Tôi đã hiểu vì sao những người đàn ông xung quanh tôi là "những con lợn"

T.M.A,
Chia sẻ

Vì xung quanh tôi toàn những người đàn ông như thế. Nên tôi mạnh dạn đưa ra đề nghị với các chị em: những "câu lạc bộ nuôi lợn" cần phải đóng lại. Các chị em có đồng ý với tôi không?

Mấy hôm nay, đọc bài “Đàn ông về nhà chỉ ăn - tắm - ngủ thì khác gì con lợn" của Trang Hạ và những tâm thư đầy tâm huyết của nhiều bạn đọc tranh luận cho điều này khiến tôi cứ phải đọc đi đọc lại và suy nghĩ mãi. Hôm nay, dù khá chậm trễ khi nêu lên ý kiến của mình, song tôi cũng xin góp thêm một ý kiến.

Tôi năm nay 32 tuổi và đã có chồng, có con nhỏ 4 tuổi. Hiện tôi cũng đang sống khá hạnh phúc trong hôn nhân với một người chồng mà nói như phát ngôn gây sốc của Trang Hạ thì cũng chỉ biết làm việc, ăn, tắm, ngủ. Nói không phải dìm hàng chồng thái quá thì anh đúng là... “một con lợn”.

Là phụ nữ có 6 năm trong hôn nhân nhưng tôi đồng tình hoàn toàn với quan điểm của Trang Hạ. Tôi không thấy việc chị ấy quá nâng cao quan điểm của mình. Tôi cũng không cho rằng chị ấy đang cố tình đánh vào tâm lý chung của nhiều phụ nữ chán chồng để gây sốc. Cũng đừng cho rằng chị Trang Hạ đang tìm cách nâng giá trị của phụ nữ lên mà dìm hàng đàn ông "một cách quái thai" như nhiều bạn nhận xét. Bởi sau nhiều lần nghĩ mãi, giờ tôi cũng đã tìm ra căn nguyên của việc tại sao những người đàn ông đang sống xung quanh tôi hiện nay đều là những con lợn.


Sau nhiều lần nghĩ mãi, giờ tôi cũng đã tìm ra căn nguyên của việc tại sao những người đàn ông đang sống xung quanh tôi hiện nay đều là những con lợn (Ảnh minh họa)

Lý do thứ nhất khiến những người đàn ông xung quanh tôi đều đang tự biến mình thành những anh lợn béo ú như Trang Hạ nói tôi cho là vì tại bà mẹ đã quá bao bọc họ ngay cả khi họ là bố của trẻ con và khi trên đầu đã 2 thứ tóc. 

Bằng chứng chẳng cần phải lấy ở đâu xa xôi. Tôi nói ngay như đơn cử bố tôi, chú tôi cũng được bà tôi hết lòng chăm sóc và cưng như trứng mỏng. Thậm chí đến thời điểm bây giờ, khi bố tôi và chú tôi đã có cháu nội - ngoại rồi nhưng vẫn được bà quan tâm, chăm sóc như con nít. Dường như trong lòng những người mẹ như bà tôi, mẹ tôi, các con có lớn và trưởng thành thế nào thì trong mắt họ vẫn luôn là 1 đứa trẻ lớn xác cần được che chở.

Đến chồng tôi giờ cũng vậy. Vợ chồng tôi mấy năm qua ở chung với mẹ chồng nên anh ấy dù đã ngoài 30 vẫn được mẹ chồng tôi cưng chiều. Trước khi anh kết hôn, tôi không muốn kể làm gì nữa. Bởi khi ấy chồng tôi không phải mó tay làm bất cứ việc gì lớn nhỏ. Lớn rồi, anh vẫn được mẹ dọn dẹp phòng hàng ngày, giặt quần áo và hầu ăn uống đến tận miệng.

Chẳng thế mà, khi anh đã lập gia đình, đã là bố của con tôi nhưng mẹ tôi vẫn giữ thói quen chăm sóc con trai đến tận kẽ răng. Nhất là những lúc anh ốm, mẹ chồng tôi cứ sốt sình sịch vì xót con. Lúc thì bà hì hụi sắc thuốc bắc bắt con uống tẩm bổ. Lúc bà lại mải miết nấu cháu bưng vào tận giường cho con trai ăn. Dù đã hơn 30 tuổi đầu, chồng tôi vẫn được mẹ vắt nước cam bắt uống mỗi sáng trước khi anh đi làm. Nhà có đồ ăn gì ngon, anh và cháu vẫn được mẹ tôi phần. Chồng tôi thì cứ điềm nhiên tận hưởng sự chăm sóc của bà như 1 thói quen bao năm qua nên cũng chẳng thấy có vấn đề gì.

Nhìn cảnh nhà mình như thế, tôi quả quyết, chính sự bao bọc con trai của các bà mẹ như mẹ chồng tôi khiến cho những người đàn ông như chồng tôi đã trở thành những chú lợn từ lúc nào không hay biết. Nói cho chính xác hơn thì những chú lợn như chồng tôi chính là sản phẩm của các bà mẹ nuông chiều con thái quá. 

