Vợ đánh chồng, ép buộc quan hệ tình dục
Theo thống kê của Tòa án Nhân dân tối cao về các vụ án hôn nhân và gia đình thì tỷ lệ vợ đánh chồng là 0,6%, vợ mắng chửi chồng là 8,5%, vợ ép buộc chồng quan hệ tình dục là 1,6%.
Hiện nay bạo lực gia đình không phải là vấn đề mới mẻ, nó đã trở thành một hiện tượng trong xã hội. Nói đến bạo hành trong gia đình, nhiều người cho rằng chỉ có chồng "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ, với con. Nhưng thực tế, có những người chồng cũng là một trong số nạn nhân bị bạo hành.
Theo thống kê không đầy đủ của Viện Khoa học xét xử (Tòa án Nhân dân Tối cao), trong 10.608 vụ án hôn nhân và gia đình được xét xử, có 42% vụ án ly hôn mà nguyên nhân từ bạo lực gia đình. Trong số đó, tỷ lệ vợ đánh chồng là 0,6%, vợ mắng chửi chồng là 8,5%, vợ ép buộc chồng quan hệ tình dục là 1,6%.
Không ngại dùng “tay chân” nói chuyện với chồng
Phụ nữ vẫn luôn được xem là phái yếu, nhưng có không ít “liễu yếu đào tơ” lại là người chủ động dùng “tay, chân” nói chuyện với chồng. Có những người phụ nữ dùng vũ lực với chồng do ghen tuông hoặc do quá nóng giận, thậm chí có những người tính tình ghê ghớm coi chồng không ra gì.
Trường hợp của anh Tống Công Cường ở phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội là một ví dụ điển hình. Là một người đàn bà nhưng tính khí Tâm lại ưa hành động giống đàn ông. Không hiểu vì lý do gì, gia đình chồng đòi bán nhà và Tâm không đồng ý với quyết định đó. Chuyện nhà cửa khiến cho đời sống vợ chồng không được êm ấm. Nhiều lần cãi nhau Tâm đã dùng vật nhọn đâm chồng khiến anh Cường bị thương phải đi bệnh viện.
Người đàn bà này dường như "quen" thói "bạo hành" chồng nên cứ động đến cãi nhau là chị ta dùng đến những đồ nhọn, dao, kéo. Hậu quả Tâm gây ra cho chồng nghiêm trọng tới mức dẫn đến tử vong. Chuyện đơn giản chỉ vì Tâm không mở được khóa cửa bởi anh Cường nằm ngủ trên gác xép nên khóa bên trong. Loay hoay một hồi với chiếc khóa không được, Tâm bực tức, chửi chồng khi anh ra mở cửa.
Vừa vào trong nhà, Tâm đã chửi té tát anh Cường. Đang trong cơn ngái ngủ, bị vợ chửi vô lý, anh đã tát vợ. Tâm cáu tiết, vớ luôn cái kéo đang để ở mâm cơm rồi đâm thẳng vào ngực anh Cường. Dù được người nhà đưa đến bệnh viện Việt-Đức kịp thời nhưng vết thương nặng, mất nhiều máu nên anh đã tử vong.
“Tra tấn” tinh thần chồng
Trước kia mọi người vẫn quan niệm rằng cứ đánh nhau gây thương tích mới là bạo hành, và chỉ có người phụ nữ mới là nạn nhân. Nhưng thực ra phái mạnh cũng có thể bị phái yếu bạo hành, đôi khi bằng bạo lực, nhưng phổ biến nhất là sự kiểm soát kinh tế, cấm vận tình dục,…Có những ông chồng bị vợ thâu tóm toàn bộ lương lậu, đến mức không có tiền để chi tiêu cho những nhu cầu tối thiểu của bản thân. Hoặc các bà vợ khi không vừa lòng với người chồng thường xuyên dùng biện pháp cấm vận tình dục, không cho chồng được gần gũi mình và tạo áp lực với chồng. Những hành động trên nhiều khi được cho là cảnh vợ chồng “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” nhưng nếu mức độ thường xuyên và kéo dài nó đã trở thành bạo hành tinh thần với đối phương.
Người vợ có trình độ học vấn thấp dễ có hành vi bạo hành về thể chất, còn người học vấn cao thường tác động về tinh thần, dùng lời lẽ đay nghiến, hạ nhục, gây tổn thương tâm lý người chồng. Người phụ nữ không nhận thức được việc thường xuyên đay nghiến chồng chính là kiểu bạo hành khiến đàn ông sợ nhất và cũng dễ rơi vào nhất. Phụ nữ thường bị cho là nhiều lời hơn nam giới, khi có việc khó chịu hay không hài lòng về chồng họ thường kêu ca phàn nàn. Nhưng có nhiều người không chỉ dừng lại ở việc phàn nàn mà họ thường xuyên chì chiết, hạ nhục chồng bằng những lời lẽ thậm tệ khiến cho không ít những ông chồng không chịu nổi.
