Tóc rụng từng mảng vì... mũ bảo hiểm
Tóc rụng từng mảng, trên đầu có nhiều đám sần bong vẩy, mụn mủ…., đó là tình trạng của anh V. khi đến bệnh viện khám, tất cả chỉ vì đội mũ bảo hiểm không đúng cách.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Sáu, Bệnh viện Da liễu Quốc gia, cảnh báo, việc đội mũ bảo hiểm thường xuyên, đội chung mũ, nhất là dưới trời nắng nóng, tạo điều kiện cho nấm da đầu phát triển. Nếu không điều trị, bệnh có thể gây nhiễm trùng da toàn thân.
Hiện chưa có nghiên cứu nào về việc mũ bảo hiểm gây các bệnh cho tóc và da đầu. Tuy nhiên trên thực tế, số người phải thường xuyên đội mũ bảo hiểm như công nhân công trường, thợ mỏ... bị viêm chân tóc, nấm da đầu đến khám tăng cao.
Từ ngứa đến nhiễm trùng
Anh Nguyễn Văn V. (Uông Bí, Quảng Ninh) đi khám trong tình trạng tóc rụng từng mảng, trên đầu có nhiều đám sần bong vẩy, mụn mủ…. Bác sĩ cho biết anh bị nhiễm nấm. Theo anh V., do làm việc tại công trình nên anh phải thường xuyên đội mũ bảo hiểm. Những ngày trời nóng, mồ hồi ra nhiều, anh luôn thấy đầu ẩm, ngứa và nhiều gầu. Sau đó, trên đầu anh bắt đầu xuất hiện các nốt mụn nhỏ chảy nước, lan xuống cả cơ thể.
Nên vệ sinh mũ bảo hiểm thường xuyên. Ảnh: Đức Long. |
Theo bác sĩ, khi bị vi nấm xâm nhập da đầu và gây bệnh, các chủng nấm có thể lây từ người nọ sang người kia. Các sẩn này lúc đầu nhỏ li ti như đầu đinh ghim, sau đó to dần, đôi khi nhiễm trùng tại chỗ làm vùng da xung quanh tấy lên tạo thành những sẩn to như hạt đỗ, hạt ngô.
Các vùng có nhiều lông như nách, mu sinh dục, mặt trước cẳng chân cũng rất dễ bị tổn thương. Nếu bệnh nhân gãi nhiều, có thể gây nhiễm trùng. Đặc biệt, khi gãi, sợi nấm dính ở móng tay có thể làm lan thêm các tổn thương da mới ở thân, bẹn, mông... Nếu để lâu không chữa, nấm có thể ăn hỏng các móng tay, móng chân.
Phải vệ sinh mũ thường xuyên
Theo bác sĩ Nguyễn Thành, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Quốc gia, nấm tóc là do vi khuẩn liên tụ cầu proteus hay nấm trichophyton gây ra. Lớp vỏ bên trong mũ làm bằng xốp, không thoáng khí, gây đổ mồ hôi da đầu, là môi trường lý tưởng cho các loại nấm, vi khuẩn phát triển. Hơn nữa, mũ bảo hiểm ít khi được giặt và làm sạch, lại thường tiếp xúc với bụi bẩn nên dễ nhiễm nấm.