Tôi suýt cháy áo do vàng mã cúng ông Táo đốt trên vỉa hè
Chủ shop quần áo đốt vàng mã cúng ông Công ông Táo ngay trên vỉa hè, mảnh tiền giấy bùng cháy bay vọt vào tôi, suýt làm cháy áo, tàn lửa, tro và khói bay tứ tung.
Chiều 22 tháng Chạp, khi chạy xe máy qua một con phố sầm uất ở trung tâm Hà Nội, tôi giật mình lạng tay lái khi một vạt lửa lao vọt vào người. Xe nghiêng, người suýt ngã, còn chiếc áo phao của tôi bị thủng một lỗ ở lớp nylon bọc ngoài, may mà không cháy to hơn. Vạt lửa đó chính là mảnh tiền giấy bay lên từ cái chậu đầy vàng mã mà một phụ nữ đang đốt trên vỉa hè để tiễn ông Táo chầu trời.
Cô ấy không biết hoặc không quan tâm đến chuyện có người suýt bị ngã xe, cháy áo vì hành vi vô ý thức của mình, vẫn chăm chú vào cái chậu. Khi tôi lên tiếng góp ý, cô cũng chẳng nói gì, chỉ cau mày, cầm que cời lửa thêm vài lần rồi bỏ vào shop quần áo cạnh đó.
Đáng buồn là chuyện chủ các cửa hàng hay gia đình sống ở mặt đường đem vàng mã ra vỉa hè, thậm chí xuống cả lòng đường để đốt không hề hiếm gặp ở Hà Nội vào những ngày rằm, mùng một. Đặc biệt, vào những ngày “nhà nhà đốt vàng mã” như Tết ông Công ông Táo, cúng tất niên, cúng thần Tài, rằm tháng Bảy…, các chậu, lò đốt mã càng đỏ lửa nhiều ở các con phố kinh doanh sầm uất.
Những người đó coi vỉa hè, lòng đường như cái sân nhà mình, chẳng hề quan tâm đến chuyện những tờ giấy đang cháy có thể bay lên, gây nguy hiểm cho người đi đường; hay tàn tro, khói bị gió thổi tung tóe khắp nơi, làm bẩn tóc tai, quần áo của mọi người, ô nhiễm không khí, khiến phố xá nhem nhuốc…
Đáng kinh hãi hơn, có những người thản nhiên đốt vàng mã cúng ông Công ông Táo ngay gần trụ điện, hoặc sát cạnh những chiếc xe máy, cực kỳ nguy hiểm!
Kiểu đốt mã vô ý thức này phổ biến nhất ở những con phố chi chít cửa hàng diện tích nhỏ hoặc siêu nhỏ, trong đó chất đầy đồ đạc, hàng hóa, phần nhiều thuộc loại dễ cháy. Sạp hàng lấn ra vỉa hè nên nhiều shop không có cửa kính. Nguy cơ hỏa hoạn do tàn lửa từ lò đốt vàng mã không hề nhỏ.
Người ta đốt mã để cầu tài, cầu phúc, nhưng nếu xảy ra cháy nổ, hoặc ai đó trên đường vì bị tàn lửa bám vào người mà giật mình mất tay lái dẫn đến tai nạn thương vong thì phúc đâu chẳng thấy, chỉ thấy họa.
Đời sống đô thị hiện đại đất chật người đông, mối nguy hỏa hoạn luôn thường trực, môi trường lại đã chịu quá nhiều gánh nặng, nghi lễ cúng bái cũng nên thay đổi cho phù hợp. Chuyện đốt vàng mã nếu chưa bỏ được thì cũng nên giản tiện và được thực hiện theo cách để đảm bảo an toàn cháy nổ và vệ sinh môi trường. Đã là nghi lễ thì chỉ cần làm tượng trưng, đâu phải cứ đốt càng nhiều, món đồ mã càng lớn thì càng được thần linh phù hộ; nếu gây tai nạn thì càng tạo nghiệp dữ.
Không thể không nhắc tới các lực lượng chức năng, người có trách nhiệm ở địa phương, khu phố trong chuyện này. Nếu giám sát nghiêm ngặt, kiểm tra sát sao, nhắc nhở và xử lý kịp thời, kiên quyết thì hành vi gây nguy hiểm cho cộng đồng ấy không được thực hiện một cách ngang nhiên đến vậy.