Tội dâm ô trẻ em nguy hiểm cho xã hội, cần xử rất nghiêm nhưng lại khó chứng minh phạm tội
Thời gian qua, nhiều vụ dâm ô trẻ em đã khiến dư luận dậy sóng. Tội dâm ô rất cần phải trừng trị đích đáng. Tuy nhiên, xét về góc độ pháp lý, theo quy định của pháp luật hiện nay thì tội dâm ô không dễ gì làm rõ nếu các bằng chứng quá mơ hồ.
Như chúng tôi đã đưa tin về vụ việc bé gái 3 tuổi hồn nhiên mách chuyện bị ông già hàng xóm 61 tuổi sờ "vùng kín". Nạn nhân là cháu Lê Vân K. (trú tại xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Người bị tố là ông N.Q.H (61 tuổi) hàng xóm của nạn nhân. Cha mẹ bé gái sau khi nghe con kể về người hàng xóm biến thái đã tố cáo hành vi xâm hại của người đàn ông 61 tuổi ở gần nhà. Gia đình ông H. tuy không thừa nhận việc xâm hại mà giải thích "chỉ vô tình đụng vào" nhưng cũng bồi thường cho gia đình bé K. số tiền 5 triệu đồng.
Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Quốc Hòe (Trưởng văn phòng luật sư Interla - Đoàn luật sư TP Hà Nội) để nhìn nhận vụ việc một cách sâu sắc hơn dưới góc độ pháp lý.
Chưa có quy định rõ thế nào là dâm ô trẻ em
Trả lời nhận định của luật sư về hành vi của ông N.Q.H có phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình? Nếu có thì phải chịu trách nhiệm về tội phạm nào? Luật sư Hòe cho rằng, hành vi của ông N.Q.H động chạm vào vùng kín của bé K. có dấu hiệu của tội Dâm ô đối với trẻ em được quy định tại Điều 116 Bộ luật hình sự.
Tuy vậy, Luật sư Hòe lưu ý, hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào định nghĩa rõ thế nào là dâm ô với trẻ em. Nhưng xét theo góc độ pháp lý thì dâm ô đối với trẻ em là hành vi của người đã thành niên dùng mọi thủ đoạn có tính chất dâm dục đối với người dưới 16 tuổi nhằm thỏa mãn dục vọng của mình nhưng không có ý định giao cấu với nạn nhân.
Theo luật sư Hòe, hành vi dâm ô được thể hiện đa dạng như: sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của nạn nhân; dùng bộ phận sinh dục của mình chà xát với bộ phận sinh dục của nạn nhân hoặc bắt nạn nhân sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của mình nhằm thỏa mãn dục vọng, nhưng không có ý định giao cấu với nạn nhân.
Nếu có ý định giao cấu với nạn nhân nhưng không giao cấu được thì không phải là hành vi dâm ô mà tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trẻ em, tội cưỡng dâm trẻ em hoặc tội giao cấu với trẻ em.
Quay trở lại với trường hợp ông N.Q.H, luật sư đưa ra quan điểm, để xác định xem ông H.có phạm tội hay không, cần phải làm rõ về hành vi của ông H. đối với cháu K.
Luật sư Hòe phân tích: “Theo báo chí đưa tin thì bố cháu K. (nạn nhân) có nghe cháu kể lại là ông H. sờ vào chỗ kín con. Theo lời của bé, khi ông N.Q.H. có hành vi này thì có cả vợ ông này đang giặt quần áo gần đó, bé K. cũng mách bà này. Bà Đ. (vợ ông Q.H) dỗ dành lại là "để bà xử lý ông" rồi cháu lại tiếp tục chơi". Như vậy, tại thời điểm sự việc diễn ra không chỉ có ông H. và cháu K. mà còn có cả vợ ông H. là bà Đ.”
