Vợ giỏi thích nghi với cái khổ

PNO,
Chia sẻ

Hai vợ chồng ki cóp mãi mới sắm được chiếc tay ga. Chồng “hy sinh” chạy xe số, ưu tiên dành xe tay ga cho vợ. Mua xe về cả tuần mà vợ vẫn chưa vững tay lái.

Lâu nay quen xe số, chạy xe ga vợ theo quán tính cứ thắng bằng chân. Chồng nóng ruột, bảo: “Em giỏi thích nghi lắm mà, sao nay tập hoài không xong vậy?”. Vợ cười hì hì: “Thôi, anh chạy tay ga đi, em quen đi xe số rồi”. Chồng hiểu, vợ vốn thích sự giản dị, bình dân. Những điều quý phái, sang trọng dường như vợ “thích nghi kém”.

Vậy nhưng, vợ lại xuất thân từ gia đình khá giả. Ông Tơ bà Nguyệt se duyên thế nào mà lại yêu anh bạn cùng lớp người miền Trung. Ngày đầu được chồng dẫn về nhà, vợ xăng xái vào bếp trổ tài. Nhưng được một lát vợ “dội” ra ngay vì không chịu được khói bếp. Nước mắt nước mũi ràn rụa, vợ không nghĩ rằng thời buổi bây giờ còn sử dụng bếp củi. Mẹ chồng tặc lưỡi, ái ngại: “Không biết có làm dâu nổi không?”.
 

Lần thứ hai, gần ngày cưới, vợ không ngại khó “lăn xả” vào bếp. Ngạc nhiên thay, vợ nhóm bếp củi thuần thục như một cô thôn nữ. Mẹ chồng vui ra mặt, hài lòng lắm. Bữa cơm đầu tiên ở nhà chồng đầm ấm, vui vẻ. Nhưng vợ ăn lưng một chén là buông đũa. Chồng biết ngay lý do. Người Trung quen ăn mặn, cay, bữa cơm thường đạm bạc, giản đơn. Vợ quen cách ăn của người miền Nam, lại vốn được ăn ngon từ nhỏ, khó thích nghi với nếp sống thanh bần nhà chồng. Bữa cơm thứ hai vợ ăn được hơn một chén. Đến bữa thứ ba là vợ có thể vừa ăn vừa trò chuyện, trông ngon miệng. Cả nhà ai cũng thương cô con dâu còn chưa quen cửa quen nhà nhưng đã sớm cố gắng hòa nhập, thích nghi nếp sống nhà chồng.

Chồng vốn tự trọng, không muốn người đời nghĩ mình trong cảnh “chuột sa hũ nếp” nên từ chối tất cả sự giúp đỡ của nhà vợ. Chồng thương vợ chịu nhiều thiệt thòi vì lấy ông chồng nghèo mà còn sĩ diện làm khổ lây vợ con. Nhưng vợ nhanh chóng thích nghi với cảnh nhà trọ nóng bức, ngột ngạt, quen cách trị cái xe máy cũ đỏng đảnh khó tính, quen dần với những bữa cơm nhiều rau ít thịt.

Có vợ biết thu vén, cuộc sống yên ả trôi qua. Nghĩ đến sự vất vả của vợ bao nhiêu năm, chồng muốn vợ được hưởng chút sung sướng. Nhưng đến lúc này, dường như sự “thích nghi thụ hưởng” của vợ kém đi. Chồng mua cho bộ váy thật đẹp, thật mốt, vợ bảo không quen “style” ăn mặc này. Chồng tặng vợ đôi giày cao gót, vợ từ chối với lý do thật chính đáng: không tốt cho sức khỏe. Mua mỹ phẩm cho vợ “dưỡng nhan” lại nhận được tác dụng ngược với câu trách móc: “Bộ anh chê em già và xấu phải không?”.

Thật ra, chồng biết, vợ sống chung với chồng lâu dần nên ít nhiều ảnh hưởng tính tằn tiện, tiết kiệm. Nhiều lúc, chồng động viên  vợ nên “tự thưởng” cho mình những điều hơi xa xỉ (xa xỉ theo cách nghĩ của vợ) để tận hưởng cuộc sống. Bao nhiêu năm, vợ như quên đi nhu cầu của bản thân. Bất cứ điều gì, thứ gì vợ cũng đều dành cả cho chồng cho con. Là phụ nữ, ai cũng muốn đẹp, muốn xinh, muốn trẻ mãi. Niềm ước ao rất đỗi phụ nữ đó, vợ “chuyển hướng” để mua cho con cái tấm áo mới, lo từng bữa cơm có chất tươi nhiều hơn và vô vàn những thứ không tên khác.

Đến nay, kinh tế gia đình có phần khá hơn. Vợ vẫn giữ nếp sống giản dị. Chồng nghiệm ra một điều, vợ giỏi thích nghi với cảnh khó khăn, cực khổ hơn là cảnh sung sướng, nhàn hạ. Tất cả xuất phát từ tình yêu của vợ dành cho chồng con, cho mái ấm nho nhỏ. Có được người vợ như thế, chồng cảm thấy cuộc đời hạnh phúc mãn nguyện không gì hơn.

Chia sẻ