Lý do thứ 2 tôi cho rằng, chính do những người phụ nữ gối ấp tay kề với người đàn ông của mình quá cả nể với mẹ chồng hay chăm chồng thái quá đã góp phần biến chồng mình, cha của con mình thành những "chú lợn" chỉ biết ăn - ngủ - tắm.

Đơn giản như tôi là một ví dụ. Khi tôi lấy chồng và sống cùng với bố mẹ chồng, hầu hết việc nhà chỉ do tôi và mẹ chồng đảm nhiệm. Ngày đầu mới kết hôn, thấy chồng đi làm về là chỉ việc tắm giặt, ăn uống và nghỉ ngơi, tôi thấy ngứa mắt và khá bức xúc. Đã có thời gian tôi góp ý và uốn nắn cho anh. Nhưng ý muốn “cải tạo” chồng của tôi đã vấp phải sự phản đối của mẹ chồng.

Nhiều lúc tôi muốn sai chồng, nhờ vả chồng làm những việc nhà, tôi lại bắt gặp ngay cái chau mày, cái nhìn ác cảm của mẹ chồng tôi. Có lúc, mẹ chồng còn bảo đó không phải là việc của đàn ông ở trong nhà này. Rồi bà cho rằng, bao năm qua anh không biết làm việc ấy.

Lúc tôi làm găng lên thì bà còn nói phũ kiểu như: “Nếu con không làm được thì cũng không nên sai chồng làm”/ “Không làm được cứ để đấy tí ở nhà mẹ làm”… Vì mẹ chồng tôi nuông chiều con trai như vậy nên lâu dần tôi là con dâu làm muốn sai chồng làm gì cũng phải giữ kẽ. Để giữ hòa khí trong nhà không căng thẳng, lâu dần tôi cũng chẳng muốn và chẳng dám nhờ vả chồng làm việc nhà.

Cứ thế, chồng lười vẫn hoàn lười, vẫn là con lợn. Cứ vậy, tôi là vợ anh, là con dâu thấy mẹ chồng chăm sóc anh như vậy, tôi phải học theo mẹ chồng, phải chăm chồng theo cách như mẹ chồng đã chăm. 

Lý do thứ 3 tôi kể ra đây có thể khiến nhiều chị em không nhịn nổi cười. Đó là tôi biết có rất nhiều người đàn ông xung quanh tôi còn mặt trơ trán bóng khi chẳng có chút sĩ diện nào mà tự nhận mình là lợn. Trong đó, chồng tôi, anh trai đã lập gia đình của tôi không ngoại lệ. 

Vì hàng ngày đi làm 8 tiếng ở công sở về mệt nhọc, chồng tôi, anh trai tôi đi làm về lại chẳng đỡ đần vợ việc lau dọn nhà, cọ WC hay nấu cơm, rửa bát hộ vợ. Ngược lại, anh cứ mặc nhiên coi việc nhà là của vợ và mẹ nên không làm. Anh đi làm về là tung tẩy đi chơi thể thao, đến giờ cơm thì về tắm giặt rồi ăn uống.

Tôi mạnh dạn đưa ra đề nghị với các phụ nữ: những câu lạc bộ nuôi lợn cần phải đóng lại (Ảnh minh họa)

Tôi và chị dâu hay phàn nàn chồng không biết đỡ đần vợ việc nhà thì 2 người đàn ông ấy dù học cao, nhận thức rất tốt nhưng  vẫn trơ mặt tự nhận mình là một con lợn. Tôi hỏi các anh: “Tự nhận thế không thấy sao à?”. Các anh cười và hồn nhiên đáp: “Nhận là lợn rồi còn gì. Lợn thì chỉ biết tắm, ăn, ngủ thôi”. Đến nước như vậy, tôi cũng chỉ biết bó tay.

Tóm lại, tôi thấy vì 3 lý do trên mà những người đàn ông xung quanh tôi đều biến thành là những con lợn. Vì thấy xung quanh có quá nhiều con lợn nên tôi không muốn thời gian tới có thêm những con lợn con lại xuất hiện. Do đó, tôi mạnh dạn đưa ra đề nghị với các phụ nữ: những câu lạc bộ nuôi lợn cần phải đóng lại. Các chị em có đồng ý với tôi không?

Thực sự, tôi không mấy hy vọng có thể thay đổi được tư tưởng chiều con trai của những phụ nữ đi trước. Nhưng tôi đề nghị ngay từ thế hệ phụ nữ đang làm vợ, làm mẹ như chính tôi đây, hãy bắt đầu tư tưởng trong cuộc chiến nuôi dạy con trai, con gái đúng cách ngay từ khi các con còn nhỏ. Như tôi đây, tôi sẽ dạy con trai tôi rằng, cuộc sống gia đình là phải có sự thấu hiểu và chia sẻ và phải từ 2 phía. Dù là trai hay gái thì đều phải tự lập, tự bồi dưỡng mình, yêu thương người thân và bản thân. Có như vậy thời gian tới sẽ không còn những người đàn ông con lợn xấu xí. 

Chia sẻ