Phải làm rõ chi tiết vết “rộp đỏ”
Cũng theo quan điểm của luật sư, để xác định liệu ông Q.H có hành vi “đồi bại” với cháu K. hay không thì cần thu thập thêm thông tin và lời khai từ phía bà Đ., vợ ông này.
“Ngoài ra, theo như những thông tin tôi tiếp cận được từ báo chí thì anh H. sau khi nghe con gái mình là cháu K. phản ánh lại sự việc đã ngay lập tức chở con tới trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện để kiểm tra, kết quả là “vùng kín của cháu K. bị rộp đỏ”. Tuy vậy, cần phải xác định rõ vết rộp đỏ này có từ bao giờ, vị trí nào và nguyên nhân ra sao? Sở dĩ tôi nói như vậy vì không loại trừ nguyên nhân cháu bé do gãi, nấm hoặc chơi đùa bị ngã mà hình thành nên vết rộp này. Nhất thiết phải làm rõ tình tiết này để có thể biết được ông H. có hành vi dâm ô cháu K. hay không chứ không chứ về mặt luật thì không thể chỉ dựa vào lời của cháu K. mà kết tội ông Q.H dâm ô được”.
LS Hòe cũng cho biết, theo quy định hiện nay, lời khai của trẻ (dưới 15 tuổi) chưa thể dùng làm căn cứ buộc tội cưỡng hiếp, hiếp dâm. Theo luật bảo vệ trẻ em, khi lấy lời khai phải có người giám hộ.
Để buộc tội được đối tượng có hành vi dâm ô, hiếp dâm... trong trường hợp này cơ quan điều tra phải thu thập được chứng cứ phù hợp với lời khai của cháu bé như: lấy mẫu tinh trùng, các dấu vết có liên quan đặc biệt là ở vùng kín, lời thú tội của đối tượng, nhân chứng và các chứng cứ khác do cơ quan điều tra thu thập được.
Cũng theo luật sư cũng cho hay, theo luật bảo vệ trẻ em, nếu xảy ra trường hợp như nói trên thì phụ huynh cũng như các cơ quan chức năng phải giữ bí mật đời tư cho trẻ.
Ông N.Q.H thuật lại hành động "lỡ tay" chạm vào cháu K
Sau khi điều tra, làm rõ các tình tiết liên quan và có đủ căn cứ cho thấy ông H. có hành vi “sàm sỡ” đối với cháu K., ông H có thể sẽ phải chịu trách nhiệm về tội “Dâm ô đối với trẻ em” theo quy định tại Điều 116 Bộ luật hình sự và có thể phải chịu hình phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Tuy nhiên trước câu hỏi của PV về nhận xét của luật sư trong vụ việc này, LS Hòe cho rằng, với những lời kể như trên thì chưa thể khẳng định, kết luận được về vụ việc.
Dâm ô là hành vi hết sức nguy hiểm cho xã hội, nhưng khó chứng minh phạm tội
“Nếu có hành vi đó, ông N.Q.H sẽ phải chịu hình phạt thích đáng theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tôi thấy thật sự lo lắng trước những trường hợp như trên, bởi hình như ngày càng nhiều vụ việc tương tự như vậy xảy ra”.
Luật sư Hòe cũng nhấn mạnh: "Gần đây tôi đọc được khá nhiều bài báo về các trường hợp tương tự như vụ việc này, như vụ việc ông lão 76 tuổi bị tố dâm ô với cháu bé 6 tuổi” ở Vũng Tàu". Hay vụ việc một đối tượng ở Đà Nẵng lợi dụng việc các cháu bé thường chơi đùa ở công viên rồi bắt quen, có hành vi dâm ô… Tôi thấy thật sự lo ngại. Bởi, hành vi này không những đi trái với thuần phong mỹ tục của người Việt ta mà còn hết sức nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể của bất cứ cá nhân nào nói chung và trẻ em nói riêng.
