Vợ “nóng như lửa”

,
Chia sẻ

Là đàn ông, ai cũng mong muốn lấy được người vợ dịu dàng, đằm thắm và chịu nghe lời chồng. Thế nhưng không ít cánh mày râu lại thấy tự hào vì tính vợ “nóng như lửa”.

Anh Thành (Trường Chinh, Hà Nội) từng khốn khổ khi bị vợ trách móc vì lười, chẳng chịu giúp việc nhà. Đã thế chị Trâm còn tra khảo ráo riết mỗi buổi chồng đi làm về muộn, thậm chí nhiều khi anh Thành còn phải nói dối hoặc quanh co mãi mới thoát nợ.

Nhiều lúc anh thấy ngột ngạt vì đã không nói thì thôi, mà đã nói thì vợ thường làm cho “ra ngô ra khoai”, nói chuyện với chồng mà như nạt nộ con. Nhưng “có yêu thì cô ấy mới mắng chồng thế”, anh Thành nói thêm.

Có dạo đi uống rượu với cánh bạn nhậu, đã khuya rồi mà vợ chẳng thèm gọi điện, anh Thành lại thấy thiêu thiếu: “Chẳng thà lúc nào giận, cô ấy bung bét hết ra còn hơn cứ im như thóc như thế”. Lâu lâu không thấy vợ đả động đến chuyện mình bê tha rượu chè anh lại mới bất thường.

Anh Quang (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho rằng: “Chẳng có ai muốn bị bà xã quản thúc nhưng thử một vài ngày mà vợ phớt lờ hoặc không thèm quan tâm đến chồng xem ai khổ hơn ai?”. Trước mặt người khác, nhất là bên nhà chồng, chị Dung (vợ anh Quang) vẫn ngọt lạt với chồng. Nhưng chỉ khi vào phòng ngủ thì chị mới cho chồng “đo ván” vì giọng nói oang oang như đàn ông.
 

Nói một thôi một hồi rồi lại đâu vào đấy, chẳng bao giờ chị Dung để bụng lâu. Sau khi nghe vợ kể tội, anh Quang thấy đúng là mình sai thật. Vậy nên vợ chồng có nhiều lần khục khặc nhưng chẳng bao giờ vợ ra hạn “chiến tranh lạnh” nên theo anh Quang thì đấy là phúc lớn.

Đi ra ngoài, anh vẫn tự hào vì được vợ tôn trọng, vợ nâng niu. “Tuy thi thoảng có bị sốc vì vợ “choảng” nhưng cô ấy có lý riêng và mình sai thì phải chịu đòn thôi”, anh Quang chia sẻ. Hai vợ chồng cứ đối đáp sòng phẳng rồi thôi. Thế nên đã bao nhiêu lần tưởng “đường ai nấy đi” vậy mà cuối cùng anh chị vẫn thấy không thể sống thiếu nhau.

Vợ “nóng” còn hơn “lạnh”!

Đa phần đàn ông chán ghét vì bị vợ cứ “chăm” như chăm con, cảm thấy mất tự do, bị kiềm kẹp đến nghẹt thở. Nhưng theo quan điểm của nhiều người thì vợ tuy có cục tính một chút cũng còn hơn là thù dai hoặc giận dữ để trong lòng, rồi mang bản mặt nặng như chì ra để hành hạ chồng.

Anh Dương (Kỹ sư xây dựng) cũng thấy bức xúc khi vợ hơi tý là càm ràm. Mỗi khi ngồi bù khú với bạn bè với anh chẳng khác nào bị tra tấn, chẳng mấy khi được yên. Vợ hết gọi điện đến inh tai, giục giã về sớm rồi dặn dò đi đường cẩn thận khiến anh cụt hứng. Có lần anh còn bị vợ làm phiền đến xấu hổ vì vợ quát trên điện thoại khiến người ngồi ngoài cũng nghe rõ mồn một.

Vợ cứ hơi tý là “sồn sồn” khiến đôi lúc anh Dương điêu đứng. Tức tối là vậy nhưng chỉ cần một hôm vợ vắng nhà thôi là anh đứng ngồi không yên. Bởi lẽ tuy vợ anh nóng nảy nhưng lại quan tâm chu đáo đến giấc ngủ, bữa ăn của chồng con.

Vậy nên anh Dương kết lại rằng: “Dẫu cho vợ có chiếm hữu chút cũng còn hơn lạnh nhạt, hững hờ với mình. Nên có vợ nóng tính cũng không đến nỗi thiệt thòi lắm”.

