper gửi. Và nghĩa là… thôi, không đặt đồ nữa, trừ khi bản thân có khả năng teleport xuống tầng 1 trong 7 giây.
Chúng ta ở chung một không gian chung cư, dùng chung một thang máy, cùng nghe tiếng chó sủa tầng 5 và tiếng trẻ khóc tầng 11. Nhưng khi mất món đồ, sự nghi ngờ sẽ thật khó giải thích.
Vì sống chung cư không chỉ là ở gần nhau - mà còn là học cách sống cùng nhau
Có thể một chiếc tủ nhận hàng thông minh, vài chiếc camera bổ sung, hay một ứng dụng nội bộ để cư dân cập nhật đơn hàng cũng đủ để những chiếc bánh, hộp cơm, thỏi son không còn lặng lẽ biến mất giữa sảnh. Nhưng sâu xa hơn, giải pháp bền vững nhất vẫn là văn hóa chung - thứ không ai giao tới tận nơi, nhưng ai cũng có thể góp một phần nhỏ để xây dựng.

Chúng ta có thể bắt đầu từ những điều đơn giản: xuống nhận hàng đúng giờ, không “tiện tay” nếu món đồ đó không phải của mình, và đôi khi gửi một lời nhắc nhẹ nhàng, tử tế trong group chung cư thay vì ngay lập tức tung bằng chứng và thuyết âm mưu.
Anh Minh Đức, cư dân sống tại chung cư ở khu vực Mỹ Đình, Hà Nội, tâm sự: "Chung cư khu mình ở không có chỗ để đồ ship cho cư dân nên hồi trước mọi người cũng hay để tạm đồ trong góc phòng sinh hoạt chung. Cũng không ít vụ mất đồ rồi nên mọi người giờ cũng hạn chế để ở đó. Đồ của ai thì tự nhận trực tiếp chứ để đó thì coi như 'thử vận may'. Mọi người cũng nhắc nhở nhiều trong các group cư dân, quan trọng là ý thức của mỗi người. Đơn hàng của mình thì mình nghĩ chúng ta cần chủ động nhận, chứ đừng để tạm ở đâu đó".
Bởi vì ở một nơi mà người ta có thể tranh luận từ chuyện đặt xe ra sao đến việc nên trồng cây gì ở ban công, thì chắc chắn cũng có thể xây dựng được một cộng đồng đủ tử tế để bảo vệ… một hộp trà sữa.
Vì ở nơi ta chia nhau cùng một mái nhà, dù là bằng bê tông và kính thì một chút ý thức, một chút cảm thông, có thể làm nên điều kỳ diệu hơn bất kỳ đơn hàng nào được giao đến.