Đặc biệt, hành vi này còn gây ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của trẻ - những mầm non tương lai. Tuy nhiên, vẫn còn khó để xử lý những đối tượng này vì các bé sau khi bị xâm hại đều sợ không dám nói ra hoặc vài ngày sau mới dám nói. Trong khi đó, hành vi này lại thường không để lại dấu vết trên thân thể của đứa trẻ nên khó phát hiện, khó thu thập chứng cứ chứng minh phạm tội".
Bà Đ. cho biết, cháu K. có đến kể tội với bà về hành vi của chồng.
Chính vì vậy, biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu tình trạng này là cha mẹ nên dành thời gian để mắt tới con cái nhiều hơn, đồng thời dạy trẻ cách tự vệ, không để người khác động chạm tới những vùng nhạy cảm trên cơ thể và thường xuyên tâm sự với trẻ để trẻ, dặn trẻ có bất cứ chuyện gì đều tâm sự với bố mẹ để không có những sự việc đáng tiếc xảy ra, và nếu có thì cũng có thể xử lý kịp thời.
Cần trang bị kỹ năng sống cho con trẻ
Trao đổi với phóng viên xung quanh việc trang bị kĩ năng cho các bậc phụ huynh để tránh tình trạng lạm dụng tình dục ở trẻ vị thành niên, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất - Giám đốc Công ty tư vấn tâm lý tại Hà Nội, cho rằng: "Trong xã hội hiện tại, đại bộ phận là người tốt nhưng cũng có những người biến thái. Điều đáng nói, những người biến thái ấy chúng ta không biết họ đang xuất hiện chỗ nào. Mỗi gia đình có con nhỏ ở tuổi vị thành niên cần trang bị kĩ năng sống cho con em mình. Phụ huynh phải giúp đỡ con em mình 1 cách “chu đáo” bằng việc nắm được thời gian hoạt động cũng như địa điểm mà con em mình tham gia trong ngày. Khi trẻ ở nhà một mình, phụ huynh phải cảnh báo cho trẻ cách nói “không” với những trường hợp người lạ cho quà hay muốn vào nhà, kể cả đó là người thân vì tôi đã gặp những trường hợp kẻ biến thái chính là người thân của các em. Đồng thời, trang bị cho các em cách thông báo cho cơ quan chức năng, bố mẹ khi có ai đó có những hành động như cho quà, đòi vào nhà, lợi dụng...”.
Tuy nhiên, ông Chất cũng chia sẻ về những trường hợp ông đã gặp khi bố mẹ không biết cách trò chuyện, tâm sự với con, khiến những cảnh báo dành cho con cái lại trở thành đe dọa, làm hoảng loạn tâm lý của con. “Bố mẹ và người thân trong gia đình phải trang bị thật tốt kĩ năng sống cho các cháu để khi gặp bất cứ sự cố gì thì có thể tự xử lý tình huống, tuy nhiên khi trao đổi cần phải hết sức tế nhị và cẩn thận. Bố mẹ cũng cần trau dồi kĩ năng để trao đổi với con, tránh những kiểu dọa dẫm khiến các cháu sợ sệt như chính các cháu đang bị xâm hại tình dục. Đây là cái khó và bố mẹ phải tìm hiểu kĩ càng, nói chuyện tế nhị, thuyết phục. Tôi đã từng gặp 1 số gia đình trang bị kĩ năng sống cho con bằng các câu chuyện xâm hại tình dục khiến các cháu luôn sợ sệt, giờ bảo đi đâu con không dám đi, bảo ở nhà 1 mình nó cũng khóc thét. Bố mẹ tưởng mình trang bị tốt nhưng lại hóa hại các con”, ông Chất nhấn mạnh.
Điều 116. Tội dâm ô đối với trẻ em 1. Người nào đã thành niên mà có hành vi dâm ô đối với trẻ em, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm: a) Phạm tội nhiều lần; b) Đối với nhiều trẻ em; c) Đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh; d) Gây hậu quả nghiêm trọng; đ) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. |