Đó là suy nghĩ của không ít ông chồng. Như trường hợp của anh Nam (Đống Đa, Hà Nội) lại thèm có một người vợ nóng tính. Bởi anh thấy sợ cái bản mặt tỏ ra “ngoan”, dịu dàng đến giả tạo của vợ mình mỗi lúc chồng đưa tiền lương. Thế nên theo suy nghĩ của anh thì thà có vợ nóng như lửa còn hơn lúc nào cũng ủ rũ, hơi tý là rớt nước mắt và những lúc giận dỗi là làm thinh, chẳng thèm nói với chồng lời nào.

Anh Nam tiếp tục than thở về cái khoản ăn diện của vợ mình. Rằng vợ lúc nào cũng ướt át, nhất là những lúc moi tiền chồng, ăn nói tuy yểu điệu nhưng lại trống rỗng và hay bị “hớ”. Vợ anh thích ngắm nghía bản thân, làm đẹp rồi tăm te đồ hiệu đã choán hết thời gian, còn nhà cửa thì miễn bàn, bẩn thỉu, bừa bãi chẳng chịu dọn dẹp.

Anh Nam cay cú hơn khi tự miệng vợ nói chồng cứ “cơm hàng cháo chợ” cho đỡ tốn thời gian. Chồng càng ít về ăn cơm nhà càng tốt. Những lúc chồng nhậu nhẹt quá đà, đi đêm về hôm mà vợ cũng chẳng buồn nhắc nhở khiến anh càng chán về nhà hơn.

Trường hợp khác, anh Vương (Thanh Trì, Hà Nội) tự hào vì cô vợ nóng tính của mình. Ban đầu mấy ông bạn bảo số anh khổ nên vớ phải bà vợ “nóng như lửa”, nói năng bốp chát rồi sẽ phải răm rắp làm theo thôi. Anh Vương chỉ cười trừ nhưng đến nay thì khi nghe mấy ông bạn cũ ngày ấy than thở hết lời về vợ ở nhà, thì anh Vương lại thấy có vợ nóng tính lại đâm hay.

Vợ anh là người nói được làm được, chân thành và khá quyết đoán. Bình thường thì vợ vẫn quan tâm, vẫn nấu nướng, giặt giũ, hầu như anh chẳng phải mó tay vào việc nhà. Nhưng có điều nếu anh làm sai điều gì thì tha hồ “lãnh đạn”.

Những đêm anh Vương uống rượu say, vợ bê chậu nước ấm lên rửa mặt mũi, rồi pha cốc nước chanh ép chồng uống, sau đó thì tự tay dọn dẹp “bãi chiến trường” chồng vừa nôn ói ra nhà. Tay chị vừa làm miệng vừa cằn nhằn. Như thành thói quen, hôm nào vợ mà không cáu gắt mấy câu, anh lại thấy thiếu và tự hỏi: “Hay cô ấy hết yêu mình rồi?”.

Đúng là có lúc anh Vương rất bực bội khi vợ cứ lên gân “mắng” chồng: “Anh đúng là vô công rồi nghề, sao cứ ngày đêm rượu chè thế hả? Muộn rồi sao không chịu về?”.

Anh Vương nghe nhiều nên đâm quen, chẳng còn cảm giác ớn lạnh như thời gian đầu nữa, thậm chí lâu dần anh xem đó là lời quan tâm của vợ cho xong. Bởi hết càm ràm, vợ anh lại dịu giọng: “Anh thấy đấy, khối ông rượu chè bét nhè, xe máy lái chứ có phải người lái đâu, rồi đâm lung tung, khi ấy thiệt ai?”. Nghe vợ nói vậy, tự nhiên anh Vương lại thấy có lỗi vì đã để vợ phải lo lắng.

Vợ anh thường “đá thúng đụng nia” mỗi lúc bực mình, nhưng sau đó lại “dễ tính” ngay. Như quen với tính khí thất thường của vợ nên anh Vương cũng không còn quá để ý. Nghe tiếng vợ choang choang: “Anh chỉ được xem một trận bóng thôi, về sơm sớm ngủ, mai còn đi làm” lại khiến anh thấy ấm lòng. Những lúc được vợ “lên gân” đến mức ra lệnh như vậy, anh Vương có cảm giác thích thú và tự hào vô cùng. Anh cho rằng thà vợ nóng còn hơn lạnh lùng, hờ hững với sự tồn tại của chồng.
 
Theo Eva
Chia sẻ