Tôi nợ bản thân và các con sự bình yên

Thủy Kiều,
Chia sẻ

Tôi sinh được 2 con, một đứa 4 tuổi và một đứa 10 tháng. Tôi có cảm giác như kể từ khi đứa bé được sinh ra, chồng tôi rất khó kiềm chế tính khí của mình với đứa con lớn.

Tôi cũng bực bội khi phải nghe chồng la hét. Có hôm, anh cáu giận đến mức không cho chúng tôi vào nhà vệ sinh để đánh răng. Con tôi còn quá nhỏ nên chưa thể tự làm mọi việc, vì thế con cần sự giúp đỡ của bố mẹ. 

Những lúc mệt mỏi, nghe tiếng mè nheo của con, tôi thực sự khó chịu và cảm thấy phiền phức, nhưng tôi cố gắng giữ quan điểm rằng con chỉ là một đứa bé, đôi khi tình cảm và cảm xúc của con còn lớn hơn cơ thể mà con đang có. 

Con là đứa trẻ hoạt ngôn, nhưng ngay cả như vậy, con vẫn không có khả năng truyền đạt hết những gì con đang cảm thấy. Vì thế, con khiến chồng tôi tức giận trong rất nhiều tình huống. Điều đó khiến tôi lo lắng. 

Hơn cả những lo lắng, tính khí của anh nhiều lúc làm tôi hoảng sợ. So với con, anh là người đàn ông quá to lớn vì thế, những tiếng quát mắng của anh vượt quá sức chịu đựng của con.  

Không muốn con bị tổn thương thêm nữa về tinh thần, tôi đã nhẹ nhàng nói với anh: “Em nghĩ, anh có thể kiềm chế sự cáu giận bằng cách ra ngoài công viên, đi dạo vài vòng cho để thư giãn đầu óc”. Tôi không ngờ, khi nghe điều đó, anh dường như phát điên với ý nghĩ tôi đang ám chỉ anh là một người cha bạo lực. 

“Không, em không nghĩ anh cố ý làm tổn thương con trai của chúng ta. Em cũng không nghĩ anh vô tình làm tổn thương con, nhưng cách anh cư xử và giọng điệu tức giận của anh làm con sợ. Đó cũng là điều làm em lo ngại”. Mặc những lời giải thích của tôi, anh vẫn chứng nào nật nấy, thậm chí anh còn quát mắng mẹ con tôi bằng âm lượng lớn hơn.

Tôi có cảm giác tính nóng của anh được di truyền từ bố. Bố chồng tôi cũng là một người đàn ông to lớn với tính khí bộc phát - không bạo lực với thể xác, nhưng rất hay to tiếng và có những biểu cảm đáng sợ. 

Tôi từng trực tiếp chứng kiến điều này trong một dịp về thăm nhà chồng. Đây không phải là một không khí gia đình mà tôi mong muốn. Tôi thực sự không thích con mình lớn lên với một ông bố tức giận và một bà mẹ chỉ biết xoa dịu. 

Tôi không được lớn lên trong một môi trường lý tưởng. Bố tôi góa bụa và mắc chứng rối loạn lưỡng cực, nhưng ít nhất ông cũng hiền lành và không bao giờ có những tiếng nói giận dữ hay những biểu cảm đáng sợ. 

Càng lo lắng cho các con, tôi càng quyết tâm thay đổi tình hình. Tôi nghĩ, bạo hành nhau về tinh thần cũng tồi tệ như bạo hành thể chất. Tiếng la hét, quát nạt là quá sức chịu đựng đối với một đứa trẻ. Sự tức giận thể hiện trong giọng điệu và cơn thịnh nộ của anh gây tổn thương sâu sắc cho cả tôi và 2 con. 

Tôi hiểu rằng anh chán nản, bất lực vì sự phiền toái của các con. Khi không thể kiên nhẫn với các con, anh bắt đầu nổi cơn thịnh nộ. Cơn thịnh nộ của anh khiến tôi và các con cảm thấy không khác gì một trận động đất. Điều khó khăn với tôi lúc này là anh không chịu tiếp nhận bất cứ lời góp ý nào, cho dù tôi cố gắng phân tích tỉ mỉ và vô cùng hợp lý. 

Không vì thế mà tôi buông xuôi. Sau một thời gian tìm hiểu, tôi phát hiện anh mắc chứng sợ hãi nhiều thứ, và để che giấu điều này, anh tìm cách đổ lỗi cho mọi người. Nhớ đến việc bố chồng hay cáu giận nên tôi cho rằng anh có thể cũng là nạn nhân của sự bạo hành tinh thần từ khi còn nhỏ. Nhưng có lẽ chính anh cũng không biết điều đó. Vì thế, anh từ chối hợp tác mỗi khi tôi muốn nói về chủ đề này. Thậm chí, anh còn phản kháng rất quyết liệt khi tôi muốn giúp đỡ. 

Một người bạn khuyên tôi nên tìm một nhà trị liệu cho riêng mình. Cô ấy giải thích: “Cậu phải gặp bác sĩ trị liệu này thường xuyên nhất có thể để quyết định xem cậu sẽ tiến hành như thế nào trong mối quan hệ này. Nếu chồng cậu muốn hợp tác thì càng tốt, nhưng cậu phải cứng rắn hơn. Một người cha khủng bố con mình, về tình cảm hay thể chất, là điều không thể chấp nhận được. Nó gây tổn hại cho con cái của cậu. 

Cảm giác sợ hãi sâu sắc về cha mẹ khiến đứa trẻ thường xuyên lo lắng và hoảng loạn. Trẻ em bị bạo hành tinh thần có nhiều khả năng gặp các vấn đề về giấc ngủ, ăn uống, trầm cảm, chậm phát triển. Sau này, khi lớn hơn, chúng còn có xu hướng sa đà vào việc lạm dụng chất kích thích, đánh giá thấp bản thân và có ý định tự tử.

Gia đình của cậu có đi theo hướng nào thì cậu cũng đang nợ bản thân và các con sự bình yên. Tớ biết, mặc dù cậu không thể thay đổi người bạn đời của mình, nhưng hãy can thiệp nhiều nhất có thể vì hai đứa con nhỏ của cậu”. 

Chia sẻ