Vợ và phép so sánh... kém

,
Chia sẻ

“Sao anh không đi tập thể hình giống anh Tuân, sao anh không chịu mặc đồ hiệu giống anh Hùng, sao anh Vĩnh chồng cái Nga cũng đàn ông như anh mà nấu ăn phải nói là số một?”...

“Anh thấy em bị phép so sánh ám ảnh rồi đó. Mà không so sánh hơn, toàn so sánh kém thôi à. Anh chỉ muốn là anh thôi, không phải giống ai hết!”, cuối cùng thì Lập cũng phải hét toáng như vậy, khi Thảo đang say sưa với... phép so sánh của mình.

“Sao anh không đi tập thể hình giống anh Tuân, sao anh không chịu mặc đồ hiệu giống anh Hùng, sao anh Vĩnh chồng cái Nga cũng đàn ông như anh mà nấu ăn phải nói là số một?”... Thảo luôn đặt ra cho Lập những câu hỏi kiểu như vậy. Cô có thể so sánh anh với bất kỳ người đàn ông nào, từ bạn bè, họ hàng, đồng nghiệp đến chồng của bạn, anh hàng xóm, thậm chí cả những người đâu đâu (bạn của chồng cái Nga, chồng của em gái cái Thủy...) mà Lập “biết chết liền”. Cô cứ thao thao bất tuyệt những câu chuyện về người này người nọ, rồi cuối cùng “đóng một cái đinh” chắc nịch: còn anh thì...
 

Xét theo lời vợ, Lập thấy mình vừa... xấu trai, vừa kém cỏi, tệ hại, chẳng biết làm gì, chẳng... giống ai. Từ những chuyện so sánh cụ thể như: “Anh tập tennis em thấy không hay bằng tập thể hình. Anh Tuân (anh rể của Thảo) anh ấy nói rằng tập thể hình giờ giấc thoải mái lúc nào cũng được, máy móc đầy đủ hiện đại. Nhất là chẳng có cái khoản “cá độ” sau buổi tập, nhậu nhẹt ăn uống tốn kém mà mệt người”, hay “Em thấy anh Toàn hàng xóm nhà mình hễ vợ đi đâu là chồng dắt xe ra tận cửa, rồi còn nổ máy sẵn cho, mà ra đến đường rồi vợ chồng còn hôn hít tạm biệt thấy nồng thắm quá. Anh thì chẳng bao giờ...”. Cho đến những chuyện “trên trời” như: “Sao thấy người ta mà ham, anh A, anh B lương mấy ngàn đô, anh C công ty làm ăn phát đạt, vợ con đi nước ngoài như đi chợ, có chồng giàu sướng ghê!”, hay “Anh phó giám đốc công ty bạn em hay lắm nhé, anh ấy có giọng hát y như Elvid Phương (!), mà làm từ thiện lâu nay cả mấy trăm triệu không ai biết (!). Người gì mà lịch lãm, dân kinh doanh mà viết sách, làm thơ cực giỏi. Em nhớ hồi xưa hình như anh cũng làm thơ tặng em đó chứ, thế mà giờ thì... khô không khốc”.

Không chỉ nói, thỉnh thoảng Thảo còn bắt chồng “Anh mặc cái áo này, vì anh Vĩnh (anh họ Lập) dáng người giống anh mặc kiểu đó rất đẹp”, hay “Anh dùng dầu gội này đi, mấy ông chồng bạn bè em chuyển sang dùng loại này cả rồi”. Nói cho công bằng thì cũng có những so sánh Lập thấy là “cần thiết”, dù muốn dù không anh cũng phải thừa nhận, vì con người chẳng ai hoàn hảo, chắc chắn phải có những điều hơn kém nhau, đôi khi nhìn “cái hơn” của người khác mình cũng có thể học hỏi và “bắt chước” được. Nhưng cái cách “lấy một đọ một” sát rạt như Thảo, nhiều lúc Lập thấy bực mình và tự ái vô cùng. Chẳng hạn, dù dáng dấp giống nhau, nhưng tính Lập không thích “màu mè” như ông anh họ của mình, không thích đồ hiệu mà kiểu cách quá; hoặc loại dầu gội mà vợ “bắt” dùng thay loại cũ, anh thấy mùi hương hơi nồng nặc khó chịu...

Lập cự nự với vợ nhiều lần, có lúc Thảo cũng nghe ra nhưng “tật xấu khó bỏ”. Cho đến một lần, bên nhà hàng xóm “điển hình” bỗng có trận cãi vã khủng khiếp, tiếng khóc lóc của cô vợ anh chàng hay “dắt xe, nổ máy sẵn” vọng sang: “Tôi sẽ ly hôn với anh. Anh ga-lăng với vợ một thì với mấy con bồ của anh mười. Chồng người ta không dẻo miệng bằng anh nhưng tử tế đàng hoàng...”. Lập nói với cô vợ hay so sánh của mình: “Em thấy không, chị ấy so sánh chồng chị ấy với anh đấy, em thấy anh hơn chưa?”, Thảo gượng cười: “Nhà người ta có chuyện mà anh còn đùa được”, nói thế, nhưng Thảo có vẻ “suy nghĩ lại”, bớt “quen miệng” so sánh như trước.
 
Theo Thanh niên
Chia sẻ