Trường hợp của anh Trung (35 tuổi, ngụ ở quận 7-TP.HCM) là một ví dụ. Anh thường bị vợ chì chiết là không biết cách làm chồng, làm cha. Khi nóng giận, chị đay nghiến anh vì cái “tội” không biết kiếm tiền. Anh là một nhân viên nhà nước bình thường, trong khi đó vợ làm bên kinh doanh nên thu nhập cao gấp ba, bốn lần lương của anh. Chính vì vậy mà chị Lan vợ anh có thái độ coi thường chồng ra mặt. Chị luôn so sánh anh Trung với chồng của cô bạn và dùng những lời lẽ nặng nề xúc phạm chồng như bảo anh là kẻ bỏ đi, là người đàn ông kém cỏi, thất bại, không lo cho vợ con một cuộc sống đầy đủ… Anh Trung nhiều lần ráng nhịn vì nghĩ rằng công việc của vợ căng thẳng nên cô ấy mới trút giận lên anh. Vả lại nhịn cho yên ổn chứ nói ra thì chính mình cũng mất mặt. Tuy nhiên, những lời mắng chửi, nhiếc móc và sỉ nhục mà chị thường xuyên dành cho anh khiến anh không chỉ đau đớn, thất vọng mà thực sự thấy bị xúc phạm và tổn thương sâu sắc. Nhiều lúc không thể chịu đựng nổi, anh chỉ muốn bỏ nhà ra đi hoặc tìm cái chết để thoát nợ. Dần dần, anh rơi vào trạng thái bị rối loạn tâm thần.
Nguyên nhân dẫn đến việc các ông chồng bị bạo hành có thể do người vợ có xu hướng thích tấn công người khác, nhưng người chồng lại không phản ứng gì hoặc phản ứng yếu ớt thì đó là môi trường thuận lợi phát triển xu hướng này. Có thể nhận thấy một điều những người đàn ông rơi vào tình trạng bị bạo hành thường là những người đã từng làm những việc có lỗi đối với vợ con hoặc đó là những người đàn ông có bản tính hiền lành đến độ nhu nhược. Họ không có chính kiến hay tỏ thái độ trước hành động ngang ngược của vợ, để cho vợ mình lộng hành và có lời lẽ hạ nhục chồng.
Ngoài ra khi trong gia đình phụ nữ là người có quyền lực hơn, làm ra nhiều tiền hơn thì lẽ dĩ nhiên họ càng muốn chứng tỏ vị thế của mình, bằng việc lấn áp chồng. Đó thường là những phụ nữ có cá tính mạnh mẽ. Một số người do thích sự sở hữu, không muốn chia sẻ với ai. Vì thế khi xuất hiện một người thứ 3 dù thực tế đó chỉ là mối quan hệ bạn bè, họ cũng cảm thấy không an toàn. Bị ám ảnh sợ mất chồng, nên họ muốn kiểm soát chồng chặt chẽ.
Theo các chuyên gia tâm lý, người bị bạo hành dễ stress với hai dạng: Trầm cảm và lo âu. Thời gian đầu, người bệnh luôn cảm thấy bất an, sợ sệt vô cớ, dễ bị hồi hộp, tim đập nhanh, đổ mồ hôi trộm, căng cơ, nhức đầu như bị đe dọa, tấn công. Nếu tình trạng này kéo dài trong khoảng hai tuần, người bệnh dễ rơi vào nhóm bệnh trầm cảm với biểu hiện rối loạn giấc ngủ, xuống tinh thần, đánh giá thấp bản thân, mất hứng thú với mọi thứ. Đó cũng là lý do làm nam giới cảm thấy bất lực, mệt mỏi và muốn tránh xa tổ ấm. Đặc biệt, đàn ông lớn tuổi dễ bị trầm cảm hơn khi vợ hành hung.
Từ xưa đến nay người Việt Nam vẫn luôn quan niệm những việc xảy ra ở mỗi gia đình là chuyện trong nhà. “Đẹp đẽ phô ra xấu xa đậy lại”, nếu những chuyện trong gia đình để người ngoài biết được thì chẳng hay ho gì, vì vậy những người bị bạo hành thường không muốn để ai biết chuyện nhà mình mà thường cố gắng chịu đựng. Không chỉ đối với phụ nữ mà ngay cả với người đàn ông, danh dự và sĩ diện lại càng không cho phép họ nói ra tình trạng bị bạo hành của mình. Nhưng nếu tình trạng bạo hành diễn ra lâu ngày sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng không chỉ đối với những người trong cuộc mà con cái họ cũng chịu thiệt thòi.
X.T